Sáng nay (16/12), Bộ LĐTB&XH phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổng kết “Dự án 5 năm về nâng cao năng lực về bình đẳng giới”.
Xây dựng được mạng lưới cán bộ là công tác bình đẳng giới
Đánh giá về việc thực hiện Dự án, ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH) khẳng định, dự án đã xây dựng được mạng lưới cán bộ là công tác bình đẳng giới (BĐG) từ T.Ư đến địa phương, góp phần nâng cao năng lực về công tác đảm bảo BĐG cho các cá nhân, tổ chức.
Điển hình là vấn đề giới là một trong những yêu cầu bắt buộc trong chu trình lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng và thực thi pháp luật của Luật BĐG 2006, là yêu cầu bắt buộc trong chính sách/chương trình phát triển trong giai đoạn hiện nay .
Mặc dù nhiều nỗ lực nhưng công tác BĐG vẫn còn nhiều khó khăn nên ông Phạm Ngọc Tiến cho rằng, cần phải tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ làm công tác BĐG và các lĩnh vực liên quan đến quyền của phụ nữ, nhất là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức.
Đồng thời, công tác BĐG cũng tiếp tục cần nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế để vấn đề BĐG “thấm” đến tận cơ sở.
Bà Shoko Ishikawa – Trưởng đại diện UN Women cho biết, qua 5 năm, dự án xây dựng những vấn đề thực tiễn và cách làm tốt về những gì Chính phủ có thể làm nhằm nâng cao năng lực quốc gia cấp T.Ư và cấp địa phương về BĐG và trao quyền cho phụ nữ.
Cùng với đó, bà Shoko Ishikawa cũng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào BĐG, làm việc với tổ chức xã hội và khu vực tư nhân để đảm bảo phụ nữ, nam giới và trẻ em được thụ hưởng đầy đủ các quyền của mình.
Còn bất bình đẳng trong phân công việc nhà
Số liệu nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển xã hội (trong giai đoạn năm 2012-2015 ở 11 tỉnh, TP trong cả nước) được đưa ra trong tài liệu tập huấn an sinh xã hội có trách nhiệm giới trong khuôn khổ Dự án cho thấy, phụ nữ vẫn là người đảm trách phần lớn các công việc nội trợ và chăm sóc gia đình.
phụ nữ vẫn là người đảm trách phần lớn các công việc nội trợ và chăm sóc gia đình |
Trong số 14 loại công việc nhà điển hình được điều tra cho thấy, nam giới chủ yếu làm hai loại công việc bảo trì, sửa chữa đồ dùng gia đình và thay mặt gia đình làm việc với chính quyền, cộng đồng;
Hai loại việc mang tính văn hóa là thắp hương, thờ cúng tổ tiên và việc hiếu/hỉ là không có sự khác biệt về giới; còn lại 10 loại công việc nhà khác như đi chợ, rửa bát, nấu ăn, giặt, phơi, gấp quần áo; dọn dẹp nhà cửa, nấu/chuẩn bị cỗ làm giỗ/tết, chăm sóc, đưa đón người thân, thăm hỏi người ốm bạn bè… đều do phụ nữ đảm nhiệm là chính.
Báo cáo của UNDP về số liệu khuynh hướng việc làm tại Việt nam cũng chỉ ra có 53% phụ nữ làm việc gia đình mà không được trả công, trong khi con số này đối với nam là 32%.
2/3 phụ nữ so với 1/4 số nam giới được hỏi cho biết họ thường xuyên làm việc nhà khi còn nhỏ tới năm 18 tuổi. Điều đó cho thấy, đa số phụ nữ và trẻ em thường xuyên làm việc nhà sớm và nhiều hơn nam giới và trẻ em trai.
Thực trạng này là một trong những thách thức cho công tác BĐG trong giai đoạn tiếp theo.