Tới tham dự sự kiện có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển và ngài Đại sứ MK Lekgoro, Đại sứ quán Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Ngoại giao, Công an thành phố Hà Nội; Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật; và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước cùng các cơ quan thông tấn, báo chí.
Việt Nam và Nam Phi đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học năm 2012, có hiệu lực từ năm 2012-2017 và ký kết Kế hoạch hành động về bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học giai đoạn 2012-2017 vào năm 2013. Kể từ thời điểm ký kết Biên bản ghi nhớ đến nay, đây là lần thứ 4 Việt Nam tiến hành bàn giao mẫu vật giám định sừng tê giác từ các vụ bắt giữ, tịch thu cho phía Nam Phi nhằm phục vụ công tác giám định, xác định nguồn gốc xuất xứ, phục vụ công tác điều tra tội phạm hiệu quả.
55 mẫu vật sừng tê giác được CITES Việt Nam bàn giao cho CITES Nam Phi |
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Nam Phi, đồng thời tuân thủ theo quy định tại Nghị quyết 9.14 về bảo tồn và thương mại mẫu vật tê giác châu Á, châu Phi của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Phát biểu tại lễ bàn giao, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển nhấn mạnh: “Để ngăn chặn triệt để tội phạm trong lĩnh vực này đòi hỏi có sự hợp tác đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật của nước xuất xứ, trung chuyển, tiêu thụ cuối cùng trong chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, điều tra chung và nâng cao nhận thức giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác”.
Sự kiện bàn giao mẫu vật này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời thể hiện mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai quốc gia trong phòng, chống đấu tranh với tội phạm động thực vật hoang dã./.