Âm thầm nghề thảo đơn kiện

Phố thảo đơn kiện” hiện nay còn khoảng 7-8 người theo nghề đánh máy thuê
Phố thảo đơn kiện” hiện nay còn khoảng 7-8 người theo nghề đánh máy thuê
(PLVN) - Dù trời mưa hay trời nắng, những người làm nghề đánh máy thuê ở “Phố thảo đơn kiện” TP Cần Thơ vẫn cần mẫn, chuyên tâm gõ lạch cạch bên máy đánh chữ. Họ như một người “phiên dịch”, thể hiện tiếng lòng, sự uất ức, tâm tư của những người làm đơn lên mặt giấy một cách mạch lạc, rõ ràng để giành lấy 2 chữ công bằng.

Người dân ở Cần Thơ chắc hẳn không xa lạ gì với hình ảnh những người làm nghề thảo đơn ở Chợ An Lạc (đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Người ta quen gọi nơi đây là “Phố thảo đơn” vì cả thành phố duy nhất chỉ có nơi này tập trung đông đúc như thế.

Lặng lẽ tồn tại

Xã hội không ngừng phát triển, công nghệ ngày càng hiện đại tưởng chừng nghề này đã mất nhưng nó vẫn âm thầm tồn tại. Những ngón tay gầy guộc vẫn cẩn thận gõ lạch cạch mấy tờ đơn trên chiếc máy đánh chữ cũ kỹ, in vết hằn thời gian. Nghề nào cũng vậy, hễ người dân vẫn cần thì nó vẫn tồn tại mặc dù rất khiêm tốn. Đơn giản chỉ với một cái bàn, máy đánh chữ, mấy xấp giấy A4 nhưng nó từng là “cần câu cơm” nuôi sống nhiều gia đình trong mấy chục năm qua.

Có những người bắt đầu vào nghề từ thời trai trẻ đến nay râu tóc đã ngả 2 màu, con cái cũng đề huề, nên danh, nên nghiệp. Xã hội ngày càng phát triển, trình độ tri thức ngày càng nâng cao không có nghĩa ai cũng biết viết đơn, soạn thảo hồ sơ, làm thủ tục, chứng từ. Đâu đó vẫn còn những người không biết “một chữ bẻ đôi” thì làm gì bàn đến chuyện văn tự, giấy tờ. Và những người thảo đơn thầm lặng chính là người sẽ “phiên dịch” tiếng lòng, nỗi bức xúc của người dân lên văn bản giấy tờ một cách mạch lạc, rõ ràng để giành lại 2 chữ “công bằng”.

Ông Nguyễn Văn Quốc Việt (63 tuổi, ngụ phường An Lạc) – người có 44 năm gắn bó với công việc thảo đơn kiện cho biết, nghề thảo đơn ở Cần Thơ đã có từ lâu nhưng mọi người chỉ làm rải rác. Sau ngày giải phóng, chính quyền mới gom lại thành tổ hợp tác khoảng mười mấy người ở đường Phan Đình Phùng. Sau đó dời xuống Ngô Văn Sở rồi đường Trần Quốc Toản và cuối cùng là dời về Nguyễn Thị Minh Khai. Nói xong, với vẻ mặt tự hào, ông lấy cho khách xem “Giấy phép tiếp tục hành nghề” được cấp từ tháng 8/1975. Tờ giấy đã hoen ố màu thời gian, chữ nhợt nhạt và con dấu đỏ cũng chỉ thấy mờ mờ nhưng nó là kỉ niệm và đánh dấu cuộc đời làm nghề của chú. 

Ông Nguyễn Văn Quốc Việt cần mẫn, chuyên tâm gõ lạch cạch bên máy đánh chữ
Ông Nguyễn Văn Quốc Việt cần mẫn, chuyên tâm gõ lạch cạch bên máy đánh chữ

“Nghề này trước đây thịnh lắm. Lúc mới giải phóng giấy tờ nhiều, giấy đi đường, giấy phép, giấy giới thiệu, cái gì cũng phải đánh máy nên phải làm cả ngày, lúc nào muốn ăn cơm thì ăn chứ đánh liên tục không có thời gian rảnh. Không có khách thì đánh mẫu đơn xin việc, mẫu lý lịch bán”, ông Việt hồi tưởng rồi sau đó nét mặt hơi trầm buồn nói tiếp: “Về sau nghề này gần như mai một. Cơ quan nào cũng có mẫu riêng nên chỉ còn làm các loại đơn thưa kiện, tranh chấp hợp đồng, đơn ly hôn…”. Tuy nhiên theo ông, “nghề này vẫn còn sống tốt”. Khi chúng tôi hỏi vì sao thì người đàn ông vui vẻ lý giải: “Trước đây làm nghề này nuôi cả gia đình mười mấy nhân khẩu, em út, con cháu đông lắm. Bây giờ đủ nuôi sống mình là được rồi”.

