Như đã đưa tin, đoàn kiểm tra của Bộ vừa kiểm tra nhiều cơ sở chăn nuôi tại các tỉnh miền Nam, gồm TPHCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo.
Đáng chú ý, tại 2 trang trại chăn nuôi "vệ tinh" cho tập đoàn CP - một trong những tập đoàn hàng đầu hiện nay về quy mô chăn nuôi tại Việt Nam, Chi cục Thú y TPHCM phát hiện 2 lô heo xuất phát từ 2 trạm trung chuyển của công ty có chứa chất cấm.
Tương tự như CP, Công ty Anco có tổng đàn heo 95.000 con, mỗi tháng xuất trên 14.000 con. Công ty đã xuất heo cho thương lái, giao phiếu tiêm phòng vaccine và giấy bán cho thương lái, nhưng không có biện pháp theo dõi, nên các thương lái đã bán lại cho một số trang trại để nuôi vỗ béo, sau đó mới xuất bán, ảnh hưởng tới uy tín của công ty.
Sau chuyến công tác vừa qua, ông Dũng đưa ra nhận định: Tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở các tỉnh miền Nam đang diễn ra hết sức phức tạp, nhân dân phẫn nộ trước việc sử dụng chất cấm để vỗ béo cho heo tràn lan.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Chất tạo nạc là tên gọi dành cho nhóm chất hóa học có đặc tính khiến vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ.
3 chất có tính tạo nạc nổi bật có mặt trên thị trường hiện nay là Sabutamol, Ractopamine, Clenbuterol, trong đó Sabutamol được sử dụng phổ biến ở Việt Nam.
Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang diễn ra tràn lan tại các tỉnh phía Nam. Ảnh minh họa. |
Thực chất, các chất tạo nạc không làm tăng trọng lượng thật, chỉ tạo vẻ ngoài cho lợn trông “ngon” hơn. Trong cơ thể vật nuôi, tồn dư của sabutamol và clenbuterol được bài tiết dần qua nước tiểu nhưng chúng vẫn bị tích lũy lâu trong gan, thận, mỡ, vòng mạc và không bị phân hủy khi nấu chín ở nhiệt độ cao. Cũng chính vì thế mà các trường hợp ngộ độc được báo cáo thường do ăn nội tạng động vật và một trong những tác nhân gây ung thư.
Để chấn chỉnh tình trạng sử dụng chất cấm như hiện nay, ông Phạm Tiến Dũng Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết, đoàn thanh tra của Bộ NN&PTNN sẽ tiếp tục cùng với Cục Cảnh sát kinh tế (C 46,49-Bộ Công An) tiến hành kiểm tra hàng loạt các cơ sở chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi tại miền Nam.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp cùng với các đơn vị công an truy xuất nguồn gốc, nơi cung cấp các chất cấm cho các trang trại. Đồng thời sẽ kiểm tra đột xuất các trang trại”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Xuân Dương, để giải quyết triệt để vấn nạn này, cần tuyên truyền mạnh để người dân, người chăn nuôi phát giác những cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; lên án hành vi kinh doanh vô đạo đức, cạnh tranh không lành mạnh.
Đối với các trang trại chăn nuôi sử dụng chất cấm, các khung hình phạt hiện nay đủ sức răn đe, vì mức phạt cao nhất là tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, phạt tù từ 6 tháng trở lên.
Thịt heo là loại thực phẩm bị nhiều thương lái sử dụng chất cấm. Ảnh: Hồng Châu. (Ảnh minh họa). |
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có chiều hướng gia tăng báo động ở các địa phương, nhất là khu vực các tỉnh phía Nam. Điều này không chỉ tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng mà còn làm phương hại đến sản xuất chăn nuôi trong nước, trong lúc sức ép của các loại thực phẩm nhập ngoại đang ngày một gia tăng.
Bộ NN&PTNT yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo các quy định tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 57/2012/TT-BNNPTNT của Bộ NN& PTNT và Điều 155 Bộ Luật hình sự quy định đối với hành vi sản xuất kinh doanh, sử dụng hàng cấm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ NN & PTNT yêu cầu các đơn vị liên quan định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện và kết quả triển khai công tác kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn, gửi Cục Chăn nuôi tập hợp báo cáo Bộ và Ban chỉ đạo 389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com