Như PLVN đã phản ánh, từ chuyện nhắc nhở nhậu đêm khuya, gây ồn ào, anh Nguyễn Võ Thanh Quan đã bị hai người đàn ông hành hung đến chết não, nguy cơ sống đời sống thực vật đến hết đời.
Ba lần không giám định được thương tích
Theo phản ánh của chị Trần Thị Việt (SN 1985, vợ anh Quan), khoảng 21h ngày 13/3, trước cửa phòng trọ số 5 tại khu nhà chị có nhóm ba người đàn ông tổ chức ăn nhậu. Thấy ba người này (trong đó người trọ tại phòng số 5 và 2 người ở nơi khác đến) cự cãi gây ồn ào, anh Quan có đến nhắc nhở giữ trật tự.
Sau đó, chị Việt nghe tiếng la đánh nhau nên chạy ra đầu hẻm thì thấy một người ôm siết cổ anh Quan từ phía sau, một người khác đứng phía trước kéo chân anh Quan hướng ngược lại. Anh Quan ngạt thở, hai chân giãy giụa thì bị hai người vừa siết cổ, vừa kéo lê sang bên kia đường. Do được người dân can ngăn, hai người buông anh Quan nhưng lúc này, anh đã nằm bất động.
Anh Quan được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Gia Định trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, ngưng mạch. Bác sĩ cho biết, do bị ngạt, tắt oxy lên não nên khả năng tổn thương não rất cao, dẫn đến chết não.
Ngay sau đó, chị Việt đã trình báo công an và hai lần gửi đơn đến Công an quận Bình Thạnh yêu cầu khởi tố vụ án “Giết người”.
Theo chị Việt, sau khi vụ việc xảy ra, Công quận Bình Thạnh có tạm giữ 2 người hành hung anh Quan trong 3 ngày nhưng sau đó cho đã về. Đến nay, những người này đã dời nơi tạm trú và về quê.
Đến ngày 3/5, chị Việt nhận được thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận Bình Thạnh về kết quả giám định thương tích đối với anh Quan. Kết quả giám định ngày 19/3 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế TP HCM cho thấy, “tại thời điểm giám định chưa thấy dấu vết hay dấu hiệu cơ thể bị chấn thương nên không thể giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể”.
Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh đa trưng cầu giám định lần thứ hai, cũng tại Trung tâm Pháp y Sở Y tế TP HCM nhưng vẫn được trả lời như lần trước rằng “tại thời điểm giám định không dấu vết thương tích trên cơ thể, các kết quả xét nghiệm đều chưa phát hiện dấu vết của chấn thương nên không xác định được chấn thương trên cơ thể; Không đủ cơ sở xác định nguyên nhân dẫn đến ngưng tim, ngưng thở”.
Ngày 20/5, cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh trưng cầu giám định thương tật và sức khỏe của anh Quan ở Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP HCM. Nhưng cơ quan này sau khi nghiên cứu hồ sơ gửi giám định đã từ chối giám định với lý do “không có cơ sở khoa học kết luận tình trạng sức khỏe hiện tại, tỉ lệ phần trăm thương tật và nguyên nhân dẫn đến ngưng tim, ngưng thở của anh Quan”.
Tóm tắt bệnh án của anh Quan rất rõ ràng nhưng không hiểu sao, hai cơ quan giám định đều “bó tay”? |
Khiếu nại đến Bộ Y tế
Tóm tắt bệnh án từ ngày 13/3 đến ngày 17/4 của anh Quan tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định thể hiện: Chẩn đoán lúc vào viện là “hôn mê sâu ngưng tim, ngưng thở trước nhập viện, theo dõi chấn thương sọ não – đả thương – rối loạn nhịp”; Lúc ra viện là “hôn mê sâu ngưng tim, ngưng thở; Quá trình bệnh lý và diễn biến lâm sàng là bệnh nhập viện vì đột ngột ngưng tim sau khi bị đánh, hồi sức có tim, bệnh mê – điều trị hạ thân nhiệt chỉ huy, thở máy, bệnh diễn tiến co giật, nhiễm trùng, điều trị kháng sinh, chống co giật – bệnh nhiễm trùng ổn, mê, thở oxy qua khai khí quản; Chẩn đoán điều trị là hôn mê sâu ngưng tim, ngưng thở”.
Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP HCM, người thực hiện trợ giúp pháp lý cho anh Quan) đánh giá, theo Luật Giám định tư pháp 2012 thì giám định thương tật phải dựa vào hồ sơ bệnh án của bệnh viện và tình hình thực tế.
Tóm tắt bệnh án của anh Quan có nhiều kết luận quan trọng về sức khỏe, tình trạng thương tích. Thực tế hiện nay anh Quan đang sống đời sống thực vật. Việc Trung tâm giám định pháp y của Sở Y tế TP HCM không kết luận được thương tật là không phù hợp hồ sơ bệnh án.
Ngoài ra, Phân viện Pháp y Quốc gia từ chối giám định thương tật cũng không đúng quy định pháp luật về giám định vì việc từ chối phải có lý do chính đáng. Với yêu cầu giám định là “tình trạng sức khỏe hiện tại, tỉ lệ phần trăm thương tật” thì cơ quan giám định hoàn toàn có thể làm được. Còn lý do dẫn đến “ngưng tim, ngưng thở” thì Cơ quan điều tra sẽ đánh giá dựa vào lời khai, chứng cứ trong vụ án.
Được biết, do không đồng ý với những trả lời của cơ quan giám định nên gia đình anh Quan đã gửi khiếu nại đến Thanh tra Bộ Y tế.
Luật sư Nghĩa nêu thắc mắc, theo Bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích ban hành kèm Thông tư 22/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế thì “tổn thương não gây di chứng sống kiểu thực vật” có tỷ lệ thương tật là 99%. Tại sao Hội đồng giám định nói là không phát hiện chấn thương?