Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
(PLO) - Trong phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 28/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cổng TTĐT Chính phủ xin giới thiệu toàn văn báo cáo.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, từ năm 2011 đến nay, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp (Ủy ban DTSĐHP) đã tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội cho ý kiến. 
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 02/01/2013, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Hoạt động này đã được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng, nghiêm túc, thu hút được sự tham gia tích cực, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị. 
Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban DTSĐHP đã nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Trong quá trình soạn thảo, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi hiến pháp, Ủy ban DTSĐHP, các vị đại biểu Quốc hội luôn bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), các nghị quyết của Đảng và ý kiến của nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, Ủy ban DTSĐHP đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học và tham vấn ý kiến của các chuyên gia ngôn ngữ để hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến của Dự thảo.
Tại kỳ họp này, các vị đại biểu Quốc hội đã nghe Ủy ban DTSĐHP báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên cơ sở ý kiến  của nhân dân và của các vị đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ và tại Hội trường. 
Sau mỗi phiên họp, chất lượng của Dự thảo được nâng lên, nhiều ý kiến hợp lý của đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban DTSĐHP tiếp thu, chỉnh lý và giải trình cụ thể. 
Thực hiện Chương trình làm việc của Quốc hội, ngày 18/11/2013, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu và sửa trực tiếp vào Dự thảo và thể hiện ý kiến về những nội dung trong Phiếu xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đến nay, Đoàn thư ký kỳ họp đã nhận được 408 Phiếu xin ý kiến và đã có nhiều vị đại biểu Quốc hội gửi bản góp ý cụ thể vào nội dung Dự thảo. 
Các vị đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến xác đáng của nhân dân, của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Dự thảo có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp. 
Các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với bố cục của Dự thảo Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) và cho rằng, bố cục của Hiến pháp như vậy là hợp lý, chặt chẽ và khoa học, nội dung và kỹ thuật trình bày bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.
Tại kỳ họp này, với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp thêm nhiều ý kiến cụ thể để hoàn thiện bản Dự thảo Hiến pháp với mong muốn Dự thảo Hiến pháp có chất lượng tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Ngoài những vấn đề đã được giải trình trong các báo cáo trước, Ủy ban DTSĐHP xin trân trọng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, thông qua như sau:
1. Về Lời nói đầu
Đa số ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội tán thành với Lời nói đầu của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số mốc sự kiện lịch sử. Ý kiến khác lại đề nghị viết gọn hơn, khái quát hơn.
Ủy ban DTSĐHP xin được báo cáo Quốc hội như sau: Lời nói đầu của Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở chắt lọc, lựa chọn ý tứ, từ ngữ để nêu bật được một cách ngắn gọn tinh thần, nội dung của Hiến pháp.
Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội, Lời nói đầu của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã được hoàn thiện phản ánh được lịch sử hào hùng của dân tộc và những mốc lịch sử quan trọng, những thành quả cách mạng đã đạt được.
Lời nói đầu của Hiến pháp đã thể hiện ý chí, quyết tâm của nhân dân ta, thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
2. Về bản chất Nhà nước và nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước (Điều 2)
- Đa số ý kiến tán thành với quy định về Nhà nước, quyền lực Nhà nước và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước tại Điều 2 của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị quy định “Nước CHXHCN Việt Nam là một nước dân chủ, do nhân dân làm chủ”; đề nghị bổ sung “khối đại đoàn kết toàn dân tộc” là nền tảng của quyền lực Nhà nước.
Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, quy định nước CHXHCN Việt Nam do nhân dân làm chủ đã thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Điều 2 của Hiến pháp kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 thể hiện bản chất của Nhà nước, đồng thời khẳng định nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Đây là vấn đề đã được thể hiện trong Cương lĩnh và thực tiễn hoạt động của Nhà nước; còn “đại đoàn kết toàn dân tộc” là một trong những động lực rất quan trọng để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước đã được thể hiện tại Điều 5, Điều 9 và các nội dung khác của Dự thảo. Do đó, xin Quốc hội cho giữ Điều 2 như Dự thảo.
- Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp tại khoản 3 Điều này hoặc bỏ từ “kiểm soát” trong cụm từ nêu trên. Có ý kiến đề nghị bỏ từ “phối hợp” vì trong phân công đã bao hàm ý phối hợp.
Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực đã được xác định trong Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng và cũng là yêu cầu của nhân dân và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Quy định “kiểm soát quyền lực” là một nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, là một vấn đề mới trong tổ chức quyền lực của Nhà nước ta. Nguyên tắc này đã được thể hiện trong các Chương V, VI, VII, VIII và IX của Dự thảo Hiến pháp. Đây là cơ sở hiến định để tiếp tục thể chế hóa trong các quy định của các luật có liên quan. Do vậy, tại Chương I chỉ nên quy định một cách khái quát nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền lực Nhà nước như đã thể hiện trong Dự thảo.
3. Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4)
Tuyệt đại đa số ý kiến đều tán thành quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị quy định Đảng ta là Đảng cầm quyền, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội như đã thể hiện trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011); một số ý kiến đề nghị điều chỉnh về từ ngữ.
Ủy ban DTSĐHP xin được báo cáo Quốc hội như sau: Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 đã quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong điều kiện một đảng lãnh đạo thì quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội đã hàm nghĩa Đảng ta là đảng cầm quyền, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quy định như Dự thảo là kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1992, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. 
Dự thảo đã bổ sung quy định về bản chất của Đảng, đó là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy nên nhân dân ta thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước. 
Tiếp thu ý kiến của nhân dân và đại biểu Quốc hội, Dự thảo Hiến pháp đã bổ sung vào Điều 4 quy định về trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
4. Về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Công đoàn Việt Nam (Điều 9, Điều 10)
- Đa số ý kiến tán thành với quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác tại Điều 9 của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đồng thời nêu rõ vị trí, vai trò của Mặt trận; quy định khái niệm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho gọn hơn.
Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, quy định tại khoản 1 Điều 9 đã thể hiện một cách khái quát nhất về vị trí, vai trò quan trọng và chức năng cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là sự kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo đã bổ sung và thể hiện rõ hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành giữ Điều 10 quy định về Công đoàn trong Dự thảo. Có ý kiến đề nghị không quy định Công đoàn thực hiện nhiệm vụ tham gia thanh tra, kiểm tra vì Công đoàn không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Có ý kiến đề nghị quy định chung theo hướng Công đoàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp mà không chỉ giới hạn trong “những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động”.
Về vấn đề này, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, việc Công đoàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã được xác định trong Hiến pháp năm 1992 và Luật công đoàn năm 2012 và đã có thực tiễn thực hiện nhiều năm qua. Với tính chất của tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động, việc tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát của tổ chức Công đoàn tập trung thực hiện đối với một số vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách, pháp luật về lao động hoặc liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. Theo tinh thần đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nội dung này như thể hiện tại Điều 10 của Dự thảo.
5. Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II)
Qua tổng hợp ý kiến, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với những nội dung quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương II để khẳng định tầm quan trọng của quyền con người, quyền cơ bản của công dân thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 
Các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc ghi nhận các quyền con người trong Dự thảo đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, Dự thảo cũng đã bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước; thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.
- Có ý kiến đề nghị xác định rõ trường hợp nào việc thực hiện quyền theo quy định của luật, trường hợp nào theo quy định của pháp luật để tránh sự lạm dụng, vi phạm quyền công dân của các cơ quan công quyền; bảo đảm nguyên tắc quyền do Hiến pháp và luật quy định.
Ủy ban DTSĐHP xin báo cáo Quốc hội về vấn đề này như sau: về nguyên tắc, quyền con người, quyền cơ bản của công dân khi đã được quy định trong Hiến pháp thì phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành. Tuy nhiên, để thực hiện một số quyền có hiệu quả, thì pháp luật còn phải quy định về trình tự, thủ tục để ngăn ngừa sự lạm quyền từ phía các cơ quan nhà nước và tạo thuận lợi cho công dân. Vì thế, Ủy ban DTSĐHP đã rà soát kỹ các quy định này trong Dự thảo để thể hiện nhất quán và chặt chẽ hơn.
6. Về kinh tế thị trường định hướng XHCN và các thành phần kinh tế (Điều 51)
- Đa số ý kiến tán thành với quy định tại Điều 51 của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị quy định hoặc giải trình rõ hơn về “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” tại khoản 1; bổ sung quy định về “sở hữu toàn dân là nền tảng” vì chế độ sở hữu toàn dân có ý nghĩa quyết định sự tồn tại và phát triển của chế độ XHCN.
Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, nội hàm khái niệm “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã được khẳng định trong Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng và đã được thể hiện cụ thể trong các nội dung quy định của Hiến pháp. Phạm trù “kinh tế nhà nước” là phạm trù khái quát, bao gồm nhiều nguồn lực, nhiều nội dung, trong đó có sở hữu toàn dân. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nội dung này như trong Dự thảo.
- Về các thành phần kinh tế, đa số ý kiến tán thành với quy định như trong Dự thảo. Có ý kiến đề nghị bỏ quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” hoặc quy định cụ thể nội hàm của kinh tế nhà nước.
