Chứng cứ “ngoại quốc” cũng không gỡ được tội?
Phiên xử phúc thẩm đại án Vinalines không chỉ “nóng” ở trong phòng xử mà còn “nóng bỏng” bởi thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và các chuyên gia pháp luật.
Diễn biến phiên tòa hôm qua cho thấy, LS bào chữa cho Dương Chí Dũng đã trưng ra một số văn bản trao đổi giữa Cty AP với bị cáo Sơn nhằm “gỡ tội” cho bị cáo Dũng. LS cho rằng Sơn khai chưa bao giờ liên lạc với ông Goh trước khi mua ụ nổi là sai. Với lời khai của ông Goh trong tài liệu đã được hợp pháp hóa lãnh sự thì có thể thấy, người thương thảo mua bán ụ nổi là bị cáo Sơn.
LS đưa ra chứng cứ lời ông Goh khai: “Tôi chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc...Tôi được Công ty Global Success (GS) tiếp cận để tư vấn về phương thức giao và bảo hiểm cho việc giao ụ nổi. trước khi tôi tham gia việc bán ụ nổi 83M.
Sau khi cả GS và Vinalines đồng ý về việc mua bán ụ nổi 83M qua AP, một văn bản chào bán chính thức đã được AP gửi cho Vinalines theo hướng dẫn của GS và sau đó việc thương thảo mua bán ụ ổi bắt đầu. Việc thương thảo được tiến hành giữa tôi và các cán bộ đại diện Vinalines mà ông Sơn là người đứng đầu.
Tôi không hề yêu cầu ông Sơn phải mở tài khoản của Công ty Phú Hà tại Ngân hàng UOB…Tôi chưa bao giờ trao đổi với ông Dũng và ông Phúc về khoản tiền 1,666 triệu USD”.
Trước đó, cũng với chứng cứ mới từ Singapore, các LS bào chữa cho Dương Chí Dũng đã đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng không cần phải triệu tập ông Goh và ông Prikhodko vì: “Chúng ta đang xem xét hành vi của các bị cáo có sai phạm tại Việt Nam. Hành vi của các bị cáo thực hiện ở Việt Nam, khi ụ nổi đã đưa về Việt Nam”.
Chia sẻ với Báo PLVN, nhiều LS đồng tình với quan điểm trên của đại diện VKS vì nó thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng của người nắm quyền công tố, và quyết định tiếp tục phiên tòa là đúng đắn, sáng suốt. Với một vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm như đại án Vinalines thì việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải có căn cứ, đúng pháp luật, không thể tùy tiện.
VKS đề nghị trái luật!
Tuy nhiên, việc VKS đề nghị phải cân nhắc mức án nặng hơn đối với tội “Cố ý làm trái” cũng như tăng mức bồi thường đối với Dương Chí Dũng khi so sánh vai trò của Dương Chí Dũng với Mai Văn Phúc bị nhiều LS, luật gia phản đối, không đồng tình. Các ý kiến chuyên gia cho rằng đề nghị trên của đại diện VKS là vượt quá yêu cầu mà Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, nghiêm trọng hơn là đề nghị đó trái pháp luật.
Luật sư phát biểu trong phiên tòa |
Bởi lẽ, phiên tòa phúc thẩm này nhằm xem xét kháng cáo kêu oan và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, giảm nhẹ mức bồi thường của các bị cáo. Các bị cáo, trong đó có Dương Chí Dũng, hoàn toàn không bị kháng cáo, kháng nghị tăng nặng hình phạt cũng như tăng nặng mức bồi thường.
Vậy nên theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo thì đại diện VKS chỉ có thể đề nghị giảm hoặc giữ nguyên mức hình phạt, HĐXX cũng chỉ tuyên giảm hoặc giữ nguyên mức hình phạt đối với các bị cáo mà thôi. Việc đề nghị tăng án như vậy là “ngoài luật”, vi phạm nguyên tắc có lợi cho bị cáo.
Việc VKS đề nghị y án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc thì không ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Bởi như Báo PLVN đã phân tích trong các bài trước, việc bồi thường khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ mới nhưng lại không phải là căn cứ duy nhất và mang tính quyết định khiến các bị cáo được giảm án tử hình.
Mà tình tiết quan trọng nhất có thể “cứu” Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc thoát “cửa tử” là các bị cáo phải thành khẩn nhận tội, ăn năn hối cải, nhận thức được sai lầm và quyết tâm phục thiện. Đáng tiếc rằng, điều này các bị cáo đã không làm…