Anh đột ngột dừng dự án điện hạt nhân vì có Trung Quốc?

Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point
Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point
(PLO) - Khi giải thích về quyết định dừng việc thực hiện dự án điện hạt nhân Hinkley Point, Chính phủ Anh nói rằng họ cần có thêm thời gian để xem xét về tất cả các thành tố của thỏa thuận này. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng những nghi vấn về Trung Quốc có thể là trung tâm của việc đánh giá lại.

Quyết định gây sốc

Hinkley Point là dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Anh trong nhiều thập kỷ trở lại đây, dự kiến được xây dựng ở Somerset. Năm 2013, chính phủ Anh và Tập đoàn năng lượng Pháp (EDF) đạt được thỏa thuận về việc xây dựng dự án này. 

Tuy nhiên, dự án sau đó đã bị chậm trễ trong một thời gian do những trục trặc về việc huy động vốn cũng như một số vấn đề việc công nghệ xây dựng lò phản ứng hạt nhân từ phía nhà đầu tư của Pháp.

Đến năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Anh tuyên bố sẽ đầu tư 1/3 vốn thực hiện dự án, coi đây là bước đầu tiên trong việc xây dựng “Kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ giữa hai nước.

Theo ước tính của EDF, Tập đoàn này và các đối tác sẽ phải đầu tư vào khoảng 18 tỉ bảng Anh (hơn 24 tỉ USD) để xây dựng nhà máy. Đổi lại, họ sẽ được đảm bảo giá bán điện của Hinkley trong vòng 35 năm. EDF ước tính sẽ thu lãi khoảng 9 đến 10% từ dự án này. 

Vẫn theo ước tính của EDF, nhà máy điện hạt nhân Hinkley sẽ là công trường lớn nhất ở châu Âu thời gian tới. Trong đó, việc xây dựng nhà máy sẽ tạo đến 25.000 việc làm và ở thời điểm cao nhất có thể huy động đến 5.600 người tham gia. Khi hoàn thành, nhà máy này sẽ tạo việc làm ổn định cho 900 người. 

Trong suốt một thời gian dài trước đây, nhiều công ty và chính phủ các nước muốn Hinkley Point được xây dựng. Với Anh, khi hoàn thành, nhà máy này sẽ cung cấp 7% tổng lượng điện năng của Anh trong khi hầu hết các nhà máy điện hạt nhân hiện có đã đóng cửa do quá lâu đời.

Việc sản xuất điện năng carbon thấp cũng khiến cho nhiều người trong chính phủ Anh ủng hộ dự án bởi nó sẽ giúp nước này đạt được các mục tiêu về khí hậu, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế nước này phát triển. 

Về phía Pháp, EDF và chính phủ Pháp muốn dự án được tiếp tục bởi nó sẽ thúc đẩy đáng kể tham vọng hạt nhân quốc tế của Pháp. Hinkley được kỳ vọng sẽ là một bước tiến đáng kể của Pháp trong việc xuất khẩu công nghệ phản ứng hạt nhân ra thế giới.

Trong dự án trên, Trung Quốc, thông qua Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) cũng đã cam kết hỗ trợ đến 1/3 chi phí xây dựng nhà máy trên với mục đích được cho là để đặt 1 chân vào lĩnh vực điện hạt nhân ở Tây Âu.

Việc thực hiện dự án Hinkley cũng sẽ có tác động đến việc Trung Quốc có thể được tham gia một dự án mới ở Sizewell và sau đó là khả năng nước này có thể thắng thầu để tự xây một lò phản ứng hạt nhân ở Bradwell tại Essex.

Theo dự kiến, vào ngày 29/7 vừa qua, ban giám đốc của EDF sẽ ký hợp đồng với Chính phủ Anh để bắt tay xây dựng tại Hinkley Point. Tuy nhiên, chỉ ít giờ trước khi lễ ký kết diễn ra, tối 28/7, Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May bất ngờ thông báo các bộ trưởng của nước này sẽ tiến hành thêm một cuộc đánh giá mới về dự án gây tranh cãi trên và sẽ công bố quyết định về việc có triển khai dự án này hay không vào tháng 9 tới. 

Để chuẩn bị cho sự kiện này, Giám đốc điều hành EDF tại Anh Vincent De Rivaz đã có mặt tại Anh để cùng một số quan chức cấp cao của công ty thực hiện phỏng vấn về dự án vào ngày 29/7. Các quan chức từ CGN dự kiến cũng sẽ tham dự sự kiện này. Tuy nhiên, sau tuyên bố của Chính phủ Anh, tất cả các dự định của 2 công ty đã phải hoãn lại.

Đâu là lý do?

Ban đầu, chính phủ Anh khăng khăng cho rằng người tiêu dùng ở nước này sẽ trả khoảng 10 bảng mỗi năm để mua điện tại Hinkley Point. Hợp đồng của EDF với chính phủ Anh đảm bảo Tập đoàn này sẽ bán được điện từ nhà máy trên với giá cơ sở là 92,5 bảng mỗi MWH. 

Tuy nhiên, chính phủ hiện tại ở Anh cho rằng giá bán buôn điện trong tương lai sẽ thấp hơn so với dự báo của chính phủ ở thời điểm họ nhất trí giá bán đảm bảo với EDF hồi năm 2013. Văn phòng kiểm toán quốc gia Anh cho rằng, chi phí mà người nộp thuế ở Anh phải trả để trợ giá cho nguồn điện từ nhà máy sẽ tăng từ 6,1 tỉ bảng lên thành 29,7 tỉ. 

Nhưng, nhiều người cho rằng yếu tố Trung Quốc cũng là một phần nguyên nhân khiến chính phủ Anh đột ngột đổi ý. Theo BBC, công ty Huawei của Trung Quốc hiện đang là đơn vị điều hành nhiều phần trong mạng lưới viễn thông của Anh. 

Thủ tướng Anh Theresa May.
Thủ tướng Anh Theresa May.

Nếu thành công trong các dự án điện hạt nhân nói trên, Trung Quốc tiếp tục tham gia đáng kể vào một cơ sở hạ tầng quan trọng khác của Anh và đây sẽ một vấn đề quan trọng đối với việc bảo đảm an ninh quốc gia của nước này.

Bởi, trên thực tế, các nước phương Tây, mà đi đầu là Mỹ, đã cấm Huawei tham gia vào các mạng lưới viễn thông quan trọng với lý do an ninh quốc gia. Và cũng không một nước phát triển lớn nào mời Trung Quốc tham gia vào các dự án điện hạt nhân chủ chốt. 

Ngay sau khi thông báo về việc tạm hoãn dự án được chính phủ Anh đưa ra, nhiều người ngay lập tức nghĩ tới việc hồi tháng 10 năm ngoái, ngay trước chuyến thăm Anh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chánh văn phòng của Thủ tướng May là ông Nick Timothy từng viết:

“Các chuyên gia an ninh, cả trong và ngoài chính phủ, đều lo ngại rằng người Trung Quốc có thể sử dụng vai trò của họ để tạo các điểm yếu trong các hệ thống máy tính hòng cho phép họ đánh sập hoàn toàn hoạt động sản xuất năng lượng của Anh theo ý muốn. MI5 cũng cho rằng cơ quan tình báo của Trung Quốc sẽ tiếp tục chống lại lợi ích của Anh ở trong nước và nước ngoài”.

Theo cựu Bộ trưởng kinh doanh Anh Vince Cable, Bộ trưởng Nội vụ Anh khi đó cũng đã đề cập đến những quan ngại đối với an ninh quốc gia của nước này liên quan đến thỏa thuận Hinkley Point. Ông Vince miêu tả bà May không hài lòng về cách tiếp cận của đối với nguồn đầu tư của Trung Quốc của chính phủ Anh khi đó còn ông George Osborne đặc biệt phản đối dự án Hinkley.

Hiện vẫn chưa rõ quyết định cuối cùng của bà May về số phận của dự án gây tranh cãi nói trên tới đây sẽ ra sao nhưng một số chuyên gia hiện cảnh báo nếu từ bỏ việc phát triển nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point, Anh có thể mất đến 2,96 tỉ USD các chi phí thăm dò, khảo sát đã bỏ ra trong thời gian qua.

Nhiều nước “bỏ của chạy lấy người”

Có thể nói, cùng với chính sách tăng cường ảnh hưởng ra toàn thế giới, các công ty của Trung Quốc trong thời gian qua đã tích cực mở rộng hoạt động tới quy mô toàn cầu, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Vốn được không được đánh giá cao về chất lượng thi công công trình nên những công ty này tích cực tạo lợi thế cạnh tranh bằng những chiêu thức như mời thầu giá rẻ, điều kiện diều dễ dàng. 

Tuy nhiên, thực tế chứng minh nhiều nước đã bắt đầu phải e dè trong làm ăn với Trung Quốc, thậm chí “bỏ của chạy lấy người”, mà điển hình là Mexico. Tháng 11/2014, ngay trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng thống Enrique Pena Nieto, Mexico bất ngờ thông báo hủy bỏ hợp đồng thi công tuyến đường sắt cao tốc dài hơn 200km với tổng giá trị 3,75 tỉ USD với liên doanh do Trung Quốc đứng đầu. 

Lý do của việc hủy bỏ gói thầu được giới chức Mexico đưa ra là do những nghi vấn của người dân về sự minh bạch của nhà thầu Trung Quốc trong quá trình bỏ thầu cũng như cáo buộc từ phe đối lập cho rằng chính phủ đã quá ưu ái cho tập đoàn Trung Quốc. Với việc hủy hợp đồng này, Mexico đã phải bồi thường cho phía Trung Quốc số tiền lên đến 1,31 tỷ USD.

Năm ngoái, Sri Lanka cũng đã yêu cầu Tổng công ty xây dựng công trình giao thông Trung Quốc (CCCC) dừng hoạt động xây dựng khu bất động sản bao gồm các khách sạn, căn hộ, trung tâm thương mại… gần cảng Colombo vì những quan ngại liên quan đến môi trường do việc thực hiện dự án này gây ra.

Đầu năm 2016, Indonesia thông báo dự án tuyến đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung – tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên tại nước này - sẽ không nhận được giấy phép xây dựng nếu đơn vị thực hiện là liên danh nhà thầu Trung Quốc và Indonesia không đáp ứng được các yêu cầu về vòng đời của hệ thống đường sắt cũng như quy định về an toàn địa chấn. 

Mới đây hơn, đầu tháng 6/2016, Công ty XpressWest của Mỹ thông báo hủy bỏ thỏa thuận đối tác với Tổng công ty đường sắt Trung Quốc (CRI) trong gói dự án xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas-Los Angeles. Lý do hủy hợp đồng được phía Mỹ đưa ra là do công ty Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu về mặt tiến độ cũng như giấy phép cần thiết để thực hiện hợp đồng.

“Hai năm trước đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hỏi người đồng cấp Australia về những yếu tố thúc đẩy chính sách của Australia với Trung Quốc và nhận được câu trả lời từ ông Tony Abbott là “nỗi sợ hãi và lòng tham” – BBC

Đọc thêm

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024
(PLVN) - Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã được Euromonitor International vinh danh là thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024, nhờ vào kỷ lục đón 32,4 triệu lượt khách quốc tế. Con số này vượt xa thành phố đứng thứ hai là Istanbul, nơi đón 23 triệu lượt khách nước ngoài.

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.