Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, do tuổi thọ người dân nước ta đang đã tăng cao trong khi tuổi nghỉ hưu lại thấp, đặc biệt một bộ phận không nhỏ người lao động có xu hướng về hưu sớm khiến thời gian hưởng lương hưu của người lao động kéo dài. Vì thế, quỹ BHXH hiện đang mất cân đối chi trả trung bình cho 6 năm lương hưu của mỗi người dân.
Cụ thể, tuổi nghỉ hưu ở nước ta theo quy định hiện hành là 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam, thế nhưng theo thống kê của BHXH Việt Nam thì thực tế tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ khoảng 54 tuổi, trong đó nam khoảng 55 tuổi và nữ là gần 53 tuổi. Đặc biệt, số người nghỉ hưu sớm trước tuổi chiếm tỷ lệ cao đến trên 50%.
Theo đó, ông Trần Đình Liệu phân tích, tuổi nghỉ hưu nói trên đã được duy trì từ năm 1960, khi đó tuổi thọ trung bình của người dân nước ta mới là 67 tuổi. Thế nhưng hiện nay, tuổi thọ bình quân của người dân nước ta đã tăng lên 73 tuổi, vì thế việc duy trì tuổi nghỉ hưu nói trên khiến thời gian hưởng lương hưu của người lao động kéo dài.
“Mỗi người lao động trung bình có 19 năm hưởng lương hưu trong khi theo tính toán quỹ BHXH chỉ còn duy trì được cho 13 năm, như vậy mất cân đối 6 năm” – ông Trần Đình Liệu nói.
Vẫn theo ông Trần Đình Liệu, thời điểm này rất khó tăng mức tiền đóng BHXH vì sẽ ảnh hưởng đến đời sống người lao động và doanh nghiệp. Do vậy, BHXH Việt Nam kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu theo tuổi thọ trung bình. Trước mắt, BHXH Việt Nam đề xuất thực hiện với một số nhóm đối tượng, ngành nghề, tuy nhiên, cũng phải tính đến bố trí việc làm cho lao động trẻ.
“Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề hết sức nhạy cảm và tác động sâu rộng tới tất cả các mặt của đời sống xã hội, do vậy để tạo sự đồng thuận cao, cơ quan chủ trì phải tính toán hết sức khoa học và chặt chẽ, trong quá trình triển khai cần có sự chuẩn bị về tâm lý cho người lao động, người sử dụng lao động và cần có lộ trình phù hợp. Bên cạnh đó, phải lường trước những tác động của chính sách, để khi chính sách mới được ban hành sẽ mang lại những điều tốt hơn cho người lao động” – ông Trần Đình Liệu phân tích.
Đề cập việc điều chỉnh cho lực lượng công an, vũ trang, ông Trần Đình Liệu cho biết, lực lượng vũ trang, công an là chuyên ngành, với số tuổi nghỉ hưu thấp thì sắp tới phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp, BHXH Việt Nam sẽ kiến nghị bù ngân sách vào phần thiếu hụt.
Trước đó vào đầu tháng 9-2016, Bộ LĐ-TB&XH cũng lấy ý kiến điều chỉnh nhiều nội dung trong dự thảo sửa đổi Luật lao động, dự kiến trình Chính phủ đầu năm 2017, trong đó có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 58 và nam lên 62.