Nhưng anh không nghĩ vậy. Trong gia đình anh tự đặt ra quy định: Mỗi lần chị đi công tác dù xa, dù gần phải xin phép anh, anh có cho phép mới được đi.
Lần đó, chị nhận bảo vệ cho một thân chủ tại phiên tòa huyện xa nhà, trong bữa cơm tối hôm trước chị thông báo với anh là chị sẽ đi vắng hai ngày với thông tin địa điểm, thời gian và công việc cụ thể. Anh ừ hữ ra vẻ không vui nhưng không nói gì. Sáng hôm sau chị đi, xách va ly ra khỏi nhà chị thấy anh đứng chặn trước cửa, chẳng nói chẳng rằng anh cầm cả chiếc va ly đập vào đầu chị, gầm lên: “Tao không cho mày đi!” trước sự chứng kiến sững sờ của tài xế tắc xi đến đón.
Máu chảy thành dòng trên mặt chị, chị chạy lên gác để gọi mẹ chồng. Chân chị chưa đi hết bậc thang đã nghe mẹ chồng lạnh tanh nói: “Chị lên gặp tôi để tố chồng đánh chị phải không. Ngày xưa bằng tuổi chị ngày nào tôi chẳng bị chồng đánh, còn đau hơn nhiều. Mà tôi thì đâu đáng đánh bằng chị bây giờ, nên đừng kêu với tôi làm gì vô ích”.
Với chị, lời nói này còn đau hơn cả cú đánh của chồng, vì nó là thứ bạo lực từ những người cùng khổ, thứ bạo lực nhẫn tâm, sung sướng vì thấy người khác đau khổ.
Một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho chị em tiểu thương một chợ ở vùng ven đô là nạn nhân của bạo lực gia đình. Với sự trợ giúp của các tư vấn viên, những người phụ nữ ít chữ, giàu nhịn nhục đã dám nói lên nỗi khổ của bạo lực mà ngày ngày họ phải gánh chịu, dám nói lên ước mơ nhỏ nhoi của họ về một người chồng không còn đánh vợ, về một cuộc hôn nhân không còn như địa ngục. Câu chuyện của họ đã được truyền thông quan tâm và sử dụng như một thông điệp để kêu gọi xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
Những tưởng từ đây cuộc đời những người phụ nữ này sẽ thay đổi phần nào. Nào ngờ trong những buổi chợ sau họ bị chính những người phụ nữ giống họ chửi bới, mạt sát vì đã dám bêu xấu gia đình, bêu xấu chồng mình. “Cái thứ đàn bà đem chồng đi nói xấu là đàn bà lăng loàn; Đàn bà mà không bị chồng đánh sao ngoan được; Có hư hỏng thì chồng mới đánh chứ...”. Những đòn roi vô hình mà đau rát đã quất không thương tiếc xuống đầu những người phụ nữ.
58% phụ nữ từng chịu bạo lực gia đình – đó là con số nhiều người biết vì đây là số liệu từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình và đã nhiều lần được nhắc đi nhắc lại trên truyền thông. Nghe nhắc đến cụm từ bạo lực gia đình, như một sự mặc định, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cú đấm, cú đá, cái tát tai... từ những gã đàn ông. Nhưng ít ai nghĩ rằng trong số 58% phụ nữ từng chịu bạo lực gia đình kia có không ít người nhận bạo lực từ chính những người phụ nữ cùng thân phận với họ, thậm chí cùng cả cảnh ngộ chịu bạo lực giống họ.
Phải chăng thứ “bạo lực mặc váy hoa” đó chính là sự mông muội thú tính còn sót lại từ thuở hồng hoang mà những tưởng đã biến mất trong quá trình tiến hóa của con người?