Trình bày Báo cáo trên, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 3 của QH, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận 2.868 kiến nghị cử tri từ 63 Đoàn đại biểu QH các tỉnh, thành phố. Sau khi tổng hợp, phân loại các kiến nghị trùng nội dung, các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, còn 2.458 kiến nghị.
Trong đó, có 139 kiến nghị (chiếm 6,2%) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan của QH; có 2.284 kiến nghị (chiếm 92,3%) thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành; 17 kiến nghị (chiếm 0,8%) thuộc thẩm quyền giải quyết của TANDTC, VKSNDTC và 18 kiến nghị (chiếm 0,8%) thuộc thẩm quyền giải quyết của các tổ chức chính trị -xã hội. Nội dung kiến nghị đề cập đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, từ chủ trương chính sách của Đảng đến những vấn đề đời sống hàng ngày của người dân.
Cũng theo Trưởng ban Dân nguyện, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã trả lời 2.284/2.284 kiến nghị (đạt 100%). Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của cử tri làm cơ sở pháp lý quan trọng xác định trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, khắc phục được tình trạng né tránh, đùn đẩy việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, làm cơ sở cho việc giải quyết hiệu quả kiến nghị của cử tri các kỳ tiếp theo.
“Có một số vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị qua nhiều kỳ họp QH, như cải cách thủ tục hành chính, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt, tăng cường kiểm tra việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương; khắc phục tình trạng kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo giữa các bộ, ngành và yêu cầu đến tháng 6/2018 phải cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính”, bà Hải nói.
Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong giải quyết kiến nghị của cử tri. Số lượng kiến nghị qua các kỳ họp QH chưa được giải quyết dứt điểm còn nhiều (570 kiến nghị), và có xu hướng tăng thêm hàng năm; số kiến nghị chưa xác định lộ trình, thời hạn giải quyết chiếm đa số (407/570 kiến nghị); trong đó có nhiều kiến nghị nếu thực sự nỗ lực thì có thể nêu rõ lộ trình giải quyết, nhưng một số bộ lại chưa thực hiện theo quy định.
Việc giải quyết kiến nghị của cử tri về đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí vẫn còn bất cập; việc tiếp công dân, công khai lịch tiếp công dân của cơ quan và người đứng đầu cơ quan vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện tượng người đứng đầu cơ quan ủy quyền, giao cấp phó tiếp thay vẫn còn nhiều. Đặc biệt, một số công chức có biểu hiện lạm quyền, quan liêu, vô cảm, gây bất bình trong nhân dân, điển hình như vụ việc xin cấp giấy chứng tử, đến việc chứng thực lý lịch để hoàn thiện hồ sơ nhập học, xin việc làm...
Sẽ xem xét miễn nhiệm Tổng Thanh tra Chính phủ
Tại phiên họp khai mạc, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo kế hoạch tại Kỳ họp thứ 4 tới đây, QH dự kiến sẽ xem xét về nhân sự lãnh đạo cấp cao.
Theo dự kiến, QH sẽ tiến hành miễn nhiệm chức danh Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu và Bộ trưởng Bộ GTVT đối với Trương Quang Nghĩa (người vừa được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng). Sau khi miễn nhiệm hai chức danh trên, Chính phủ sẽ trình phương án nhân sự mới để QH phê chuẩn.