Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đánh giá: Khu vực ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới; đây cũng là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất của Việt Nam. Với thế mạnh đó, ĐBSCL đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước.
Tuy nhiên, mặc dù có nhiều thế mạnh nhưng quy mô kinh tế của vùng chỉ chiếm hơn 12% so cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại một số địa phương trong vùng còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu… Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng, để ĐBSCL phát triển xứng tầm, bền vững thì một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu để quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội thảo. |
Thông tin về các hạn chế, điểm nghẽn trong công tác thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, TP Cần Thơ và các tỉnh/thành trong khu vực ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Nguyên nhân là do lĩnh vực logistics chưa phát triển, tạo thành điểm nghẽn hạn chế năng lực cạnh tranh và cơ hội đưa sản phẩm của vùng đến với người tiêu dùng.
Theo ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa người bán và người mua trên các sàn thương mại điện tử còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp của vùng ĐBSCL dù có sản phẩm đủ năng lực cạnh tranh, rất tiềm năng để đưa ra thị trường quốc tế nhưng còn thụ động trong công tác xúc tiến thương mại, cũng như khả năng nắm bắt các thông tin thị trường và tiếp thị xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vùng còn hạn chế.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Đồng quan điểm, ông Tô Minh Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực kinh doanh còn hạn chế, thiếu kiến thức về thị trường thế giới và luật pháp quốc tế. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp chưa đủ khả năng nhận biết và tránh né các rào cản kỹ thuật, lúng túng trong việc tìm biện pháp xử lý, tháo gỡ, cũng như chưa chủ động tiếp cận thị trường mới.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương cho rằng, để thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL thì các tỉnh/thành trong khu vực cần nghiên cứu, phối hợp tổ chức các buổi xúc tiến thương mại chuyên ngành quốc tế, hội chợ, triển lãm quy mô vùng. Từ đó mới tạo được thương hiệu cho các sản phẩm của vùng ĐBSCL.
Bên lề Hội nghị có không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng ĐBSCL với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhóm các vấn đề quan trọng nhằm đề ra phương hướng, giải pháp thúc đẩy thương mại và xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL. Điển hình như: Phương hướng phát triển các nhóm ngành có lợi thế, tiềm năng xuất khẩu phù hợp với vùng ĐBSCL; vấn đề xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng; giải pháp phát triển dịch vụ logistics và sự phối hợp của doanh nghiệp phân phối trong hoạt động xuất nhập khẩu của vùng…
Sau khi lắng nghe ý kiến tham luận của các đại biểu, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị, thời gian tới, các tỉnh/thành trong khu vực ĐBSCL tích cực tham gia các hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Thứ trưởng cũng mong muốn các tỉnh trong khu vực thống nhất chọn thương hiệu của vùng, xây dựng các vùng nguyên liệu bền vững…