Ở kỳ trước, Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải 5 sự kiện tiêu biểu về tiêu dùng trong năm 2015. Đó là: Con ruồi trong chai nước ngọt Number One, thuốc kém chất lượng, chất cấm hoành hành trong chăn nuôi, vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, ám ảnh về "tảng băng thực phẩm bẩn" … Dưới đây là 5 sự kiện tiêu biểu còn lại:
6. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái
Tại hội thảo cập nhật tình hình phòng chống hàng nhái, hàng giả dịp tết vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Lê Thế Bảo, chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN (VATAP), cho rằng nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm đang là vấn nạn của đất nước.
Thống kê của VATAP cho thấy VN hiện có hơn 31 ngành hàng bị làm giả, trong đó đầu bảng là mỹ phẩm với tốc độ làm giả rất nhanh, sản phẩm có mặt trên thị trường sau một tháng sẽ có hàng giả ở chợ.
PGS.TS Đàm Thanh Thế cho rằng không chỉ trong nước mà ở nước ngoài cũng sản xuất hàng giả, hàng nhái gắn mác VN rồi tuồn hàng về VN tiêu thụ.
Theo các chuyên gia, việc xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái chủ yếu bằng chế tài hành chính nên chưa đủ sức răn đe.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng để ngăn ngừa các hành vi vi phạm này, cần phải áp dụng thêm chế tài hình sự, xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
7. Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam lên cao nhất châu Á
Theo công bố của Ngân hàng ANZ ngày 23/12, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam ANZ-Roy Morgan tăng 2,5 điểm trong tháng 12/2014, đạt 144,8 điểm. Đây là mức cao kỷ lục, cũng là lần đầu tiên chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam đạt mức cao nhất trong khu vực châu Á. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tháng 12 cao hơn nhiều so với mức trung bình 2 năm qua (136,6 điểm), và cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước (135,6 điểm).
Cụ thể, xét về tình hình tài chính cá nhân, 35% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát cho rằng tình hình tài chính gia đình họ hiện “tốt hơn” so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, 14% (tăng 3%) người tiêu dùng cho biết tình hình tài chính gia đình họ “xấu đi”. Có 59% (tăng 3%) người tiêu dùng kỳ vọng rằng tình hình tài chính gia đình họ sẽ “tốt hơn” vào thời điểm này năm tới.
|
Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam lên cao nhất châu Á. |
Ngược lại, chỉ có 4% (tăng 1%) người tiêu dùng dự đoán tình hình tài chính gia đình họ sẽ “xấu đi”. Xét về tình hình kinh tế nói chung, 61% (tăng mạnh 6%) người tiêu dùng Việt Nam dược khảo sát cho rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong vòng 12 tháng tới.
Ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ cho biết cả 5 câu hỏi chính của cuộc khảo sát trong tháng 12 đều cho thấy niềm tin được cải thiện mạnh mẽ hơn hẳn tháng 11, nhưng kết quả đáng khích lệ nhất là ở các câu hỏi xét về nền kinh tế nói chung và triển vọng tài chính dài hạn. “Kết quả này cho chúng tôi niềm tin chắc chắn rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển vượt trội ở châu Á trong giai đoạn 2016 - 2017” - ông Glenn Maguire khẳng định.
8. Thị trường vàng bình lặng
Những ngày cuối tháng 12, giá vàng có thời điểm "rơi" xuống dưới 33 triệu đồng/lượng (ngày 24/12, giá vàng mua vào phổ biến ở mức 32,78 triệu đồng/lượng - bán ra 33,1 triệu đồng/lượng), mức thấp của thứ hàng hóa đặc biệt này trong mấy năm gần đây.
Đi ngang hoặc giảm nhẹ trong suốt thời gian dài khiến vàng không còn là sự lựa chọn số 1 để "lướt sóng". Cảnh tượng người dân xếp hàng dài trước những cửa hàng vàng để mong mua được vàng cũng không còn xảy ra, ngoại trừ ngày Thần tài dịp đầu năm, thời điểm mọi người muốn mua vàng để cầu may.
Nhìn lại một năm qua, dễ dàng nhận thấy, đường đi của giá vàng khá bằng phẳng, không có đột biến. Liệu pháp "độc quyền vàng" với ưu thế dành cho vàng SJC, cùng với quyết định để cho thị trường vàng hoạt động theo quy luật thị trường được đánh giá là biện pháp mạnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để "nắn" thị trường này đi đúng hướng hơn.
|
Đi ngang hoặc giảm nhẹ trong suốt thời gian dài khiến vàng không còn là sự lựa chọn số 1 để "lướt sóng". |
Từ vị trí "độc tôn", mọi giá trị hàng hóa đều được quy ra vàng, đến nay vàng đã mất dần ưu thế, trở thành một loại hàng hóa bình thường như nhiều loại hàng hóa khác. Không còn "ngày đen tối", không còn những "cơn rung lắc" vì vàng, người dân đã nhìn vàng với con mắt bình thản hơn. Nếu trước đây, người ta bán nhà cũng quy ra "cây vàng", mọi tài sản có giá trị đều được so sánh với vàng, thì nay vàng đã không còn là loại "tiền tệ" đặc biệt để quy đổi.
