Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà văn hoá lớn của dân tộc. Ông có sức ảnh hưởng to lớn tới lịch sử phong kiến Việt Nam. Có người ví Nguyễn Bỉnh Khiêm như Gia Cát Lượng bên Trung Quốc. Những câu thơ ông để lại cho đời là những bài học quý giá vượt thời gian.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), tên huý là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, sinh tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).
Ông sống vào thời kỳ Nam – Bắc triều (Lê – Mạc phân tranh), được phong tước “Trình Tuyền hầu”, “Trình Quốc công”. Ông còn được gọi là Tuyết Giang phu tử, Trạng Trình. Có thể nói, Nguyễn Bỉnh Khiêm sống vào thời kỳ xã hội phong kiến Việt Nam có những biến chuyển chưa từng có.
Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được mệnh danh là nhà tiên tri nổi danh của dân tộc. Nhiều sử sách chép, những lời tiên tri của ông rất ứng nghiệm, dù sau ông mấy trăm năm.
Cũng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa là nhà thơ, nhà chính trị lỗi lạc. Về sự nghiệp thơ ca, ông để lại cho đời nhiều bài thơ chữ Hán và chữ Nôm. Về thơ chữ Nôm, ông có Bạch Vân quốc ngữ thi tập (Trình quốc công Bạch Vân quốc ngữ thi tập).
Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà văn hoá lớn của dân tộc. Ông có sức ảnh hưởng to lớn tới lịch sử phong kiến Việt Nam. Có người ví Nguyễn Bỉnh Khiêm như Gia Cát Lượng bên Trung Quốc. Những câu thơ ông để lại cho đời là những bài học quý giá vượt thời gian. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm triết lý, nhưng gần gũi, đời thường.
Làm người hay một, hoá hay hai,
Chớ cậy rằng khôn, chớ cậy tài.
Trực tiết cho bền bằng sắt đá
Ði đường ngẫm hết chốn chông gai.
(Trích Chớ cậy rằng hơn)
Chớ cậy rằng hơn cho thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên bảo chúng ta sống đừng coi thường mọi người, dù mình khôn, mình tài hơn người. Cuộc đời dài dặc, chưa biết ai hơn ai.
Làm người có dại mới nên khôn
Chớ dại ngây si, chớ quá khôn
Khôn được ích mình, đừng rẽ dại
Dại thì giữ phận chớ tranh khôn
Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn
Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại
Gặp thời, dại cũng hoá nên khôn.
(Dại khôn)
Ở bài Dại khôn, tuy không dài, nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho người đọc hiểu thế nào là dại, là khôn. Thời thế xoay vần, lúc này kẻ dại không ra gì, nhưng gặp thời, kẻ dại lại khác đi, còn kẻ khôn chưa chắc đã ăn thua được với đời.
Ông cũng khuyên người khôn không nên khinh kẻ dại. Kẻ khôn, mà khôn độc, khôn ác thì không khác gì kẻ dại. Kẻ dại mà dại hiền lành thì thành dại khôn. Bài thơ đơn giản, nhưng người đọc phải ngẫm ngợi mới thấy được triết lý sâu xa của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là người am tường thời thế, hiểu nhiều sự trong đời. Nhưng rồi chính ông cũng từng phải than: “Ðã từng trải sơn hà hết/ Ðường thế nhiều nơi hiểm hóc thay!”. Đúng là cuộc đời luôn biến chuyển, đến như Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng phải biết sợ.
Chưa dễ ai là bụt Thích Ca
Mọi niềm nhân ngã nhẫn thì qua
Lòng vô sự trăng in nước
Của thảng lai gió thổi hoa
Kìa khách xuân xanh khi trẻ
Mấy người đầu bạc tuổi già?
Thanh nhàn ấy ắt là tiên khách
Ðược thú ta đà có thú ta.
(Nhẫn thì qua)
Bài Nhẫn thì qua cho thấy tư tưởng Đạo Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông mong muốn chúng ta sống phải biết nhẫn. Khi biết nhẫn thì vượt qua được mọi thứ, lúc đó tâm cũng thanh tịnh, như trăng in đáy nước. Ông cũng nói của cải như gió thoảng mây qua. Sống ở cõi đời, mà được thanh nhàn thì không khác gì tiên.
Tóc đã thưa, răng đã mòn
Việc nhà đã phó mặc dâu con
Bàn cờ cuộc rượu vầy hoa trúc
Bó củi cần câu trốn nước non.
Bốn câu thơ này cho thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rõ cái tư tưởng của mình khi tuổi đã già. Ông sống như một vị tiên. Tiên ở đây nên hiểu là tâm tịnh, mọi sự không màng tới. Khi tuổi đã cao, mọi việc nên giao lại cho người trẻ, lúc đó chỉ sống như nhiên, tự nhiên.
Nguyễn Bỉnh Khiêm còn rất nhiều câu thơ, bài thơ về triết lý nhân sinh. Đọc thơ ông, chúng ta thêm lớn về nhân cách, đẹp về tâm hôn. Giá trị văn học, tư tưởng mà Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho đời bằng thi ca thật ít người sánh được.