Có phải vì tiêm vắc xin mà chết không; có phải lỗi do vắc xin không… luôn là những câu hỏi mà cơ quan y tế phải nhanh chóng trả lời để giải tỏa sự nghi ngờ, bức xúc. Với câu chuyện dưới đây của đứa con mới 3 tháng tuổi của chị L.T.Q cũng vậy. Chưa đầy một ngày sau khi tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế phường, cháu bé đột ngột tử vong. “Nghi phạm” đầu tiên được xác định là lô vắc xin hôm đó.
Cái chết đột ngột và sự gian nan thuyết phục gia đình
Như thường lệ, chương trình tiêm chủng vắc xin được tuyên truyền mạnh mẽ khắp các gia đình có con nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Có con 3 tháng tuổi, vợ chồng anh L.M.T. và chị L.T.Q. quê Nam Định, tạm trú tại phường LN cũng đưa con tới tham gia.
Khoảng 8h30, bé L.Đ.D được bố mẹ đưa đến tiêm phòng tại Trạm y tế phường LN quận HM. Tại đây, bé được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B, ho gà, uốn ván và uống vitamin A. Sau khi tiêm, theo dõi thời gian ngắn tại Trạm y tế, sức khỏe của bé bình thường, vẫn bú mẹ.
Tuy nhiên, chỉ sau khi về nhà bé có biểu hiện quấy khóc, vết tiêm sưng tấy và nôn. Đến khoảng 4h sáng hôm sau, sau khi uống được một nửa cốc sữa thì bé D. có biểu hiện khó thở lịm dần đi, đến 5h30 gia đình đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu. Tuy nhiên, cháu bé đã tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện.
Xem xét lại diễn biến cũng như biểu hiện, gia đình bé phỏng đoán nguyên nhân từ việc tiêm vắc xin. Mặc dù chỉ là phỏng đoán nhưng điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đội ngũ y sỹ tại trạm y tế phường LN cũng như gây hoang mang tột độ cho các bậc cha mẹ cho con tiêm chủng cùng ngày hôm đó.
Không cần nói cũng biết vụ việc đã trở thành tâm điểm quan tâm trong thời gian đó. Cái chết không rõ nguyên nhân của cháu bé 3 tháng tuổi sau khi tiêm vacxin trong đợt tiêm chủng mở rộng đã gây ra sự ái ngại trong xã hội về chất lượng và quá trình thực thi chính sách tiêm chủng cho trẻ em của ngành Y tế nói riêng và nhà nước nói chung.
Nhận về mình trách nhiệm liên quan trực tiếp, trạm y tế LN đã đứng ra an ủi, động viên và tự nguyện bồi thường cho gia đình nếu đó là sai sót của trạm. Về cái tình là vậy, nhưng về lý, sự thật cái chết có phải do nguyên nhân vắc xin hay không rất cần được làm rõ vì nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiêm chủng.
Nhưng lúc này lại nảy sinh một rắc rối khác khi gia đình nạn nhân từ chối cho pháp y khám nghiệm tử thi cháu bé. Là người trực tiếp thực hiện việc giám định pháp y, bác sĩ pháp y Hồ Kim Châu – Viên Pháp y quốc gia cho biết ông và đồng nghiệp đã năm lần bảy lượt thuyết phục bố mẹ cháu bé nhưng không được.
Phải rất lâu sau đó, khi đã hiểu rõ ngọn ngành, từ việc nếu không giám định sẽ kéo dài nỗi nghi ngại lâu dài theo thời gian của gia đình cũng như gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách nhà nước, ông nội bé mới bình tĩnh lại và chấp nhận thuyết phục cha mẹ cháu bé cho phép giám định.
Hóa giải “nỗi oan” vắc xin
Đón thi thể bé, ngoài nỗi thương xót sinh linh bé nhỏ trong lòng còn trỗi dậy sự xót xa cho hoàn cảnh của bé và cha mẹ – đó là cảm xúc chung của tất cả các giám định viên có mặt tại ca giám định hôm đó.
