Giò, chả:
Nếu không lựa chọn giò, chả cẩn thận, người tiêu dùng phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc hàn the. Đây là hóa chất thường được cho vào giò, chả mục đích tạo độ giòn, dai. Hàn the khi xâm nhập vào cơ thể với liều lượng cao sẽ gây ngộ độc cấp. Còn với liều lượng nhỏ, chúng sẽ tích tụ và gây ngộ độc gan, thận, rất nguy hiểm cho cơ thể.
Mọi người có thể căn cứ vào những tiêu chí sau để phân biệt giò có chứa hàn the hay không:
- Mặt giò cắt phải mịn và ướt, đôi chỗ trên mặt có vài rỗ xốp. Đó là do giò được làm từ thịt ngon, nghiền thịt cho độ quánh dẻo, bọc lớp không khí. Khi luộc hoặc hấp giò, không khí bục tạo ra mặt xốp. Giò lụa được gọi là ngon khi cắt ra có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt.
- Giò quá bở, không có mùi thơm, không có lỗ rỗ trên bề mặt thì tức là đã bị trộn với bột, còn nếu giò giòn, dai, mịn bất thường thì đã bị pha với hàn the trong khi chế biến.
- Mùi hương: Mùi giò ngon chỉ thoang thoảng, quyện với hương của lá gói. Nếu cắt miếng giò, thấy thơm lừng mùi giò, thì nên thận trọng, có thể chúng đã được tẩm hương thịt.
- Vị: Giò ngon, khi cắn, miếng không bị bở. Hương vị đặc trưng của giò còn ở cuống họng, sau khi nuốt. Giò khi ăn sẽ có vị thơm ngọt, giòn, mềm, không có cảm giác khô rắn, không bị bã.
Ngoài ra, muốn thử giò, chả có hàn the hay không, bạn có thể lấy miếng giấy nghệ (giấy thử ngâm nước nghệ tươi rồi phơi khô) ấn vào bề mặt sản phẩm. Sau một phút quan sát, nếu thấy giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang đỏ là thực phẩm có hàn the.
Măng khô:
Măng khô là món ăn hầu như có mặt trong mỗi mâm cỗ của nhiều gia đình trong dịp Tết. Tuy nhiên, trong măng khô chứa thành phần lưu huỳnh - thường được sử dụng trong quá trình sấy khô măng để chống ẩm mốc, tạo màu vàng đẹp cho măng hơn hoặc ngâm hóa chất tẩy trắng để làm cho sản phẩm măng trắng hơn nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Theo một số chuyên gia, măng khô không tẩm hóa chất có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày, khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được. Măng còn lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, không bị mốc.
Măng khô ngon là măng có màu vàng nhạt, xuất hiện màu hổ phách và có độ bóng. Măng còn lưu giữ mùi hương đặc trưng, bề thịt rộng dày, sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được. Nên chọn măng búp có màu đều nhau, đốt ngắn, không có xơ. Chọn nhiều phần ngọn vì khi nấu sẽ mềm và ngon hơn phần gốc.
Măng tẩm ướp lưu huỳnh có màu sắc quá bóng loáng hoặc quá xỉ màu, có mùi lạ (mùi hắc). Tránh mua măng xuất hiện các vết lốm đốm do mốc, măng cầm có cảm giác mềm hoặc bẻ gãy được.
Chỉ nên mua măng khô được bảo quản trong túi nilon có nhãn mác, có địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Miến khô:
Miến khô cũng là loại thực phẩm có thể chứa nhiều hóa chất gây nguy hại đến sức khỏe nhưng lại được sử dụng nhiều nhất. Miến khô có phẩm màu làm tổn thương gan, thận, thậm chí là ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Hầu hết trên thị trường, bột sắt để “nhuộm” miến có độ tinh khiết rất thấp, chứa nhiều kim loại độc như: chì, thủy ngân và những tạp chất độc hại khác. Những loại chất này khi vào cơ thể sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng như làm tổn thương gan, thận, thậm chí là ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Để chọn miến sạch cần lưu ý: Miến sạch có màu trắng đục hoặc xám đen và màu sắc đều nhau. Những sợi miến nguyên chất sẽ có độ quánh, thơm mùi của tinh bột, độ dài đều nhau, thẳng, sợi nhỏ, không bị dính sỏi sạn trong bó miến. Khi ngâm trong nước lạnh trước khi nấu, sợi miến mềm lại nhưng vẫn giữ được độ dai. Khi nấu lên, miến không bị nát.
Miến sạch sẽ giữ được hương vị của nguyên liệu làm ra miến ví dụ như miến làm từ dong, đậu xanh, khoai tây hay sắn mì,…
Còn miến ngâm, tẩy hóa chất trông như thế nào qua quá trình xử lí với hóa chất, miến bẩn có màu sắc vô cùng bắt mắt, vàng óng hoặc trắng tinh.
Vì đã ngâm qua chất tẩy rửa mạnh, miến có hình dáng bị vụn nát, khô giòn. Các sợi miến không đều, và dính vào nhau. Khi nấu miến bẩn, các sợi miến nhanh mềm nhũn ra, và không có độ dai, để lâu các sợi miến bết lại.
Về mùi vị, miến nhuộm màu hóa chất sẽ làm mất đi hương thơm tự nhiên của các nguyên liệu, thay vào đó là mùi của hóa phẩm hoặc là không có mùi.
Nguyên tắc ăn uống cần nhớ:
- Không nên ăn thức ăn từ những người bán hàng rong dù nó có vẻ rất bắt mắt và mùi vị hấp dẫn, hãy tự chế biến thức ăn để phục vụ bản thân trong những ngày Tết. Khi đi du lịch Tết, nếu được tự phục vụ, bạn hãy chọn những món đã được nấu chín hoặc còn ấm nóng.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm đã có dấu hiệu ôi thiu hoặc có mùi lạ. Nên chọn các loại thực phẩm đã được kiểm định. Tốt nhất là chọn các thực phẩm đã qua kiểm dịch của Bộ y tế hoặc ban ngành có liên quan. Với rau củ quả, nên đến các cửa hàng rau sạch, siêu thị mua, chọn rau quả còn nguyên, tươi, không bị hư thối.
- Duy trì thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn hoặc cầm nắm thức ăn. Người lớn cần đặc biệt nhắc nhở trẻ em chú ý đến việc này để phòng tránh ngộ độc và có kỳ nghỉ Tết khỏe mạnh.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu