Người kế vị Lý Thái Tổ chính là con trưởng của ông với người vợ đầu tiên (về sau được phong là Lập Giáo Hoàng Hậu), tên gọi Lý Phật Mã (còn có tên khác là Lý Đức Chính).
Người con trai đặc biệt
Lý Phật Mã sinh ngày 26 tháng 6 năm Canh Tí (1000) tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình). Khi Phật Mã mới sinh, ở Hoa Lư có con trâu tự nhiên thay sừng. Người chủ trâu cho đó là điềm chẳng lành nên rất lo lắng. Có người giỏi chiêm nghiệm đi qua nhà ấy, thấy vậy mới cười mà rằng: “Đó là điềm đổi mới, can dự gì đến nhà ông” (Đại Việt sử kí toàn thư). Người chủ trâu nghe thế, lúc bấy giờ mới hết lo.
Lý Phật Mã có 7 cái nốt ruồi ở sau gáy, trông như sao Thất Tinh.Thuở nhỏ đã thông minh đĩnh ngộ, tỏ ra là người có uy. Khi cùng chơi đùa với đám trẻ con, Phật Mã có thể sai bảo được chúng, bắt chúng đi dàn hầu phía trước, phía sau và hai bên như nghi vệ các quan theo hầu vua.
Lý Thái Tổ khi ấy chưa lên ngôi, đang giữ chức Điện tiền Chỉ huy sứ của nhà Tiền Lê, nghe thấy thế, nói đùa với con: “Con nhà tướng nên bắt chước việc quân, cần gì phải có kẻ rước người hầu?” Không ngờ Phật Mã lại trả lời rằng: “Thưa cha, kẻ rước người hầu thì có xa lạ gì với con nhà tướng? Nếu xa lạ thì sao ngôi vua không ở mãi với họ Đinh mà lại về họ Lê? Đều do mệnh trời cả thôi” (Đại Việt sử kí toàn thư). Lý Công Uẩn vô cùng kinh ngạc, từ đấy càng yêu quý Phật Mã hơn.
Cuối năm 1009, các quan đồng lòng tôn Lý Công Uẩn , tức là Lý Thái Tổ - lên ngôi Hoàng đế, thay thế nhà Tiền Lê. Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã lập Phật Mã làm Đông Cung Thái tử, cử các văn thần đến dạy Thái tử học.
Hoàng đế Lý Thái Tổ |
Thái Tử phải thân dân
Để rèn luyện thêm phẩm cách và năng lực cho người kế vị, năm Nhâm Tí (1012), Lý Thái Tổ hạ lệnh xây cung Long Đức ở bên ngoài Hoàng Thành để Thái Tử ra đó ở. Dụng tâm của Lý Thái Tổ rất rõ ràng: Để Thái tử Lý Phật Mã sống gần thần dân trăm họ, tự mình quan sát, tìm hiểu và thấu hiểu mọi việc trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Các sách sử đều chép rõ việc này, chẳng hạn Đại Việt sử lược cho biết: “Xây cung Long Đức ở ngoài thành cho Thái Tử ở để biết hết việc dân”; sách Đại Việt sử kí toàn thư cũng chép tương tự: “Sách phong Hoàng Thái tử Phật Mã làm Khai Thiên Vương, làm cung Long Đức ở ngoài thành cho ở, ý muốn Thái tử hiểu biết mọi việc của dân”.
Khi nhà Lý mới tạo dựng, Lý Thái Tổ phải đối mặt với vấn đề hệ trọng liên quan đến chiến lược trị nước của vương triều. Cách cai trị có phần bạo chính của Lê Ngoạ Triều khiến lòng người chán ghét nên họ mới đồng lòng suy tôn Lý Thái Tổ lên nắm giữ ngai vàng. Nay ông lên ngôi thì sẽ trị nước như thế nào, với đường hướng gì để quần thần và muôn dân tin phục?
Hiểu rõ điều đó, qua nhiều sự việc cụ thể khác nhau, Lý Thái Tổ đã biểu lộ cho thiên hạ thấy vương triều của ông sẽ dùng nhân chính để trị nước, là một vương triều gần dân, thân dân, kết hợp cả đức trị và pháp trị để xã tắc được vững vàng. Quyết tâm này luôn được cụ thể hoá bằng nhiều động thái và chính sách trong suốt 19 năm trị nước của Lý Thái Tổ.
Việc để Khai Thiên Vương Lý Phật Mã sống bên cạnh các tầng lớp nhân dân là con đường ngắn nhất để vị Hoàng đế tương lai thấu hiểu một phần cuộc sống vốn rất sinh động và đa dạng của người dân. Đó cũng là cách để đảm bảo rằng vị Hoàng đế ấy sau này sẽ có những quyết sách hợp lí, được lòng dân, đảm bảo sự nhất quán của chính sách thân dân mà Lý Thái Tổ đã hoạch định cho cả vương triều.
