Nguyên chủ tịch UBND thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) kể, vào một ngày giữa năm 1980, có một thanh niên quê ở huyện Vũ Thư (Thái Bình) đến gặp ông, đưa giấy giới thiệu của địa phương và trình bày rằng mình là con trai của người cán bộ thương nghiệp năm xưa từng chôn vàng dưới gốc cây đa Chùa Ông đã kể trên.
Anh ta còn đưa cả sơ đồ và di chúc nói là của cha để lại xin phép chính quyền địa phương được đào tìm, bởi cha mình đã qua đời mấy tháng trước đó ở bệnh viện Hà Nội do lâm bệnh nặng.
Cây đa 350 tuổi
Ngày 7,8 và 11 tháng 2 năm 1965, Johnson đã ra lệnh cho hàng trăm lượt máy bay Mỹ cất cánh từ hạm đội 7 đậu ngoài Thái Bình Dương tiến hành cuộc tập kích chiến lược, mang tên “Mũi dao lửa – 1” đánh phá thị xã Đồng Hới bên sông Nhật Lệ, mở màn cho cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc.
Kể từ đó cho đến ngày Hiệp định Paris ký kết (27/1/1973) theo các nhà khoa học quân sự đã kết luận, thị xã Đồng Hới bị một sức công phá của bom đạn Mỹ gấp hai lần bom nguyên tử mà ném xuống Hirosima và Nakajaki (Nhật Bản) năm 1945.
Thị xã Đồng Hới thơ mộng bên sông Nhật Lệ tan nát đã làm Thủ tướng Fidel Castro, người anh hùng của đất nước Cu Ba, năm 1973 dến đây, bách bộ trong mấy mươi phút, trên đường vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị, đã phải đứng lặng ngậm ngùi. Và năm 1972, nghệ sĩ xứ sở hoa hồng Bulgaria, bà Blaga Đimitrôva đã chảy nước mắt xúc động khi đứng lặng giữa phố đổ bên dòng Nhật Lệ thơ mộng.
Kỳ diệu thay, giữa thành phố bị bom đạn Mỹ hủy diệt ấy, duy nhất có một cây dừa, một cây sung và một cây đa tồn tại. Thân hình của chúng ứa nhựa vì hàng trăm vết chém của bom đạn. Cây dừa 10 năm nữa sau chiến tranh thì bị đổ vì một cơn bão. Còn cây sung và cây đa già vẫn còn tồn tại lâu hơn giữa thành phố Đồng Hới hồi sinh, trên đường Cô Tám chạy từ Quốc lộ 1A ra bờ sông, chỗ đặt tượng đài mẹ Suốt anh hùng.
Cây đa già có tên là cây đa Chùa Ông. Theo các cụ cao tuổi trong vùng nói lại, cây được trồng từ thời Chúa Nguyễn Hoàng khai cơ lập nghiệp. Trước đây, người ta đã xây một ngôi đền thờ Quan Vân Trường gần đó. Do được cho là linh thiêng và nhiều người ngưỡng mộ, đền sau đó được nâng cấp thành chùa, có pháp độ trụ trì. Chùa được gọi là Chùa Ông. Ông ở đây là Quan Vân Trường.
Khi Pháp chiếm lại Đồng Hới lần thứ hai (1947), trong tiến độ xây dựng thị xã, căn cứ quân sự trung tâm tỉnh Quảng Bình của Pháp, chùa bị phá bỏ. Nhưng cây đa vẫn còn đó, nơi ngã tư của hai con đường giao nhau giữa lòng Đồng Hới. Trẻ con chúng tôi, một thuở từng leo trèo bắt tổ chim trên cây hoặc ngả mình trên những nạng ba, nạng tư cây đa cổ thụ để tránh nắng những trưa hè.
Cây đa Chùa Ông sum suê cành lá, chằng chịt thân rễ, tuổi thọ có đến gần 350 năm nhưng đã bị bom đạn Mỹ băm vằm. Sau năm 1973, cây chỉ còn lơ thơ vài cành lá, thân và bộ rễ còn lại tạo dáng chữ V lật ngược, giống như hình người đang đứng với chiếc nạng gỗ trong tay.
Tháng 5/1973, nhà thơ Nga Eptusenco khi đến thăm Đồng Hới, ngang qua cây đa này đã thốt lên bằng lời đã được hình tượng hóa và đó là nhan đề bài thơ nổi tiếng trong chuyến thăm Việt Nam – Quảng Bình của ông: “Anh thương binh gác thành trên nạng gỗ”.