“Bé D là một bé trai kháu khỉnh” – bác sĩ pháp y Hồ Kim Châu bùi ngùi nhớ lại. Hình ảnh bé như thiên thần nằm trên chiếc bàn nhôm lạnh lẽo đã ám ảnh các giám định viên một thời gian dài sau đó.
Theo ông Hồ Kim Châu, ngay khi quan sát bằng mắt thường thi thể bé D, ông đã có thể kết luận được nguyên nhân cái chết của bé không phải do vắc xin. Bởi lẽ, nếu do phản ứng của vắc xin, tự cơ thể sẽ có những dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài như dị ứng trên da.
Nhưng trường hợp này, trên da bé không hề có biểu hiện gì ngoài vết tiêm đang sưng còn mới. Và điều đó đồng nghĩa với việc có thể bé đã mang trong mình một vấn đề về sức khoẻ bẩm sinh mà gia đình không hề hay biết. Chính điều đó mới là nguyên nhân gây nên sự ra đi đột ngột của bé.
Khi khám nghiệm, các giám định viên phát hiện trong khoang ngực phải bé có hai khối u nang lớn kích thước mỗi khối 5x4cm và cả hai khối u bám chắc vào phía sau bên trong thành ngực trên nền tổ chức đệm u sung huyết, chảy máu. Đồng thời, phổi phải chuyển màu hồng nhạt, viêm, có tình trạng xẹp, dính so với bên trái…
Từ những kết quả giám định pháp y có thể kết luận nguyên nhân gây ra cái chết của bé D. là do suy hô hấp cấp vì nguyên nhân tràn máu màng phổi do vỡ khối u thành ngực phải.
Về phần mình, tận mắt thấy hai khối u nang lớn đã gây nên cái chết của đứa trẻ, trái tim vị giám định viên kỳ cựu nghẹn thắt. Ông cho biết: “Hai khối u trên là dị tật bẩm sinh mọc từ xương có cấu trúc gồm nhiều lòng xoang chứa đầy hồng cầu. Vì thế nên chúng sẽ theo thời gian mà lớn dần. Ở vị trí sát phổi, khi đạt kích thước lớn, chúng sẽ sinh ra chèn ép gây hiện tượng khó thở, mệt mỏi với người bệnh. Hơn nữa, khi áp lực quá lớn sẽ làm tổn thương phổi hoặc khối u vỡ gây tràn dịch màng phổi.
Để ngăn ngừa điều này, không có cách nào khác là phẫu thuật loại bỏ khối u càng sớm càng tốt. Do đó, việc phát hiện ra những bất thường tương tự cho các bé sơ sinh tại viện là điều vô cùng quan trọng để tránh tối đa những hậu quả không đáng có. Cái chết của bé D thật quá bất ngờ và đáng tiếc đối với với gia đình bởi lẽ nó hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu phát hiện sớm”.
Mặc dù “nỗi oan” của vắc xin được hoá giải, các cán bộ trạm y tế LN vô can trách nhiệm, nhưng cái chết bất ngờ của bé D. cũng là bài học cho các về bậc làm cha làm mẹ cũng như đội ngũ y bác sỹ sàng lọc và theo dõi sức khỏe sơ sinh.
Ít nhất có 2 câu hỏi cần được trả lời để kết luận một vắc xin có “an toàn”
Đã có một thời, nhiều bậc phụ huynh cứ nghe cụm từ “tiêm vắc xin Quinvaxem” là giật mình thon thót vì những ca tử vong hậu tiêm chủng, cho dù rằng phần lớn nguyên nhân không phải do vắc xin gây ra nhưng câu chuyện của bé D. ở trên.
Cũng tại thời điểm đó, GS. Phạm Ngọc Đính - Phó Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam đã có một bài viết “Cùng suy ngẫm và chia sẻ từ vấn đề Quinvaxem” đăng tải trên truyền thông.