Ủy ban DTSĐHP xin báo cáo Quốc hội như sau: Để bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế nước ta thì việc quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là cần thiết, khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quy định như vậy không ảnh hưởng đến sự vận hành của nền kinh tế thị trường và vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế khác. Mặt khác, kinh tế nhà nước là một phạm trù rộng, bao gồm nhiều yếu tố, nguồn lực, trong đó doanh nghiệp nhà nước chỉ là một trong nhiều yếu tố đó. Do vậy, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, không cần thiết phải quy định chi tiết về kinh tế nhà nước trong Dự thảo. Việc xác định nội hàm kinh tế nhà nước sẽ được cụ thể trong các đạo luật liên quan.
7. Về thu hồi đất (Điều 54)
Đa số ý kiến đồng ý với quy định tại Điều 54 của Dự thảo. Đồng thời, có ý kiến đề nghị thể hiện rõ hơn yêu cầu Nhà nước chỉ thu hồi đất cho việc phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Như đã báo cáo Quốc hội trong các lần giải trình trước đây, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện, Hiến pháp cần quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng thể hiện lại cho gắn kết với mục tiêu lợi ích quốc gia, công cộng như đã thể hiện tại khoản 3 Điều 54 của Dự thảo.
8. Về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (Điều 64)
- Có ý kiến đề nghị viết khái quát đoạn 1 Điều 64 thành: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là sự nghiệp của toàn dân” vì quy định như vậy vừa không đầy đủ, thiếu nội dụng tăng cường nền quốc phòng, vừa trùng lặp vì “giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” đã được thể hiện trong Điều 65 và Điều 67.
Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và là quyền cao quý của công dân. Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân. Nội hàm bảo vệ Tổ quốc rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Dự thảo quy định khái quát “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân” tại Điều 64; còn những vấn đề về quốc phòng, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thì đã được quy định tại các điều 65, 66, 67, 68 và trong các nội dung khác của Dự thảo.
9. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Điều 70, Điều 74)
- Đa số ý kiến tán thành với việc tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội được quy định tại Điều 70 của Dự thảo. Một số ý kiến đề nghị cần mạnh dạn phân cấp hơn nữa cho địa phương trong lĩnh vực ngân sách, theo đó, địa phương có thẩm quyền quyết định dự toán, quyết toán ngân sách cấp mình.
Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, việc nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương về ngân sách là cần thiết để địa phương chủ động trong việc triển khai ngân sách nhằm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của mình.
Tuy nhiên, việc tách bạch hoàn toàn giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương là không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay ở nước ta. Nhà nước Việt Nam là thống nhất, tài chính Nhà nước và ngân sách Nhà nước là thống nhất trong quản lý, Quốc hội đại diện cho cử tri cả nước. Việc qu‎yết định dự toán ngân sách Nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước phải thuộc trách nhiệm của Quốc hội. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nội dung này như trong Dự thảo.
- Đa số ý kiến tán thành với quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như Dự thảo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Quốc hội. Có ý kiến cân nhắc quy định về thẩm quyền phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam ở nước ngoài.
Ủy ban DTSĐHP xin được báo cáo Quốc hội như sau: Do vị trí của Đại sứ là đại diện đặc mệnh toàn quyền của nước ta ở nước ngoài nên việc quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn để Chủ tịch nước bổ nhiệm, cử, triệu hồi Đại sứ là cần thiết. Quy định này cũng là sự kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
10. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước (Điều 88)
- Các đại biểu Quốc hội đều tán thành với quy định về Chủ tịch nước tại Điều 88 của Dự thảo. Theo đó, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn vị trí, thẩm quyền của Chủ tịch nước trong cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta; làm rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước.
Tiếp thu ý kiến nêu trên, Dự thảo đã làm rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và quy định mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp. Đồng thời, Dự thảo đã làm rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước trong việc quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam…; cùng với đó là bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch quyết định việc lực lượng vũ trang nước ta tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
11. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Điều 96, Điều 98)
- Tuyệt đại đa số ý kiến tán thành với quy định Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội và đồng tình với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ quy định tại Điều 96 của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nhằm phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc đề xuất, xây dựng chính sách trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc tự mình quyết định theo thẩm quyền.
Tiếp thu ý kiến này của biểu Quốc hội, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội bổ sung nội dung này như thể hiện tại khoản 2 Điều 96.
- Có ý kiến đề nghị làm rõ thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc đàm phán, ký và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế.
Tiếp thu ý kiến này, Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng phân định rõ thẩm quyền của tập thể Chính phủ trong việc tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ và thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
