Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng vụ đảo chính để 'nhổ cỏ tận gốc'?

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim.
(PLO) -Với những gì đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, giới chuyên môn cho rằng, nhà cầm quyền đang muốn lợi dụng vụ đảo chính bất thành tối 15/7 để “nhổ cỏ tận gốc”. Bởi theo thông báo của Bộ Tổng tham mưu quân đội, tính đến ngày 27/7 đã có 8.651 binh lính bị liệt vào danh sách tham gia cuộc đảo chính bất thành vừa qua. 

Những kẻ âm mưu lật đổ chính phủ đã sử dụng 35 máy bay, 35 trực thăng, 74 xe tăng và 3 tàu chiến phục vụ cuộc đảo chính. Cũng trong ngày 27/7, chính phủ đã thông báo sắc lệnh sa thải tổng cộng 1.684 binh lính, trong đó có 149 cấp tướng và đô đốc (87 tướng lục quân, 30 tướng không quân và 32 đô đốc, chiếm khoảng 40% tổng số tướng lĩnh và đô đốc của quân đội). Quân đội còn khẳng định, 178 tướng đã bị bắt, trong đó 151 người vẫn bị giam giữ, chiếm gần 50% trong tổng số 358 tướng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đâu là giới hạn?

Kênh truyền hình CNN đưa tin, ngày 28-7, hai tướng 4 sao của Thổ Nhĩ Kỳ là Tham mưu trưởng lục quân Ihsan Uyar và Chỉ huy huấn luyện & đào tạo của lục quân Kamil Basoglu đã từ chức, chỉ một ngày sau khi gần 1.700 quân nhân bị sa thải vì liên quan tới vụ đảo chính bất thành vừa qua.

Trước đó (26-7), Thiếu tướng Cahit Bakir và Chuẩn tướng Sener Topuc, 2 quan chức quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Afghanistan đã bị bắt tại sân bay quốc tế Dubai và được đưa về Thổ Nhĩ Kỳ ngay trong ngày 26-7 vì bị coi có dính líu tới vụ đảo chính tối 15-7. Bên cạnh đó, 1.099 sỹ quan và 436 hạ sỹ quan cũng bị sa thải. Trước đó, hơn 60.000 binh lính, cảnh sát, giáo viên, thẩm phán, công tố viên đã bị đình chỉ, sa thải và điều tra.

Ngoài số nhân sự kể trên, chính phủ còn ra lệnh đóng cửa hơn 130 cơ quan truyền thông, trong đó có 3 hãng thông tấn, 16 kênh truyền hình, 23 đài phát thanh, 45 tờ báo, 15 tạp chí và 29 nhà xuất bản. Đồng thời ra lệnh bắt giữ thêm 47 nhà báo, sau khi đã sa thải và bắt 42 phóng viên trước đó. Cựu Thống đốc Istanbul Huseyin Avni Mutlu cũng bị bắt giữ. 

Hãng Al Jazeera trích nguồn tin từ chính phủ cho biết, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang có kế hoạch đóng cửa tất cả các trường quân sự trên cả nước. Ông Recep Tayyip Erdogan còn cho biết, sẽ tái cơ cấu lực lượng vũ trang.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng ký sắc lệnh cho phép kéo dài thời hạn tạm giam mà không cần buộc tội các đối tượng tình nghi trong cuộc đảo chính vừa qua lên 30 ngày. Lực lượng cận vệ Tổng thống (gồm 2.500 binh sĩ) sẽ bị giải tán sau khi gần 300 thành viên của lực lượng này bị bắt sau cuộc đảo chính tối 15-7, đây là tuyên bố của Thủ tướng Binali Yildirim.

Đồng thời cảnh báo, nguy cơ xảy ra một cuộc đảo chính khác vẫn hiện hữu. Có người nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ muốn “thay máu” giới truyền thông và quân đội nước này bởi họ đã gây ra “quá nhiều phiền phức” thời gian qua.

Báo Yeni Safak với bài tố cáo tướng Mỹ về hưu J.F. Campbell là đạo diễn cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
Báo Yeni Safak với bài tố cáo tướng Mỹ về hưu J.F. Campbell là đạo diễn cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 28-7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo, đã sa thải 88 nhân viên tại Bộ Ngoại giao. Trước đó, ông Mevlut Cavusoglu cũng cho biết, nhiều đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cách chức vì liên quan đến vụ đảo chính vừa qua. Bộ trưởng Nội vụ Efkana Ala cho biết, hơn 15.800 người đã bị giam giữ sau cuộc đảo chính và 8.113 người đang chờ xét xử, chiếm khoảng 1,5% lực lượng vũ trang.

Chính phủ cũng đã thành lập ủy ban điều phối tình trạng khẩn cấp do Thủ tướng Binali Yildirim đứng đầu. Ủy ban này bao gồm các đại diện đến từ Bộ Nội vụ, Tư pháp, Lao động và An sinh xã hội, Ngoại giao, Tài chính, Quốc phòng và Giáo dục quốc gia. Ngày 25-7, Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag đã bác bỏ cáo buộc của Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) về việc Ankara bắt giam và tra tấn những người tham gia cuộc đảo chính bất thành vừa qua.

Trước đó, AI cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ hàng nghìn binh lính tham gia đảo chính trong chuồng ngựa, bỏ đói, trói quặt chân tay, không chăm sóc y tế, thậm chí hãm hiếp họ.

Giáo sĩ Fethullah Gulen sắp trốn khỏi Mỹ?

