Trong những ngày vừa qua, vấn đề tranh cãi chưa được ngã ngũ là câu chuyện về việc "lại quả" của bị cáo Sơn đối với bị cáo Phúc và Dũng. Luật sư của bị cáo Phúc và Dũng đã chỉ ra rất nhiều những bất nhất về lời khai của bị cáo Sơn. Tuy nhiên, kiểm sát viên (KSV) cho rằng, lời khai của bị cáo Sơn làphù hợp, được củng cố bằng rất nhiều các chứng cứ, lời khai của nhân chứng khác. VKS cho rằng không có gì để nói thêm về việc này.
KSV cũng đề nghị các chứng cứ đã thu thập được đủ điều kiện chứng minh tội phạm, không cần hủy án sơ thẩm, điều tra lại và điều tra cả những thông tin từ Nga, Singapore như đề nghị của các Luật sư. Riêng về vấn đề tương trợ tư pháp, KSV nêu quan điểm: nếu thực hiện được sau này thì tốt, có thể làm rõ thêm. Việc chuyển tiền 1,666 triệu USD về là có thật, không phải dựng lên.
Về tình tiết gia đình của bị cáo Mai Văn Phúc đã nộp tiền bồi thường, mà áp dụng Khoản 2 Điều 46 để truy tố bị cáo là chưa đúng, KSV cho rằng: “Đây là tiền do gia đình bị cáo bồi thường. Ngay tại phiên tòa này, chính bị cáo cũng phản đối việc làm này của gia đình. Số tiền so với hành vi của bị cáo cũng như thiệt hại gây ra thì rất nhỏ nên VKS vẫn không áp dụng khoản 1 Điều 46 như một tình tiết giảm nhẹ cho Phúc được.”
Mai Văn Phúc không được tính tiền đền bù vào tình tiết giảm nhẹ |
Kiến nghị trong cách tính thiệt hại trong việc mua ụ nổi, đại diện VKS nêu quan điểm: “367 tỷ đồng tiền thiệt hại là một khoản không đổi, trừ đi 1,666 triệu USD tiền tham ô, còn lại cơ quan công tố tính chia cho các bị cáo. Đây là nguyên tắc chung trong xử lý án, không phải vì thế mà hủy án, điều tra lại như đề nghị của các luật sư.
Đối đáp quan điểm tranh luận về việc ụ nổi có phải là tàu biển, đại diện VKS đồng ý đây là tình tiết quan trọng liên quan đến việc đánh giá trách nhiệm của các bị cáo trong vụ án. Kiểm sát viên dẫn ra luật Hàng hải, ụ nổi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển nên phải được áp quy định quản lý như với một tàu biển.
Chuyển sang phần tội trạng của 3 bị cáo là cán bộ hải quan, liên quan đến phần trạnh luận của các luật sư xoay quanh công ước HS, đại diện VKS cho rằng đây là văn bản chia chi tiết loại tàu, chủ yếu dành để áp thuế. Về việc áp thuế này, VKS không có ý kiến gì cả. Nhưng việc quản lý nhà nước, không thể buông lỏng, công thức hóa để mang những đồ thừa, hàng phế thải của thế giới về Việt Nam được. Đại diện cơ quan công tố cũng cho rằng công ước HS không mâu thuẫn gì với luật Hàng hải, không “bác” những quy định của luật Hàng hải mà phải áp dụng cả 2.
Với những lý lẽ của mình, Đại diện VKS khẳng định trước tòa bảo lưu quan điểm truy tố./.