1.700 tấn gạo bị Hoa Kỳ trả về
Tổng hợp thông tin cảnh báo từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xác nhận: Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016 đã có 95 container (tương đương hơn 1.700 tấn) gạo xuất khẩu bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao. Còn nếu tính từ năm 2012 đến tháng 8/2016 thì đã có tới 412 container với gần 10.000 tấn gạo của 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này bị trả về.
Theo VFA, qua kiểm tra của FDA trong sản phẩm gạo Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ có 8 hoạt chất vượt giới hạn cho phép. Các hoạt chất này đã làm cho các lô gạo của Việt Nam bị “từ chối” nhập cảnh để đến bàn ăn của người Mỹ.
Được biết, hiện khoảng 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn đang tham gia vào hệ thống thương mại xuất khẩu gạo. Một số chuyên gia lúa gạo cho rằng, do lâu nay quá tập trung vào phân khúc thị trường bình dân với gạo chất lượng thấp nên những năm gần đây, đặc biệt là năm 2016, rất nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo của các nhà xuất khẩu gạo trong nước đã bị trả về vì dính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gây thiệt hại rất lớn.
Có một nghịch lý hiện nay, trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã nhận thức được rằng phải sản xuất gạo chất lượng cao, cũng như xây dựng được thương hiệu gạo thì mới có cơ hội nắm giữ, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, ở khâu sản xuất, nông dân lại vẫn đang thích trồng những giống lúa chất lượng thấp với khả năng chống chịu sâu bệnh, chất lượng hạt gạo làm ra còn nhiều hạn chế.
Theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực này, thực trạng này đang khiến xuất khẩu gạo Việt Nam mặc dù là “cường quốc” nhưng vẫn đang loay hoay hướng tới những thị trường dễ tính như châu Phi, Trung Quốc; còn đối với những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ thì gặp vô vàn khó khăn, hầu như chưa thể chinh phục.
Hướng tới 1 tiêu chuẩn
Theo VFA, trong sản phẩm gạo Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ có 8 hoạt chất vượt giới hạn cho phép. Đáng chú ý, 8 hoạt chất này lại nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Tức là gạo xuất khẩu của chúng ta mặc dù đáp ứng đúng tiêu chuẩn của Việt Nam nhưng lại không đáp ứng đúng tiêu chuẩn của nước bạn.
Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT mới đây, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo thống kê của hệ thống kiểm dịch thực vật trên toàn quốc vừa qua có 29 lô gạo xuất khẩu bị Hoa Kỳ trả về. Hầu hết số gạo bị trả về vi phạm quy cách đóng gói hoặc doanh nghiệp vi phạm hợp đồng đã ký kết. Chỉ có 6/29 lô hàng bị trả về do chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Cục trưởng Trung, điều này không có nghĩa là gạo xuất khẩu sang Hoa Kỳ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Bởi ở Hoa Kỳ, có một số hoạt chất bảo vệ thực vật chưa được xây dựng quy định về mức tồn dư tối đa cho phép là bao nhiêu nên chỉ cần phát hiện hàng nhập khẩu có tồn dư dù ít hay nhiều là họ trả lại.
Để giải quyết vấn đề này, ông Trung cho biết, vừa qua Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và đoàn công tác đã sang Hoa Kỳ làm việc và thu được những kết quả tích cực. Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp với một số cơ quan của Hoa Kỳ triển khai xây dựng quy định về lượng tồn dư tối đa của một số hoạt chất bảo vệ thực vật chính trên gạo mà Hoa Kỳ chưa có.
“Với một số hoạt chất được phép sử dụng tại Việt Nam mà không có trong quy định của Hoa Kỳ, Cục Bảo vệ thực vật sẽ hướng dẫn để người dân hạn chế tối đa, thậm chí không sử dụng nữa, tránh tái diễn tình trạng hàng xuất khẩu bị trả về”, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật khẳng định.
Ông Trung khuyến cáo, với thị trường Hoa Kỳ nói riêng và với thị trường xuất khẩu gạo nói chung, các doanh nghiệp nên thận trọng đem mẫu tới các phòng kiểm nghiệm, kiểm định đủ năng lực để kiểm tra xem còn hoạt chất bảo vệ thực vật nào tồn dư trong gạo với mức độ bao nhiêu, có được thị trường xuất khẩu chấp nhận không trước khi xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo suy giảm
Theo Bộ NN&PTNT, sang tháng 10, xuất khẩu gạo giảm cả về lượng và giá trị xuất khẩu so với tháng 9/2016, cụ thể gạo giảm 23,7% và 23,8% . Còn tính trong 10 tháng năm 2016, lượng gạo xuất khẩu cũng chỉ ước đạt 4,2 triệu tấn với kim ngạch 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% khối lượng và giảm 16,9% giá trị so với cùng kỳ năm 2015.