Mỗi ngày, lượng rác thải tập kết tại bãi xử lý rác Đồ Sơn (phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng) lên tới 200 tấn. Qua 16 năm khai thác và sử dụng, tình trạng quá tải của bãi rác này khiến hàng trăm hộ dân xung quanh lâm vào cảnh khóc dở mếu dở khi vừa ăn cơm, vừa phải... buông màn vì ruồi, muỗi.
Rác quá tải chất cao 5m so với mặt đất |
Rác chất thành... núi
Bãi xử lý rác Đồ Sơn là bãi chôn lấp nhỏ với diện tích mặt bằng đang hoạt động là 3hecta (chưa kể công trình phụ trợ như: hồ lắng, hồ chứa, trạm xử lý nước thải...) do Cty TNHH MTV Công trình Công cộng và Dịch vụ du lịch Hải Phòng quản lý.
Theo ghi nhận của phóng viên, bãi rác nằm “chình ình” ngay cạnh khu dân cư, phía Tây giáp với sông Lạch Họng, phía Đông Bắc giáp đường giao thông. Lượng rác thải chất đống cao như... núi. Bà Nguyễn Thị Tươi (54 tuổi) ở tổ dân phố Biên Hòa, phường Bàng La bức xúc: “Bên cạnh bốn bức tường bao quanh kia là dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhà tôi ngay sát bãi rác, hàng tuần đều phải mua thuốc diệt ruồi, muỗi về phun. Những ngày nóng nực, chúng sinh sôi, bay vào trong nhà khiến tôi phải buông màn để... ăn cơm cho qua bữa”.
Không chỉ có vậy, lượng rác tồn đọng nhiều tạo điều kiện cho các vi khuẩn hoạt động mạnh, gây nên mùi hôi thối, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. “Ngày trời mưa ẩm thấp, mùi từ bãi rác “tỏa” ra nồng nặc. Gia đình tôi hít phải mùi đó, ai cũng cảm thấy choáng váng, buồn nôn. Có khi phải tính chuyển nhà đến nơi khác thôi”- ông Bùi Xuân Ngọc ở tổ 8, phường Ngọc Xuyên thở dài ngao ngán.
Theo phản ánh của người dân nơi đây, ngay cả nguồn nước giếng khoan họ đang dùng cũng có nguy cơ bị ô nhiễm. Bởi khu vực chôn bãi rác thải nằm liền kề ngay khu dân cư, trong khi đó hàng ngày, hàng ngàn hộ dân vẫn sử dụng nguồn nước giếng khoan để sinh hoạt.
Rác sẽ về đâu?
Ông Đinh Xuân Bình, Phó Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Công trình công cộng và Dịch vụ du lịch Hải Phòng cho biết, bãi rác Đồ Sơn được đưa vào sử dụng giai đoạn đầu từ năm 1996 với diện tích 1hecta. Giai đoạn thứ 2 bắt đầu từ 2006 đến nay, bãi rác được mở rộng diện tích lên tới 3hecta. Theo thiết kế ban đầu, đây là điểm tiếp nhận toàn bộ rác thải sinh hoạt của Quận Đồ Sơn và Dương Kinh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, lượng rác sinh hoạt của huyện Kiến Thụy và Cty CP môi trường Thành Vinh (DN thực hiện mô hình điểm xã hội hóa thu gom rác thải nông thôn) cũng được đưa về tập kết tại đây dẫn đến tình trạng quá tải. Hiện tại, đỉnh rác cao hơn tường rào bao quanh lên tới 2m, cao hơn mặt đê xấp xỉ 5m.
Ông Bình cho biết thêm, bãi xử lý rác áp dụng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Bãi chứa được chia thành các ô chôn lấp, được ngăn cách với bên ngoài bởi hệ thống đê và tường rào bao quanh, đáy bãi được xử lý bằng đất sét và lớp chống thấm. Phía xung quanh bãi có các rãnh thoát nước mưa tràn mặt. Nước rỉ rác được chuyển tới hệ thống xử lý trước khi đổ ra hồ sinh học và sông Lạch Họng.
Để hạn chế ô nhiễm, Cty đã áp dụng rất nhiều biện pháp: rắc vôi bột, phun hóa chất, lắp đặt hệ thống ống thu nước rỉ rác và thu khí phát sinh trong quá trình phân hủy rác... Tuy nhiên, tình trạng quá tải vô hiệu hóa mọi biện pháp trên. Nhằm đảm bảo sức chứa đến năm 2015, ngày 9/2/2012, UBND TP Hải Phòng có công văn số 607/UBND-XD giao Cty TNHH MTV Công trình công cộng và Dịch vụ du lịch Hải Phòng nghiên cứu lập Dự án đầu tư nâng công suất chứa rác và xây dựng trạm điện cho bãi rác Đồ Sơn.
Ông Bình cho biết, hiện, DN đang thiết lập hồ sơ và trình thẩm định dự án. Bằng nguồn vốn ngân sách, dự kiến, dự án sẽ có mức đầu tư khoảng 15 tỷ với 4 hạng mục: xây dựng, nâng cao tường rào bao quanh lên mức 6-10m, làm đường nội bộ để vận chuyển trong bãi rác, xây dựng trạm điện 50KVA để vận hành trạm xử lý nước rỉ rác, hệ thống cây xanh bao quanh.
Như vậy, trong khi chờ dự án được trình thẩm định, mỗi ngày, bãi vẫn tiếp nhận thêm 200 tấn rác! Trao đổi với PLVN, bà Bùi Thị Hồng Vân, Chánh văn phòng UBND Quận Đồ Sơn cho biết, hàng tháng Phòng tài nguyên môi trường phối hợp với Trung tâm y tế Quận kiểm tra mức độ ô nhiễm bãi rác, phun thuốc khử trùng chống ruồi, muỗi đều đặn.
Tình trạng bãi rác quá tải dẫn đến bức xúc trong hàng trăm hộ dân là chủ đề chính mà địa phương kiến nghị trong mỗi cuộc họp Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng. Hy vọng rằng, thời gian tới, khi dự án của Cty TNHH MTV Công trình công cộng và Dịch vụ du lịch Hải Phòng được triển khai, tình trạng ô nhiễm trên được giảm thiểu.
Phương Thanh