Chuyện “bí mật” dưới gốc đa Chùa Ông bắt đầu vào một đêm khoảng cuối tháng 5/1975, có một cán bộ ngành thương nghiệp ở một tỉnh phía nam ra trạm trung chuyển T48 đóng sát bờ sông Nhật Lệ để nhận hàng cho đơn vị. Ông này được cho là có một hộp vàng chừng mười cây, mà sau này con trai ông nói lại, đó là vàng cha mình dành dụm được.
Người cán bộ đó nghĩ rằng, công tác của mình còn phải đi nhiều nơi, qua nhiều vùng, còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp, cần phải giấu số vàng này lại, đợi cơ hội sẽ lấy lại sau. Thế là, quan sát ban ngày xong, tối đến, vị này đi chôn toàn bộ số vàng ấy trong một hầm trú ẩn cá nhân rồi lấp đất lại, ngay chính dưới gốc đa Chùa Ông của thành phố Đồng Hới giữa cái nạng cây hình chữ V lật ngược kia.
Cây đa con đã thay cây đa “Chùa Ông” cũ |
Khai quật gốc đa tìm vàng
Người viết bài này từng gặp ông Nguyễn Xuân Chàm (1941-2010), nguyên chủ tịch UBND thị xã Đồng Hới lúc còn sống. Ông đã cho rằng, vào một ngày giữa năm 1980, có một thanh niên quê ở huyện Vũ Thư (Thái Bình), có tên Trần Bình Hoàn hay Toàn gì đó đến gặp ông, đưa giấy giới thiệu của địa phương và trình bày rằng mình là con trai của người cán bộ thương nghiệp năm xưa từng chôn vàng dưới gốc cây đa Chùa Ông đã kể trên.
Anh ta còn đưa cả sơ đồ và di chúc nói là của cha để lại xin phép chính quyền địa phương được đào tìm, bởi cha mình đã qua đời mấy tháng trước đó ở bệnh viện Hà Nội do lâm bệnh nặng. Người thanh niên tên Hoàn (hay Toàn) nói rằng, số vàng đào được sẽ do Nhà nước xử lý theo pháp luật.
Ông Nguyễn Xuân Chàm lập tức hội ý lãnh đạo và chỉ thị lực lượng Công an Đồng Hới cảnh giới, bảo vệ khu vực đào đất tìm vàng.
Anh thanh niên có tên là Hoàn (hay Toàn) ấy đã thuê ba người lực lưỡng cùng mình đào suốt ba ngày nhưng chẳng tìm ra số vàng như anh nói. Cuối cùng thì bộ rễ dưới cái nạng hình chữ V lật ngược của cây đa bị ảnh hưởng, cộng với những chấn động do bom đạn trong chiến tranh. Sau đó ít lâu cây đa héo hon rồi chết.
Sau cuộc “khai quật” không thành ấy, một số người dân trong vùng nghe tin, vờ đi nhặt sắt vụn, tới gốc đa Chùa Ông đào đào xới xới mong rằng sẽ có vận may. Nhưng tất cả đều vô vọng.
Số vàng đó có thực hay không, ai mà biết được. Có nhiều võ đoán. Thứ nhất, cây đa Chùa Ông sau chiến tranh, một thời nằm trong khuôn viên của Phòng Thủy lợi – Giao thông Đồng Hới. Rất có thể ai đó trong khi đào xới để làm công trình vệ sinh dã chiến của cơ quan hoặc xây hàng rào ranh giới đã phát hiện được và ngấm ngầm cất giấu rồi lấy đi.
Thứ hai, có thể là những người đào vàng quê ở Thái Bình ấy đã phát hiện ra số vàng trên trong quá trình đào bới, tìm kiếm nhưng đã mánh lới che giấu công an, sau đó lấy chia nhau, tránh việc nộp cho Nhà nước.
Và một giả thiết nữa cũng đáng tin cậy, là anh thanh niên có tên là Hoàn (hay Toàn gì đó) nghe tin trong lòng đất Đồng Hới thời kỳ đó có rất nhiều vàng do bị bom đạn Mỹ cày xới, nay mưa xuống bị lộ thiên, đó là số vàng của một số người dân từng ở thị xã sau đó di cư đã giấu lại. Thế nên anh này đã tạo cớ kiếm được một cái giấy giới thiệu, vào Đồng Hới bịa ra chuyện như kể trên để nhằm tìm vàng.
Cây đa thời xưa đã chết. Nhưng nay vẫn có một cây đa Chùa Ông trong khuôn viên mặt bằng đổ bê tông của Nhà Văn hóa thuộc UBND thành phố Đồng Hới, nơi có Phòng truyền thống cổ kính và hiện đại nhất vùng được hoàn thành nhiều năm trước. Đó là cây đa được trồng Cạnh cây đa có nạng chữ V lật ngược tồn tại hơn 350 năm. “Bí mật dưới gốc đa Chùa Ông” của thành phố Đồng Hới cho đến nay vẫn là một ẩn số./.