12. Về Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân (Chương VIII)
- Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với việc quy định một cách tổng quát trong Hiến pháp về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân, làm cơ sở hiến định cho việc tiếp tục đổi mới hoạt động tư pháp, phù hợp với yêu cầu của Nhà nước pháp quyền. Những vấn đề cụ thể về tổ chức và hoạt động của Tòa án, của Viện kiểm sát nhân dân sẽ được quy định cụ thể trong các luật về tổ chức bộ máy và tố tụng.
- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Viện Kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát chung như Hiến pháp năm 1992. Ý kiến khác đề nghị bổ sung chức năng kiểm sát hoạt động điều tra, thi hành án vào cuối khoản 1 Điều 107 hoặc làm rõ nội hàm “kiểm sát hoạt động tư pháp” là “kiểm sát điều tra, xét xử, thi hành án”.
Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, Hiến pháp năm 1992 đã bỏ chức năng kiểm sát chung của Viện Kiểm sát nhân dân để cơ quan này tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đây là vấn đề đã được thảo luận kỹ và được sự thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Về chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, việc quy định chức năng này của Viện Kiểm sát như Dự thảo là hợp lý. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, các đạo luật có liên quan sẽ tiếp tục quy định cụ thể. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị cho giữ nội dung này như trong Dự thảo.
13. Về chính quyền địa phương (Chương IX)
- Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới và cho rằng, Dự thảo Hiến pháp cần có những quy định khái quát về mô hình chính quyền địa phương làm cơ sở hiến định để xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương sau khi Hiến pháp được ban hành. 
Các ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí việc tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp hiện hành về các đơn vị hành chính nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, ổn định trong cấu trúc hành chính ở nước ta; đồng thời đề nghị bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; có quy định nhằm khắc phục những hạn chế trong việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo tiếp tục giữ quy định về các đơn vị hành chính tại Điều 118 của Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và ổn định trong cả nước; bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bổ sung vào khoản 2 Điều 110 nội dung: “Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định”.
- Về tổ chức chính quyền địa phương, trên cơ sở bám sát nội dung Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, các kết luận, nghị quyết của Hội nghị trung ương về chính quyền địa phương, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, cần quy định khái quát theo hướng:
“Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”, việc tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cụ thể ở từng đơn vị hành chính sẽ được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng thí điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và các nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.
14. Về Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước (Chương X)
- Đa số ý kiến tán thành quy định về Hội đồng Bầu cử quốc gia và cho rằng, việc bổ sung chế định Hội đồng bầu cử quốc gia nhằm thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn chủ quyền nhân dân, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, thể chế hóa một trong những chủ trương của Đảng là “tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp theo hướng hoàn thiện chế định bầu cử…”. Trên tinh thần đó, Dự thảo đã quy định tổng quát về Hội đồng Bầu cử quốc gia, còn những vấn đề cụ thể về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ do luật định.
- Đa số ý kiến tán thành quy định về Kiểm toán Nhà nước trong Dự thảo và cho rằng, quy định về Kiểm toán Nhà nước như Dự thảo là phù hợp với thực tiễn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
15. Về việc sửa đổi Hiến pháp (Điều 20)
Đa số ý kiến đồng ý với quy định về hiệu lực của hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp như trong Dự thảo. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân. Ý kiến khác đề nghị không quy định thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp.
Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, thực tiễn lập hiến ở Việt Nam cho thấy, nhân dân tham gia vào tất cả các công đoạn của quy trình lập hiến, từ việc tổng kết thi hành Hiến pháp đến việc xây dựng và tham gia ý kiến vào Dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội thông qua. Do đó, về thực chất, Dự thảo Hiến pháp trước khi trình Quốc hội thông qua đã thể hiện ý chí và trí tuệ của nhân dân. 
Vì vậy, Hiến pháp đã giao Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân quyết định việc trưng cầu dân ý. Trưng cầu ý dân về Hiến pháp là việc hệ trọng nên cần phải được cân nhắc một cách toàn diện, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của nước ta. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định” để kết hợp giữa thẩm quyền của Quốc hội và chủ quyền của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp.
16. Về dự thảo Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đã hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp (sửa đổi), trong đó quy định rõ thời hạn công bố, thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp nhằm bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và chấp hành nghiêm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp (sửa đổi).
17. Ngoài các vấn đề đã báo cáo, giải trình trên đây, Ủy ban DTSĐHP đã nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đã chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, rà soát về ngôn ngữ đối với các quy định trong Dự thảo.