Từng có thời điểm đạt 48 triệu đồng/lượng, giá vàng "leo thang" với tốc độ chóng mặt đến mức nhiều người lo ngại giá vàng sẽ không có cơ hội "rơi". Nhưng, thực tế cũng khó có thể đoán trước tương lai của vàng. Cũng giống nhiều kênh đầu tư khác, vàng cũng phải trải qua thời kỳ của đồ thị hình sin, tăng nhanh rồi lại "lao dốc". Sau thời kỳ "đen tối" của vàng khiến nhà nhà mua vàng, người người buôn vàng, giờ đây giá vàng đã xuống mức thấp.
Nếu mua để "găm" khi giá vàng trên mức 40 triệu đồng/lượng, thời điểm này nhà đầu tư phải "ngậm ngùi" mất khoảng 7 triệu đồng/lượng. Giá vàng cũng được coi là bức tranh tương đối chân thực phản ánh sức khỏe của nền kinh tế.
Khi nền kinh tế có dấu hiệu "mệt mỏi", giới đầu tư đổ tiền vào vàng để tìm nơi tránh "bão" khủng hoảng, nên vàng sẽ được ưu tiên trong danh mục đầu tư, kéo giá vàng lên cao, nhưng ngược lại, nếu nền kinh tế hồi phục, người ta sẽ không "trú" ở vàng mà tìm đến các kênh khác như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ... khiến vàng "rớt" giá.
Theo lãnh đạo NHNN, năm qua thị trường vàng trong nước diễn biến ổn định, cung - cầu trên thị trường tương đối cân bằng, giá vàng trong nước không còn bị tác động bởi các nhân tố như sự biến động của giá vàng thế giới và biến động tăng của tỷ giá USD/VND.
Mặc dù thị trường thế giới có những thời điểm biến động đột biến nhưng thị trường vàng trong nước vẫn cơ bản ổn định, cung cầu trên thị trường cân bằng. Thị trường vàng tự điều tiết theo quy luật cung cầu, NHNN không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp, bình ổn thị trường vàng miếng, tình trạng vàng hóa tiếp tục được ngăn chặn, góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô.
9. Tỷ giá 2015 : Diễn biến đầy bất ngờ
Ngay sau khi đưa ra mục tiêu điều hành tỷ giá tăng không quá 2% trong năm 2015, ngày 7/1/2015, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND 1%, từ mức 21.246 đồng/1USD lên 21.458 đồng/1USD, biên độ không thay đổi so với năm 2014 ở mức +/-1%. Tại thời điểm đó, việc tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang do thời điểm cận Tết nguyên đán nhu cầu ngoại tệ tăng cao.
Trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng liên tục và nhập siêu có dấu hiệu tăng trở lại, 4 tháng sau đó, ngày 7/5/2015, NHNN quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, từ mức 21.458 đồng/USD lên 21.673 đồng/USD. Như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm, NHNN đã điều chỉnh tăng hết biên độ 2% cho cả năm.
|
Tỷ giá 2015 diễn biến đầy bất ngờ. |
Dưới sức ép phá giá đồng Nhân dân tệ kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam, ngày 12/8/2015, NHNN đã điều chỉnh nâng biên độ tỷ giá USD/VND từ +/-1% lên +/-2%, theo đó giá mua bán USD của các ngân hàng có thể biến động trong phạm vi từ 21.240 đồng/USD (sàn) đến 22.106 đồng/USD (trần).
Tuy nhiên, trước bối cảnh đồng Nhân dân tệ tiếp tục phá giá mạnh, ngày 19/8, NHNN đã quyết định điều chỉnh kép tăng tỷ giá thêm 1% lên mức 21.890 VND/USD và nới biên độ từ +/-2% lên +/-3%, theo đó giá mua bán USD của các ngân hàng có thể biến động trong phạm vi từ 21.233 đồng/USD (sàn) đến 22.547 đồng/USD (sàn).
Lý giải cho động thái này, NHNN viện dẫn lý do nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Với tỷ giá bán tại thời điểm ngày 24/12 là 22.547 đồng/1USD, đồng Việt Nam đã chính thức mất giá 5,34% so với thời điểm đầu năm và vượt 3,34% so với mục tiêu đề ra của NHNN.
10. Giá xăng giảm lần thứ 5 liên tiếp
Kể từ 15h chiều 18/12, giá xăng RON 92 sẽ được điều chỉnh giảm 391 đồng/lít, về mức giá không quá không quá 16.405 đồng trên mỗi lít xăng.
|
Giá xăng giảm lần thứ 5 liên tiếp. |
Đây là lần thứ 5 liên tiếp giá xăng đã được điều chỉnh giảm. Từ giữa tháng 6 đến đợt điều chỉnh này, xăng RON 92 đã giảm giá 10 lần, tổng cộng khoảng 4,618 đồng/lít. Trước đó, trong lần điều chỉnh gần nhất (3/12), cơ quan điều hành giá đã quyết định giảm giá bán 258 đồng/lít về mức không cao hơn 16.796 đồng/lít.
Mặc dù các bộ ngành đã có động thái yêu cầu phải giảm giá cước vận tải, nhưng ngay cả khi giá xăng dầu giảm mạnh, các doanh nghiệp vẫn chưa hề công bố kế hoạch giảm giá. Đến thời điểm này họ “bình chân như vại”./.