Công việc thảo đơn rất quan trọng vì phải thể hiện rõ ràng, mạch lạc điều người dân muốn nói thì các cấp có thẩm quyền mới biết để giải quyết. Nhờ tài thảo đơn của ông Việt mà nhiều người đã giành lại được công bằng. Theo ông, chuyện ông nhớ nhất là việc đứa con trai nghe lời vợ kêu cha ruột chuyển nhượng mười mấy công đất rồi đuổi cha ra khỏi nhà. Sau đó, ông này đến nhờ làm đơn khởi kiện trình bày rõ nguồn gốc đất và được trả lại đất. “Điều đáng nói là ông ấy chỉ lấy 3 công đất dưỡng già, còn lại để cho con và cháu nội”, ông Việt kể.

Làm nghề gắn với tình người

Công việc hàng ngày của một người làm nghề thảo đơn là lắng nghe người yêu cầu làm đơn trình bày hoàn cảnh. Sau đó thảo đơn đọc cho họ nghe nếu được thì đánh máy. Mặc dù đôi chân không toàn vẹn nhưng gần 50 năm qua, ông Phạm Văn Tư (74 tuổi) vẫn mưu sinh và nuôi sống gia đình bằng nghề làm đơn thuê.

Theo ông Tư, nghề này mặc dù chỉ ngồi một chỗ nhưng lại nghe, thấy được nhiều chuyện trong thiên hạ. Những hoàn cảnh cứ tưởng chừng không có nhưng cũng xảy ra. Họ đều đến nhờ chú làm đơn để thưa, để kiện. “Lắng nghe nhiều hoàn cảnh, nhiều trường hợp mới thấy xã hội dữ dằn, lắm vui buồn lẫn lộn. Đa phần họ không hiểu biết pháp luật nên mới nhờ mình, mình biết cái gì mình chỉ, mình giúp họ cái đó”, ông Tư chia sẻ. 

Nghề nào cũng có cái vui riêng, với ông Tư niềm vui là khi được người ta thông báo nhờ đơn của ông mà vụ kiện, khiếu nại của họ được giải quyết. Làm nghề để kiếm sống, nhưng lắm lúc ông lại giảm giá, thậm chí là miễn phí cho những người có hoàn cảnh thực sự khó khăn, thiếu thốn. “Tôi luôn tâm niệm làm nghề kiếm sống nhưng phải đặt song song với tình người”, ông Tư nói.

Không những thế, nhiều trường hợp ông còn dùng pháp lý, tình người khuyên răn khiến nhiều cặp vợ chồng “gương vỡ lại lành” không còn muốn ly dị. Gần đây nhất là trường hợp 2 vợ chồng bất đồng quan điểm, không hòa hợp đi ra đòi làm đơn ly dị, ông khuyên răn, dẫn giải thiệt hơn, đạo nghĩa vợ chồng rồi vấn đề pháp lý về hôn nhân, về những đứa con khiến cặp vợ chồng mủi lòng, nhường nhìn nhau mà sống tiếp. 

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hiếu (74 tuổi) bị thương di chiến tranh từ lúc còn trẻ, hơn 46 năm gắn bó “kiếm cơm” nuôi sống gia đình nhờ nghề đánh máy thuê. Không ai dám nghĩ một người đàn ông tật nguyền mà có thể gánh vác gia đình nuôi 6 đứa con trưởng thành, nhưng ông Hiếu đã làm được việc đó nhờ nghề đánh máy thuê.

Thời huy hoàng chỉ còn trong quá khứ, hiện tại nghề này dần mai một vì không theo kịp bước tiến của công nghệ. Những cái máy đánh chữ thô sơ lạch cạch làm sao có thể cạnh tranh với công nghệ thông tin hiện đại. Một vài người vẫn theo đuổi nghề thảo đơn kiện nhưng không sử dụng máy đánh chữ nữa mà thay vào đó là máy vi tính nhanh, hiện đại. Một trong số đó là Trần Thanh Nghĩa (59 tuổi). Ông Nghĩa cho biết, làm nghề này từ năm 1993 bằng máy đánh chữ. Vì đáp ứng nhu cầu nên năm 2005 chú đổi sang máy vi tính. Tuy nhiên, theo chú “Dần dần xã hội cũng đào thải, nghề này cũng chỉ sống tàm tạm, lay lất mà thôi. Tới đâu hay tới đó”.

Mặc dầu biết rằng tương lai phía trước có thể sẽ không còn nghề này nữa, nhưng những con người thầm lặng vẫn miệt mài gõ từng dòng đơn để “tiếp sức” cho những người dân nghèo, thiếu hiểu biết pháp luật. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.