Theo Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội), pháp luật nước ta chưa có văn bản nào quy định về việc "đánh ghen", không cho phép đánh ghen, cũng như không quy định thế nào là "đánh ghen" hợp pháp. Nếu đánh ghen là đánh người, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong vụ đánh ghen tại Hà Nội, theo Luật sư Cường, cả 3 bên (chồng, vợ, cô gái lạ) đều có nguy cơ bị xử phạt. Bởi pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi đánh đập, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác một cách trái pháp luật.
Ở sự việc trên, chưa biết cụ thể nguyên nhân sự việc thế nào, mối quan hệ giữa các bên như thế nào nhưng qua hình ảnh của đoạn clip thì nhiều người sẽ nghĩ đây là một vụ đánh ghen “có căn cứ”, “bắt gặp quả tang”... và thông cảm với người vợ.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp. |
Tuy nhiên những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội chỉ là một đoạn ngắn sự việc, chưa thể hiện được nguyên nhân, mối quan hệ giữa ba người đó và việc ghen tuông thực chất là như thế nào. Tuy nhiên, với hành vi đánh người, gây náo loạn trên phố, ùn tắc giao thông thì người phụ nữ được cho là vợ này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Cụ thể Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình quy định hành vi đánh nhau có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (điểm a khoản 2 Điều 5); hành vi gây rối làm mất trật tự công cộng có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (khoản 3 điều 5).
Bởi vậy, với hành vi đánh nhau, gây mất an ninh trật tự nơi công cộng thì người phụ nữ (người được cho là vợ của người đàn ông) trong clip có thể sẽ bị phạt đến 3.000.000 đồng theo quy định tại điều 5, Nghị định 167 nêu trên.
Trong khi đó, về phía cô gái, dưới góc độ đạo đức thì “người thứ ba” chen vào cuộc sống gia đình của người khác là sai, đáng chê trách. Dưới góc độ pháp luật thì “người thứ ba” chen vào cuộc sống hôn nhân gia đình của người khác là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân gia đình một vợ một chồng.
Tuy nhiên, nếu chuyện ngoại tình là lén lút, không công khai, không chung sống như vợ chồng thì pháp luật không can thiệp mà chỉ có dư luận xã hội lên án, chê cười.
Với người đàn ông trong vụ việc trên thì nếu có quan hệ bồ bịch, yêu đương ngoài hôn nhân thì là hành vi vi phạm đạo đức xã hội. Ngoài ra, trong vụ việc đánh ghen này, hình ảnh trong clip cho thấy người đàn ông này đã đánh cùi chỏ vào mặt vợ mình để giải thoát cho cô gái trẻ.
“Bởi vậy trong tình huống nếu người vợ có đơn trình báo đề nghị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích và quá trình xác minh cho thấy người phụ nữ có tỷ lệ thương tích thì dù thương tích dưới 11% nhưng hành vi được xác định là có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn thì người đàn ông này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015”, Luật sư Cường cho biết.
Còn đối với người đã đăng tải những hình ảnh, clip đánh ghen lên mạng xã hội thì đây cũng là hành vi không phù hợp với quy định pháp luật. Bởi theo luật sư Cường, nếu nội dung không phải là nhằm tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì người đăng tải những thông tin hình ảnh bạo lực trên lên mạng xã hội sẽ bị xử phạt hành chính hoặc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào mục đích và hậu quả của hành vi.
Theo Luật sư Cường, mọi hành vi, ứng xử phải phù hợp quy định pháp luật, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Việc để cơn ghen lấn át lý trí mà hành hung, hạ nhục “tình địch” như lột quần xé áo, đe dọa tung ảnh nóng… thì rất có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trước đó, chiều ngày 15/9, trên đường Lý Nam Đế, một vụ đánh ghen xảy ra trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội) đã khiến cộng đồng mạng xôn xao với nhiều ý kiến khác nhau về hành vi của người vợ, người chồng và cô gái trẻ.