Và tất cả động thái những kể trên đều có liên quan tới giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ, người bị coi đứng sau vụ đảo chính vừa qua. Ngày 28-7, hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag cho biết, Ankara nhận được tin tình báo nói rằng, giáo sĩ Fethullah Gulen có thể rời Mỹ, tới trốn ở Australia, Mexico, Canada, Nam Phi hoặc Ai Cập.

Trước đó (27-7), Thủ tướng Binali Yildirim cảnh báo, cuộc trấn áp sau vụ đảo chính bất thành vẫn chưa kết thúc và sẽ có thêm những vụ bắt giữ khác.

Ông Binali Yildirim cũng nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen vì bị cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính bất thành vừa qua. Đồng thời nhấn mạnh, việc gìn giữ mối quan hệ đồng minh với Mỹ phụ thuộc vào việc dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen.

Trước đó, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cũng cảnh báo, quan hệ song phương sẽ bị ảnh hưởng nếu Washington không dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen cho Ankara. Ông Mevlut Cavusoglu còn cho rằng, lực lượng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ có thể thực hiện đảo chính tại Kyrgyzstan bởi quốc gia Trung Á này đang bị những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen thâm nhập vào giới lãnh đạo nước này.

Ông Mevlut Cavusoglu thậm chí còn cho rằng, Kyrgyzstan là “căn cứ của giáo sĩ Fethullah Gulen ở Trung Á”. Được biết, Ankara đã thông báo và chuyển danh sách những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen cho giới chức Kyrgyzstan. 

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan từng tuyên bố, sẽ là sai lầm lớn nếu Mỹ không cho dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Hails Hanci, người được coi là "cánh tay phải" của giáo sĩ Fethullah Gulen và phụ trách hoạt động tài chính của nhân vật này ở tỉnh Trabzon đã bị bắt.

Ông Muhammet Sait Gulen, cháu trai của giáo sĩ Fethullah Gulen cũng bị bắt tại thành phố Erzurum. Đây là lần đầu tiên một thân nhân của ông Fethullah Gulen bị bắt sau cuộc đảo chính bất thành vừa qua.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh, sẵn sàng xem xét để dẫn độ ông Fethullah Gulen với điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ phải chứng minh được sự liên quan của giáo sĩ này tới cuộc đảo chính bất thành tối 15-7.

Trước đó, Nhà Trắng cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét đơn đề nghị dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen. Theo giới truyền thông, mặc dù đã nhiều lần cáo buộc và nhận được tín hiệu từ Mỹ, nhưng cho đến nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra được chứng cứ thuyết phục về vai trò của giáo sĩ Fethullah Gulen có liên quan tới cuộc đảo chính vừa qua.

Ngày 26-7, Đại sứ quán Mỹ tại Ankara cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho phép các thành viên trong gia đình của nhân viên ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi nước này sau cuộc đảo chính vừa qua. Trước đó (25-7), tờ Daily Express đưa tin, lực lượng đặc nhiệm Anh đã sẵn sàng thực hiện sứ mệnh giải cứu công dân nước này nếu đảo chính lại xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, lực lượng đặc nhiệm không quân Anh (SAS) và đội hỗ trợ đặc nhiệm (SFSG) đã sẵn sàng triển khai tại căn cứ không quân Akrotini ở Cyprus để có thể xuất kích bất cứ lúc nào.

Cảnh sát đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ canh gác trước Học viện không quân tại Istanbul

Cảnh sát đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ canh gác trước Học viện không quân tại Istanbul

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, tất cả các bộ, ban, ngành đều bị rà soát để truy tìm những đối tượng tình nghi ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen. Ngày 26-7, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập ủy ban điều tra vụ đảo chính, để kiểm chứng những cáo buộc có liên quan tới phong trào Gulen.

Trước đó (24-7), tờ nhật báo Yeni Safak của Thổ Nhĩ Kỳ còn dẫn nguồn tin cho rằng, cựu Tư lệnh các lực lượng NATO tại Afghanistan, tướng Mỹ John Campbell, 59 tuổi, là chủ mưu cuộc đảo chính bất thành tối 15-7.

Yeni Safak thậm chí còn cáo buộc, ông John Campbell đã xử lý các giao dịch với tổng trị giá hơn 2 tỷ USD thông qua ngân hàng UBA ở Nigeria bằng việc sử dụng các mắt xích CIA để cung cấp cho số quân nhân tham gia đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tướng John Campbell bị nghi đã 2 lần bí mật đến Thổ Nhĩ Kỳ và tới 2 căn cứ quân sự Erzurum và Incirlik để chuẩn bị cho kế hoạch đảo chính.../.

Ngày 26-7, lực lượng đặc nhiệm với sự trợ giúp của trực thăng, máy bay không người lái và lực lượng hải quân, đã mở chiến dịch săn lùng những thành viên còn lại của lực lượng đảo chính được giao nhiệm vụ bắt giữ hoặc ám sát Tổng thống Recep Tayip Erdogan.

Được biết, hơn 1.000 lính đặc nhiệm đã được huy động tham gia chiến dịch truy tìm 11 biệt kích được cho là đang lẩn trốn trong khu vực đồi núi gần khu nghỉ dưỡng Marmaris trên bờ Địa Trung Hải, nơi Tổng thống Recep Tayip Erdogan nghỉ trước khi bay về Istanbul sáng 16-7.

Hãng Reuters từng dẫn lời Tổng thống Recep Tayip Erdogan cho biết, số biệt kích kể trên đã tấn công, ném bom để ám sát ông.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.