Bài viết có đoạn: “Khái niệm an toàn tuyệt đối là không thể đối với bất cứ loại thuốc nào, kể cả với vắc-xin thường được coi là một trong những loại “thuốc” an toàn nhất mà con người có thể tạo ra được. Vắc xin Quinvaxem cũng không phải là một ngoại lệ.
Để kết luận một vắc xin có “an toàn” hay không ít nhất có 2 câu hỏi cần được trả lời: Vắc xin có gây phản ứng bất lợi (AE) và phản ứng bất lợi nghiêm trọng (SAE), gồm cả tử vong, vượt quá trung bình tỷ lệ quan sát thấy ở các chế phẩm tính năng tương tự đang được phép lưu hành hay không? Và vắc xin có thực sự là nguyên nhân gây ra sự cố được giả định hay không?
Tử vong do vắc xin được coi là hoàn toàn không mong muốn và không có “ngưỡng cho phép”, mặc dù về lý thuyết vẫn có thể xảy ra tử vong sau khi tiêm Quinvaxem như đối với bất cứ loại thuốc nào dùng cho con người. Tỷ lệ tử vong sau mũi tiêm Quinvaxem ở nước ta sau gần 2 năm (ở thời điểm bài viết là năm 2013 - PV) sử dụng với khoảng 12 triệu liều là 2,25 trường hợp trên 1 triệu liều tiêm cũng là một con số cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, để quy kết Quinvaxem có phải là nguyên nhân duy nhất của các trường hợp tử vong ở trẻ sau khi được tiêm vắc xin này rất cần thận trọng và phải dựa trên những phân tích khoa học.
Tử vong ở trẻ em sau khi dùng Quinvaxem được sử dụng ở Việt Nam có thể rơi vào ít nhất 1 trong số 4 loại nguyên nhân gây SAE sau tiêm chủng. Qua theo dõi và phân tích của các Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin tuyến tỉnh và trung ương thì trong số 43 SAE xảy ra sau gần 2 năm dùng Quinvaxem chỉ có 9 trường hợp có liên quan tới vắc xin (không có tử vong), còn lại rơi vào các nguyên nhân khác như sai sót của nhân viên y tế, sự lo sợ quá mức của đối tượng trẻ; các phản ứng tiêu cực về sinh lý và bệnh lý trùng hợp với tiêm chủng, trong đó trước tiên phải kể tới vai trò của Hội chứng đột tử của trẻ nhỏ (Sudden Infant Death Syndrome – SIDS).
SIDS là một hội chứng phổ biến cho trẻ em từ sơ sinh tới 12 tháng tuổi, có mã tại ICD-10 là R95. Số liệu của Hoa kỳ cho thấy trong giai đoạn 1990 – 2006 tỷ lệ của SIDS từ 100 tới 160 trên 100.000 trẻ đẻ sống.
Số liệu của Bộ Y tế Việt nam cho thấy tỷ lệ tử vong trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi ở nước ta là 18/1000 trẻ đẻ sống, tức mỗi ngày có khoảng 70 trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tử vong không mong đợi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguy cơ cao của SIDS rơi vào các tháng đầu sau sinh. Như vậy cơ hội trùng hợp ngẫu nhiên giữa SIDS với việc tiêm vắc xin Quinvaxem là rất cao.
Chưa kể nếu có thêm một số yếu tố khác như người thực hiện tiêm chủng tắc trách hay có sai sót chuyên môn, cha mẹ thiếu quan tâm tới trẻ trước và sau mỗi mũi tiêm…thì nguy cơ có phản ứng nặng hay tử vong sau tiêm có thể còn cao hơn…”
Thiết nghĩ, bài viết đã cho thấy những thông tin rất đáng đọc và suy ngẫm để qua đó mỗi người có thêm cho mình kiến thức về vắc xin – một trong những phương thức hữu hiệu để phòng bệnh cho loài người. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, câu chuyện tiêm vắc xin phòng Covid-19 đang là mối quan tâm không chỉ của mỗi quốc gia mà là toàn cầu.