Đọc thêm

Chủ tịch nước dự chương trình 'Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản'

Chủ tịch nước Lương Cường tặng quà các gia đình ở xã biên giới Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
(PLVN) - Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trong cả nước đã có nhiều mô hình, chương trình, cách làm thiết thực giúp dân như: Chương trình “Xuân tình nguyện”, “Tết vì người nghèo”, “Hũ gạo tình thương”, “Áo ấm cho em”, “Bánh chưng xanh”… Năm nay, tổng số tiền các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị dành tặng chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” trên cả nước là gần 25 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà tại tỉnh Phú Thọ

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà tại tỉnh Phú Thọ
(PLVN) - Ngày 10/1, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn công tác đã đến thăm chúc Tết cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh và tặng quà các gia đình chính sách, người nghèo, công nhân, người lao động, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Phú Thọ.

Rõ người, rõ trách nhiệm

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương vừa tổ chức, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng. Một nội dung đáng lưu ý, Tổng Bí thư đặt vấn đề liên quan lĩnh vực hợp tác quốc tế: “Từ 2021 đến nay chúng ta có 579 cam kết, thỏa thuận, dự án hợp tác được ký kết qua hoạt động đối ngoại với 69 đối tác. Vậy có ai theo dõi việc triển khai hay thúc đẩy các thỏa thuận, hợp đồng này? Tác dụng thế nào? Hay ký chỉ để mà ký”.

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc tết tại Lai Châu

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc tết tại Lai Châu
(PLVN) -  Trong khuôn khổ chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, chiều nay (9/1), Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn công tác Trung ương đã đến thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang xã Pa Tần; tặng quà cho các gia đình chính sách và hộ nghèo của xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo về Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh:VGP)
(PLVN) -  Với vai trò Trưởng Ban, Thủ tướng cùng các Phó Trưởng Ban và Ủy viên sẽ chỉ đạo định hướng chiến lược, xây dựng cơ chế, chính sách và điều phối nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Việt Nam thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Bộ Quốc phòng tổng kết công tác chuyển đổi số 2024: Nhiều chuyển biến tích cực

Thượng tướng Lê Huy Vịnh kết luận Hội nghị.
(PLVN) - Năm 2024, nhiều nội dung, nhiệm vụ về cải cách hành chính, chuyển đổi số (CCHC,CĐS) được thực hiện với quyết tâm cao. Công tác CCHC,CĐS trong Bộ Quốc phòng (BQP) có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều nội dung hoàn thành tốt, nổi bật là đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử.

Không quân bay chào mừng, bắn pháo lễ, diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Hướng tới lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động trọng điểm như không quân bay chào mừng, bắn pháo lễ, diễu binh và diễu hành. Các lực lượng tham gia đã bắt đầu huấn luyện chặt chẽ qua nhiều giai đoạn, với yêu cầu cao về sự phối hợp, kỷ luật và an toàn tuyệt đối.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Làm tổ cho 'đại bàng' và những cánh đồng cho 'đàn ong' làm mật

Tổng Bí thư Tô Lâm: Làm tổ cho 'đại bàng' và những cánh đồng cho 'đàn ong' làm mật
Sáng 8/1, Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tổng Bí thư Tô Lâm đến dự và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo hội nghị. Báo CAND trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư. 

“Chìa khóa” để hưng thịnh, giàu mạnh

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Amandeep Singh Gill, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Công nghệ kỹ thuật số và Công nghệ mới nổi, đồng thời là Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Công nghệ đang thăm, làm việc tại Việt Nam.