Theo báo cáo nhanh của Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc gửi về, khoảng 7h sáng 19/11 (theo giờ địa phương), hỏa hoạn bất ngờ bùng lên trên tàu đánh cá 29 tấn của Hàn Quốc ở ngoài khơi, cách đảo Jeju khoảng 76km về phía Tây.
Cảnh sát Hàn Quốc cho biết, 1 thuyền viên người Hàn Quốc được cấp cứu đưa vào đảo nhưng các bác sĩ xác nhận người này đã tử vong. Còn lại 11 thuyền viên, trong đó có 6 thuyền viên người Việt Nam vẫn đang mất tích và tất cả họ là đều là lao động đi làm việc theo hợp đồng hợp pháp tại Hàn Quốc.
Các thuyền viên Việt Nam mất tích gồm: Nguyễn Văn Công (SN 1987), Nguyễn Tiến Ninh (SN 1987), Nguyễn Văn Viện (SN 1974), Nguyễn Văn Thủy (SN 1994), Nguyễn Ngọc Lợi (SN 1995) có cùng quê ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình và Nguyễn Văn Phúc (SN 1988) quê ở Hà Tĩnh.
Sau khi nghe tin dữ, rất đông người dân đã đến thăm hỏi, chia sẻ với gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Viện. |
Sau khi nhận được thông tin từ các Công ty phái cử đưa các lao động này sang Hàn Quốc, doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động (XKLĐ) và các gia đình nạn nhân đã khẩn trương thông báo với chính quyền địa phương, đồng thời thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về công tác cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng chức năng tại Hàn Quốc.
Dẫy vậy, theo ghi nhận của PLVN, đến cuối ngày 20/11, thông tin chính thức về số phận các nạn nhân quê ở xã Thanh Trạch vẫn chưa đưa ra khiến các gia đình hết sức hoang mang, lo lắng tột độ.
Trong 5 lao động ở Thanh Trạch mất tích, thôn Thanh Xuân có đến 4 người.
Trưa 20/11, chúng tôi tìm về thôn này, cơn mưa rớt kéo dài càng bao trùm thêm không khí lo âu, xót xa của những gia đình có người thân mất tích trên biển xứ Hàn. Từ hôm (19/11), khi nhận tin xấu về con trai Nguyễn Văn Công không may mất tích, những người gia đình ông Nguyễn Tiến Kép vẫn chưa hết bàng hoàng. Khi thấy chúng tôi đến thăm, mẹ anh Công khóc thét lên rồi ngất lịm.
Ông Kép cầu trời cho điều an lành nhất sẽ đến với con trai. |
“Mong lực lượng chức trách Hàn Quốc sớm tìm được con trai tôi hoặc nếu không còn sống thì cũng tìm được xác con và các thuyền viên. Để rồi từ đó, cũng mong các cơ quan chức năng 2 nước tạo điều kiện cho các gia đình chúng tôi sang đưa xác con mình trở về” – ông Công nói với vẻ mặt buồn nặng trĩu, giọng uất nghẹn.
Ở khu vực miền Trung, Quảng Bình là một trong những tỉnh dẫn đầu về số lượng người đi XKLĐ và Thanh Trạch là xã dẫn đầu tỉnh này về số lượng người phải xa xứ để đi kiếm kế sinh nhai ở các nước trên khắp 5 châu. Từ khi nhận hung tin, 2 thôn có người thân mất tích là Thanh Xuân và Thanh Gianh của xã Thanh Khê cuộc sống như chùng xuống. Câu chuyện chính của người dân trong thôn chủ yếu thủ thỉ nhỏ to hỏi thăm nhau về tin tức của các nạn nhân là bà con lối xóm của mình và ai cũng cầu mong điều an lành nhất về số phận những người phải xa xứ sang tận Hàn Quốc để làm nghề đi biển, gửi tiền về nuôi gia đình.
Từ sáng 19/11, khi nghe hung tin về con trai Nguyễn Ngọc Lợi sau khi tàu cá bị cháy, bà Nguyễn Thị Liên (ở thôn Thanh Gianh) ngất xuống rồi tỉnh dậy không biết bao nhiêu lần. Bà nói trong nước mắt: “Con trai tôi đi đã đi được hơn 3 năm rồi. Đi hợp đồng đánh bắt lươn biển. Từ khi nghe tin dữ điện về đến bây giờ vẫn chưa có thông tin gì khác. Giờ chỉ mong trời phật phù hộ độ trì cho sớm tìm được con thôi, không thì tôi e không sống nổi…”
Bà Nguyễn Thị Liên khóc cạn nước mắt khắc khoải ngóng tin con trai trở về. |
Ngay sau khi nhận được thông tin, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên tinh thần các gia đình có người thân bị nạn. Lực lượng chức nặng địa phương cũng chuẩn bị các phương án để hỗ trợ gia đình khi có trường hợp xấu nhất xảy ra.
Thông tin về sự việc, ông Nguyễn Trí Tuệ, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Trạch cho biết: “Trong trường hợp rủi ro, các nạn nhân này đều có hợp đồng lao động nên sẽ có chế độ về bảo hiểm và thông qua các tổ chức sẽ hỗ trợ thêm kinh phí cho gia đình để lo hậu sự trọn vẹn cho các nạn nhân”.
Theo các gia đình cho biết, cả 5 nạn nhân của xã Thanh Trạch hiện đang bị mất tích tại Hàn Quốc đều có mối quan hệ họ hàng, ruột thịt. Tất cả đều là những người có nhiều năm kinh nghiệm đi XKLĐ tại Hàn Quốc với nghề đánh bắt thủy, hải sản. Các nạn nhân này đều là lao động chính và là trụ cột về kinh tế của gia đình.
Cả 5 nạn nhân của xã Thanh Trạch hiện đang bị mất tích tại Hàn Quốc đều có mối quan hệ họ hàng, ruột thịt. |
“Đến hiện tại, thông tin bên Hàn Quốc báo về là công tác tìm kiếm vẫn đang được thực hiện, khi có văn bản của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao thì chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng để hỗ trợ về các cơ sở pháp lý để đưa nạn nhân về nước” – ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho hay.
Được biết, hiện nay các doanh nghiệp và công ty môi giới XKLĐ đang hỗ trợ, hướng dẫn các gia đình ở xã Thanh Trạch có người thân gặp nạn tại Hàn Quốc về các thủ tục pháp lý để có thể sang Hàn Quốc một cách sớm nhất để cùng với doanh nghiệp giải quyết các công việc liên quan đến người bị nạn.