Thực trạng thực phẩm ngày giáp Tết
Ngày 30/12, tại kho lạnh An Việt thuộc Khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 (Cục QLTT Hà Nội) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) phát hiện, thu giữ 25 tấn đùi gà tây Hàn Quốc có nhiều dấu hiệu nghi vấn, chảy nước hôi thối.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất được hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa. Trong đó, có 12 tấn hàng hóa đã hết hạn sử dụng từ ngày 9/3/2019, đang được cơ sở gia hạn thêm thời gian sử dụng đến ngày 1/3/2020. Lô hàng có giá trị khoảng 5 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, thu giữ toàn bộ số hàng, đồng thời tiếp tục điều tra, làm rõ xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Được biết, tại Việt Nam, một đùi gà tây hun khói Hàn Quốc đang được rao bán từ 200.000-250.000 đồng/đùi. Sản phẩm trên rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay, nhất là trong dịp Tết.
Cùng ngày 30/12, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Hà Nội đã phối hợp với Đội QLTT số 11 (Cục QLTT Hà Nội) phát hiện và tạm giữ 2 xe ô tô tải chở hàng thực phẩm đông lạnh có nhiều dấu hiệu nghi vấn trong sân siêu thị MM Mega Market trên đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều thùng hàng chứa nhiều tấn lưỡi vịt, trứng non và nầm lợn đông lạnh có tem nhãn Trung Quốc. Thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ của các mặt hàng này. Theo giá thị trường, 1kg lưỡi vịt có giá 450.000 đồng, 1kg trứng gà non có giá 300.000 đồng. Đây được coi là các loại đặc sản và có nhu cầu tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm.
Ông Nguyễn Thế Sơn, Đội trưởng Đội QLTT 11 cho biết, tại thời điểm kiểm tra những mặt hàng này bốc mùi hôi thối, ước tính có khoảng 5 tấn hàng trên 2 container. “Những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm, nếu để tuồn ra bên ngoài thì sẽ cực kỳ nguy hiểm do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), ông Sơn khẳng định.
An toàn thực phẩm ngày tết luôn là vấn đề được quan tâm |
Thời gian gần đây, tại Hà Nội lực lượng QLTT liên tiếp xử lý nhiều vụ thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc. Cụ thể, ngày 21/12, Đội QLTT số 11 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với lực lượng chức năng khác, thu giữ 300kg trứng non và hơn 900kg vịt đã thịt không đủ giấy tờ chứng minh đảm bảo vệ sinh ATTP, được tập kết tại 1 kho xưởng có nhiều tủ bảo ôn, có địa chỉ số 34 Đê Quai, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngày 20/12, Đội QLTT số 28 đã bắt giữ hơn 1 tấn đùi gà tây đông lạnh hôi thối, do một chủ căn nhà trọ ở phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) nhập về…
Theo ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục (QLTT Hà Nội. “Đến hẹn lại lên”, vào quý cuối năm, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất ATTP sẽ diễn biến phức tạp.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT, lực lượng QLTT đã tăng cường phối hợp với đơn vị chức năng liên quan, tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP, góp phần ngăn chặn một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc trà trộn trên thị trường.
Ngộ độc và cách xử lý
Nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý các đơn vị, cơ sở kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Việc người dân tự trang bị kiến thức và cố gắng từ bỏ tâm lý ham rẻ, thích màu sắc sặc sỡ, bắt mắt thì mới hạn chế cũng như dập tắt được tình trạng sản xuất, mua, bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Khi nhu cầu không còn thì nguồn cung ắt lụi tàn.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, vào dịp Tết, để thu hút người tiêu dùng, người sản xuất thường sử dụng phẩm màu để mứt, bánh kẹo có màu sắc sặc sỡ và tươi ngon.
PGS.TS Thịnh thông tin phẩm màu thường có hai loại, tự nhiên và hóa học. Với phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết xuất từ rau, củ quả trong tự nhiên, do đó để tạo màu cho sản phẩm cần sử dụng lượng lớn gây tốn kém về kinh tế. Trong khi đó phẩm màu hóa học lại chỉ tốn một lượng nhỏ đã tạo ra màu sặc sỡ, tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có 3 nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm hay gặp: Đó là thực phẩm bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng và các độc tố của chúng; thực phẩm có chứa nhiều chất phụ gia như hóa chất bảo quản, hóa chất tạo màu, tạo mùi, tạo vị, hóa chất chống sâu mọt... vượt ngưỡng quy định; thực phẩm tự nó có chứa độc chất (cá nóc, gan cóc, trứng cóc, vỏ sắn, nấm độc, lá ngón...) hoặc thực phẩm bị nhiễm độc các hóa chất do ô nhiễm môi trường như thức ăn và nước uống bị nhiễm chất độc như kim loại (asen, kẽm, chì...).
Vì tác nhân gây độc là đa dạng nên triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cũng khá đa dạng. Tùy vào loại nguyên nhân gây độc mà triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm sau vài giờ hoặc muộn trong một vài ngày.
Nhưng hầu hết các triệu chứng thường bắt đầu từ đường tiêu hóa. Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không..., xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng người bệnh có thể khó thở, da tím tái, co giật, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê.
Ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể xử trí ở nhà bằng cách cố gắng nôn hết thức ăn đã ăn, uống nước muối pha loãng theo tỷ lệ 2 muỗng muối/chén nước. Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng thì nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất trước khi quá muộn.
Cách chọn thực phẩm an toàn
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, khi lựa chọn mua thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn cần nhận diện thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ rõ ràng trên sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng trên nhãn.
Mặt khác, không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố vi nấm nguy hiểm... Nếu người tiêu dùng sau khi ăn có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời và báo cơ quan chức năng, địa phương về sản phẩm thực phẩm không an toàn để kiểm tra, xử lý theo quy định.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, việc quan trọng nhất là phải chọn mua được thực phẩm an toàn. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội lưu ý, người dân cần tránh mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin nhà phân phối, nhất là đối với bánh kẹo nhập khẩu.
Hãy tìm mua từ những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Với các loại rau, quả tươi phải giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không giập nát, không có mùi lạ. Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.
Ngoài vấn đề lựa chọn thực phẩm, ông Tụ cũng lưu ý, các thức ăn cần được nấu chín để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Đối với các thức ăn như rau sống cần phải rửa thật kỹ 2 - 3 lần trước khi ăn. Các loại vi khuẩn tiềm ẩn sẽ phát triển rất nhanh nếu thực phẩm không được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thích hợp. Ngoài ra, cần rửa tay sạch bằng xà phòng sát khuẩn trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.