Cao tốc Cam Lộ - La Sơn là dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Hợp phần này sử dụng vốn đầu tư công, thuộc công trình trọng điểm quốc gia. Vì thế, tiến độ của dự án rất được dư luận quan tâm.
Đang 'tắc' gần chục cây số
Công trình này khởi công ngày 16/9/2019, với chiều dài 98,35km, qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị (hơn 37 km) và Thừa Thiên - Huế ( hơn 61km). Theo thiết kế, cao tốc có mặt đường 2 làn xe, rộng 12m, vận tốc 80km/h; tổng mức đầu tư của dự án hơn 7.600 tỷ đồng (vốn trái phiếu Chính phủ). Dự kiến, đoạn này sẽ hoàn thành vào năm 2021. Khi đưa vào khau thác cùng với đoạn La Sơn - Túy Loan sẽ tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan băng qua miền Trung, đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa giao thông đang quá tải trên QL1.
Theo đại diện chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án (PMU) đường Hồ Chí Minh, sau ngày khởi công, các đơn vị liên quan đã khẩn trương thực hiện dự án. Các Gói thầu xây lắp XL1, XL2 đoạn qua tỉnh Quảng Trị đang được triển khai. Nhưng vấn đề đáng quan tâm nhất là khâu giải phóng mặt bằng khi mới giải ngân được 55/100 tỷ, tương ứng 24,5Km/37,3Km.
PMU đường Hồ Chí Minh cho hay, tiến độ thực hiện hai gói thầu nói trên dự kiến mất tầm 24 tháng, đến tháng 9/2021 phải xong. Cụ thể, tổng giá trị xây lắp hợp đồng của 2 gói thầu này là 1.085 tỷ đồng, đến nay vốn dù đã bố trí đủ nhưng giá trị sản lượng mới đạt trên 21 tỷ đồng, tức đạt chưa đầy 2% khối lượng. Giá trị giải ngân đến nay đạt khoảng 115 tỷ đồng.
Thực tế hiện trường cho thấy, mặt bằng phục vụ dự án nhiều vĩ trí vẫn chưa “sạch” và chưa được bàn giao cho nhà thầu, với thống kê gần chục cây số đoạn qua huyện Triệu Phong (Quảng Trị) nên các nhà thầu hiện mới chỉ con số thống kê nhân lực, thiết bị phục vụ dự án hơn là sản lượng thực tế phải thực hiện.
Cụ thể, tại Gói thầu xây lắp XL1 (Km0 - Km15), giá trị sản lượng thực hiện đến nay mới đạt 19/509 tỷ đồng. Các đơn vị xây lắp như Công ty 703 thi công đoạn Km1+780-Km6+800, sản lượng thực hiện mới đạt 13 tỷ/177 tỷ, tức gần 7,50%. Tổng Công ty Thành An thi công đoạn Km0 - Km1+780 và Km9+600-Km15. Nhưng đến thời điểm hiện nay, nhà thầu quân đội này mới thực hiện đạt hơn 2 tỷ/179.
Công ty Hoàng Huy Toàn thi công đoạn Km6+800 –Km9+600, chiều dài 2,8Km; giá trị sản lượng thực hiện lũy kế đến nay đạt 2,92 tỷ/60,14 tỷ (đạt 4,86%). Công ty Hà Thành thực hiện các cầu Lai Phước, cầu vượt TL579, khe Ái Tử.
Theo kế hoạch tổng thể thì từ ngày 7/11/2019 đến 14/11/2019 nhà thầu thi công sẽ san ủi mặt bằng định vị tim cọc để đến ngày 15/11/2019 bắt đầu khoan cọc khoan nhồi đầu tiên ở cầu TL579, tuy nhiên đến nay nhà thầu chưa thực hiện. Hiện đơn vị đang xây dựng lán trại, đã huy động được 2 máy xúc, 1 cẩu KH150, 1 bộ ván khuôn dầm I33, 2 máy phát điện sẵn sàng thực hiện dự án.
Xe máy, nhân lực đã được bố trí đến Quảng Trị, nhưng nhiều nhà thầu vẫn chưa thể thi công rầm rộ. |
Lo 'bó gối' nhìn... mưa công trường
Theo lãnh đạo Phỏng Điều hành dự án 3 (PMU đường Hồ Chí Minh), Gói thầu xây lắp XL2, đoạn Km15 - Km26+500, đến nay giá trị sản lượng cũng đạt thấp dù đảm đương đoạn này đều là những “tên tuổi” lớn trên thị trường xây lắp như Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng), Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam, Công ty CP Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68. Các nhà thầu này đã tập kết máy móc, phòng thí nghiệm và nhân sự làm Chỉ huy trưởng công trường..., nhưng phần lớn các nhà thầu này cũng đang vướng mặt bằng nên chưa thể triển khai rầm rộ, đồng loạt.
“Chúng tôi thi công 3,2km trên tuyến nhưng mới được bàn giao mặt bằng 0,4km và đang phải tìm đường tiếp cận công trường. Vì những khó khăn này nên đến nay, giá trị sản lượng thực hiện mới được khoảng 0,20% theo hợp đồng. Dù vậy, nhà thầu vẫn tích cực huy động thêm cán bộ kỹ thuật, xe máy đến hiện trường chờ điều kiện thuận lợi là ra quân ngay”, ông Phùng Tuấn Anh - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam thông tin.
Tương tự, Công ty CP Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68 ngoài nhiệm vụ việc thi công phần đường còn đảm đương thêm 2 cây cầu trên tuyến là cầu Khe Chuồn và vượt HL48B cũng đã bố trí đầy đủ bộ máy thi công, nhưng giá trị sản lượng thực hiện sau hơn 2 tháng khởi công tới nay chưa đạt 1% giá trị hợp đồng. Các công việc nhà thầu đã, đang thực hiện là tập trung đào nền đất, đá, phát quang thu dọn mặt bằng, đúc ông cống bê tông cốt thép...
Nhiều nhà thầu nói rằng, ngại nhất là mặt bằng vì nếu gặp thời tiết xấu họ có thể tính toán công việc, bố trí thời điểm thi công hợp lý thì ít nhiều sẽ có sản lượng, còn “tắc” mặt bằng thì chỉ có cách “bó gối” trên công trường.
Theo đại diện PMU đường Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, đoạn tuyến nói trên hiện mới có “Tổng” Trường Sơn được bàn giao 100% mặt bằng “sạch”, đồng thời cũng đã có đường tiếp cận thi công và xác định được vị trí bãi thải..., vì thế nhà thầu này đã huy động một lượng lớn nhân lực, thiết bị, vật tư đến miền Trung để triển khai trên công trường.