Tuy nhiên, còn 176 DN chưa thống nhất phương án bàn giao, theo phân công, Bộ KH&ĐT sẽ có ý kiến, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có văn bản cuối cùng của Bộ này…
3 tháng mới bán vốn được 7 doanh nghiệp
Thông tin đưa ra tại buổi họp báo về hoạt động kinh doanh quý I của SCIC cho biết, ước tính quý I/2017, doanh thu của SCIC đạt 639 tỷ đồng, bằng 22% so với cùng kỳ năm 2016 và bằng 6% kế hoạch Hội đồng thành viên (HĐTV) (tạm tính). Lợi nhuận trước thuế ước đạt 584 tỷ đồng, bằng 7% kế hoạch năm 2017 (tạm tính) và bằng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế đạt 503 tỷ, bằng 29% so với cùng kỳ năm 2016.
Liên quan đến công tác bán vốn nhà nước tại DN, báo cáo của SCIC cho biết, trong quý I, SCIC đã thực hiện bán vốn nhà nước tại 7 DN với giá vốn là 37 tỷ đồng và giá trị thu được là 44 tỷ đồng, bằng 1,2 lần giá vốn. So với số lượng DN SCIC dự kiến bán vốn trong năm nay là 107 DN thì trong 3 quý còn lại trong năm, SCIC sẽ phải bán vốn tại 100 DN…
“Đây là thách thức rất lớn bởi trong số đó có nhiều DN vốn nhỏ, khó bán, bán mà không ai mua mặc dù phía cơ quan chức năng đã làm mọi cách để thoái vốn…”- ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) SCIC chia sẻ.
Với 107 DN bán vốn trong năm nay, Chủ tịch HĐTV SCIC tính toán, có tới gần 80% trong số này là khó bán.
Chia sẻ về việc sẽ có 100 DN sẽ tiến hành bán vốn từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng Giám đốc SCIC cho biết, việc bán vốn hàng năm của SCIC thường sẽ đẩy mạnh vào quý III, IV, do quý I các DN thường tiến hành Đại hội đồng cổ đồng, lúc đó mới có báo cáo kiểm toán.
Báo cáo của SCIC cũng cho biết, đến nay, danh mục DN của SCIC có 144 DN với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 18.098 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 87.991 tỷ đồng. Trong đó có 22 DN nhóm A1 với tỉ trọng vốn nhà nước là 60,4%, 13 DN nhóm A2 với tỉ trọng vốn nhà nước là 6,3%, 33 DN nhóm B1 chiếm tỉ trọng vốn nhà nước là 26,5%, và 76 DN nhóm B2 chiếm tỉ trọng vốn nhà nước là 6,8%.
Ì ạch bàn giao vốn
Liên quan đến công tác nhận chuyển giao vốn nhà nước từ các DNNN đã cổ phẩn hóa, Phó Tổng Giám đốc SCIC, ông Nguyễn Hồng Hiển cho biết, trong quý I SCIC đã tiếp nhận vốn của 4 DN, với vốn nhà nước là 273 tỷ đồng.
Tại hội thảo đó, các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương cũng nêu lên một số vướng mắc trong quá trình chuyển giao như quyết toán vốn lần 2 tại DN, DN có hoạt động đặc thù…, nên họ đề nghị giữ lại. Sau hội thảo CIEM hoàn thiện tờ trình lên Bộ KH&ĐT về hướng tiếp theo cho hoạt động chuyển giao nhưng đến nay Bộ KH&ĐT vẫn chưa có ý kiến cuối cùng (theo phân công, Bộ KH&ĐT là cơ quan tham mưu, đề xuất trình Chính phủ về việc chuyển giao DN).
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Hiển cũng cho biết, trong tổng số 61 DN mà SCIC đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương và thống nhất phương án chuyển giao, hiện SCIC đã nhận chuyển giao vốn của 15 DN, còn 46 DN nữa chưa chuyển giao mặc dù tại Văn bản 2225/Ttg-ĐMDN ngày 12/12/2016. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan chuyển giao vốn nhà nước về SCIC đúng quy định trước 31/3/ 2017.
Đối với 176 DN các bộ, ngành, địa phương đề nghị xem xét lại việc chuyển giao, SCIC vẫn đang chờ văn bản cuối cùng của Bộ KH&ĐT. “Công việc mà Bộ KH&ĐT làm chính là xem xét lại 176 DN này, xem DN nào phải chuyển vốn nhà nước về về SCIC và DN nào Bộ KH&ĐT tham mưu giữ lại…”- ông Hiển giải thích.
Chủ tịch HĐTV SCIC, ông Nguyễn Đức Chi cho rằng, với việc chuyển giao vốn nhà nước về SCIC thì SCIC đã rất cố gắng, rất có trách nhiệm nhưng SCIC cũng chỉ là một DN. “SCIC đã báo cáo các bộ, ngành, UBND các địa phương để đề nghị thực hiện quy định pháp luật về chuyển giao. Thực tế thì kết quả từ năm 2011 đến nay. SCIC mới nhận chuyển giao vốn nhà nước của 94 DN có phần vốn lớn, nhỏ khác nhau với vốn nhà nước khoảng 2.700 tỷ đồng. Đây là số vốn rất nhỏ, chưa xứng với cái tên vẫn được báo chí gọi là “siêu” tổng công ty…”- ông Chi giải bày…