Thái tử Lý Phật Mã sống chan hoà với thần dân từ lúc còn là một đứa trẻ (năm 12 tuổi), đến 16 năm sau mới chính thức kế thừa đế vị. Đó là khoảng thời gian đủ lâu để ông chiêm nghiệm cuộc đời trần tục của bình dân bách tính, là 16 năm có ý nghĩa hệ trọng với sự dọn đường và chuẩn bị để ông trở nên một vị hiền minh về sau.
Lý Phật Mã nhiều lần cầm quân đi thu phục các vùng nổi loạn (Hình minh hoạ) |
Cần dụng binh chế thắng
Tuy ở ngoài Hoàng thành nhưng Thái tử Lý Phật Mã vẫn phải chịu sự giáo dục quy củ, có phần nặng nề theo tiêu chuẩn của bậc đế vương tương lai. Nhưng không chỉ được rèn cặp qua nghĩa lí sách vở cổ kim, Lý Thái tử còn được rèn giũa qua thực tế về nghệ thuật cầm quân, cách dụng binh chế thắng trên chiến trường cũng như giữ vững nền nội trị của triều đại. Nghĩa là tuy thân phận cao quý nhưng Lý Phật Mã phải luôn sẵn sàng theo lệnh phụ hoàng cầm quân xuất chinh khi cần thiết.
Hồi ấy, nước Champa ở phía Nam thường đem quân ra quấy phá.Năm 1020, tướng Champa là Bố Linh đem quân ra cướp trại Bố Chính (Quảng Bình). Tháng 12 năm ấy, Lý Thái Tổ sai Thái tử Phật Mã làm Nguyên Soái, cùng Thái bảo Đào Thạc Phụ thống lĩnh quân đội đem quân vào đánh trả. Quân Lý đến trại Bố Chính, tiến đến núi Long Tị thì đụng độ với quân Champa.Quân Champa chết đến quá nửa, Bố Linh bị chém tại trận.
Vào buổi đầu nhà Lý, việc nội trị còn gặp nhiều khó khăn do dân chúng ở các vùng đất xa chưa chịu quy phục, thường nổi dậy làm loạn khiến Lý Thái Tổ phải nhiều lần điều quân đi thu phục. Trong những lần xuất quân ấy, Thái tử Lý Phật Mã thường được giao nhiệm vụ tổng chỉ huy. Năm 1024, người dân vùng Phong Châu (nay thuộc Phú Thọ) làm phản, Lý Phật Mã bèn lĩnh ấn nguyên nhung lên đường dẹp loạn. Năm 1026, người vùng Diễn Châu (nay thuộc Hà Tĩnh) nổi dậy chống lại triều đình, Lý Phật Mã lại được cử đi dẹp loạn. Đến năm 1027, người châu Thất Nguyên (nay thuộc Lạng Sơn) nổi loạn, Lý Thái Tổ xuống chiếu cho Thái tử đi đánh dẹp. Chuyến đi đạt kết quả tốt đẹp và từ đây người châu Thất Nguyên không dám nổi dậy nữa. Điều đó đã thể hiện Lý Phật Mã là người bản lĩnh, biết cách thu phục, vỗ về người xa, xứng đáng theo mệnh trời mà kế nghiệp.
Nhờ sự giáo dục nghiêm khắc và có phương pháp của vua cha, Lý Phật Mã ngày càng hội tụ đủ đầy các phẩm chất của người làm vua thiên hạ. Sử sách khen ông “bẩm tính nhân từ, sáng suốt đĩnh ngộ, thông hiểu đại lược văn võ, còn như lục nghệ lễ, nhạc, ngự, xạ, thư, số không môn gì là không tinh thông am tường” và “trầm mặc, cơ trí, biết trước mọi việc, giống như Hán Quang Vũ đánh đâu được đấy, công tích sánh với Đường Thái Tông” (Đại Việt sử kí toàn thư). Sự lao tâm khổ tứ của Lý Thái Tổ như vậy không phải là uổng công, rốt cuộc cũng thu được những “hoa trái ngọt ngào”.
Tháng 3 năm 1028, Lý Thái Tổ băng hà, Thái tử lên kế vị. Trong suốt 26 năm trị vì (1028 – 1054), Lý Thái Tông – tức Lý Phật Mã – đã dùng nhiều người hiền tài, đặt luật pháp, tổ chức quân đội, khuyến khích dùng hàng nội hoá, bên ngoài thì đánh Champa, bên trong thì dẹp loạn, giữ yên phiên trấn, khiến cho muôn dân được no đủ, hạnh phúc.
Đặc biệt, ông tiếp tục duy trì phương sách dạy dỗ của tiên đế để dạy dỗ người sẽ nối ngôi ông – Thái tử Lý Nhật Tôn. Lý Nhật Tôn không chỉ ở ngoài cung Long Đức mà còn được quyền trực tiếp xét xử các vụ án lớn, khi có việc binh thì phải thân lên ngựa dẫn quân đi. Nhờ vậy, sau này lên cầm quyền, Lý Nhật Tôn đã trở thành vị Lý gia đệ tam đế nức tiếng trong sử sách.
Xét cho cùng cũng là do cách giáo dưỡng độc đáo, có hiệu quả cao mà Lý Thái Tổ đã dày công thực thi và truyền lại cho thế hệ hậu bối.../.