Đối với các xe dưới 175cm3, do số lượng rất lớn nên lộ trình triển khai ít nhất 5 năm (2020-2025). Hiện Cục Đăng kiểm đưa ra 3 phương án kiểm soát khí thải với loại phương tiện này.
Phương án 1: Từ ngày 1/7/2018, kiểm tra khí thải đối với xe từ 175cm3 trở lên ngay tại các trung tâm đăng kiểm ô tô. Ước tính có khoảng 15.200 xe loại này.
Phương án 2: Chia đối tượng kiểm tra theo tuổi sử dụng xe. Trước tiên, các xe cũ trên 15 năm sử dụng (từ ngày 1/7/2020, khoảng 6 triệu xe); sau đó đến các xe có niên hạn 10 năm (từ ngày 1/7/2022, khoảng 4 triệu xe), 5 năm (từ ngày 1/7/2025, ước tính có khoảng 12 triệu xe).
Phương án 3: Từ ngày 1/7/2020, sẽ kiểm tra xe từ 130cm3 trở lên; từ ngày 1/7/2022, bắt đầu kiểm tra xe từ 105cm3 trở lên; từ ngày 1/7/2025, kiểm tra đối với tất cả xe máy thuộc đối tượng quy định.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lộ trình được đưa ra bởi tính đến hết năm 2015, cả nước có 49 triệu xe cơ giới được đăng ký, trong đó xe máy chiếm 95% (tương đương 46,5 triệu chiếc). Riêng 2 thành phố lớn Hà Nội và
TP HCM, xe máy chiếm khoảng 25% lượng xe cả nước; thải ra 94% hydro carbon, 87% carbon, 57% ôxit nitơ trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Vì vậy, Hà Nội và TP HCM sẽ là hai thành phố tiên phong áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với môtô, xe máy. Sau đó, phương pháp này sẽ được áp dụng rộng rãi tại nhiều thành phố khác trong cả nước.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thêm sẽ kiểm tra xe lưu thông từ 15 năm; rồi đến xe 10 năm và 5 năm trở lên, thời hạn kiểm tra 2 năm/lần. Dự kiến, phí kiểm định từ 100.000 - 150.000 đồng/xe.
Muộn nhất đến năm 2025 sẽ áp dụng đối với tất cả mô tô, xe máy (trừ xe máy của công an, quân đội, xe dùng cho người khuyết tật). Riêng đối với xe trong 5 năm đầu sẽ không bị kiểm tra bởi xe đã được kiểm tra lần đầu khi xuất xưởng hoặc nhập khẩu và được hưởng chế độ bảo hành, bảo dưỡng của nhà sản xuất.
Theo thống kê, 70-90% ô nhiễm không khí đô thị xuất phát từ các hoạt động giao thông mà xe máy là chủ yếu.