Những trận động đất kinh hoàng trên thế giới

Những trận động đất kinh hoàng trên thế giới
(PLO) - Ngày 7/12/2016, một trận động đất mạnh có cường độ 6,4 độ Richter với tâm chấn nằm ở độ sâu 17,16km đã xảy ra tại tỉnh Aceh, phía Bắc Sumatra của Indonesia. 

Người phát ngôn Cơ quan Thảm họa Quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho thông báo tính tới thời điểm này, đã có ít nhất 97 người thiệt mạng, 613 người bị thương và con số này có thể còn tăng cao. Nhiều tòa nhà, đền thờ, cửa hiệu và công trình hạ tầng cũng bị san phẳng hoàn toàn. 

Trận động đất xảy ra vào sáng sớm, khi người dân theo đạo Hồi đang chuẩn bị cho buổi cầu nguyện sáng. Theo giới chức Indonesia, ít nhất 5 dư chấn đã xảy ra trong vòng vài giờ sau trận động đất ban đầu và hiện chưa có cảnh báo sóng thần. 

“Vành đai lửa”

Ông Apriadi Achmad, người đứng đầu đơn vị khẩn cấp thuộc cơ quan cứu hộ thiên tai quận Pidie Jaya cho biết, quân đội, cảnh sát đã phối hợp với lực lượng cứu hộ và nhiều tình nguyện viên tham gia công tác cứu hộ với hy vọng có thể phát hiện và cứu được những người đang bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Nhiều máy móc hạng nặng được đưa đến hiện trường để hỗ trợ việc sơ tán người dân. 

Indonesia thường xuyên phải hứng chịu động đất và núi lửa vì nằm ở “Vành đai Lửa” Thái Bình Dương. Theo nguồn tin quân đội và cứu hộ Indonesia, số người thiệt mạng đã tăng lên ít nhất 97 người, trong khi số người bị thương là 613 người.

Phát biểu với báo giới, Thiếu tướng Tatang Sulaiman, Chỉ huy quân sự Bộ Tư lệnh Iskandar Muda, cho biết lực lượng tìm kiếm và cứu hộ đã tìm thấy thêm nhiều thi thể trong vài giờ đồng hồ qua, nâng tổng số người thiệt mạng do trận động đất lên 97 người. Hiện có khoảng 1.050 binh sĩ quân đội, 900 cảnh sát, nhân viên của cơ quan giám sát thảm họa địa phương cũng như nhiều tình nguyện viên đang tham gia chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ. Tin cho biết hàng chục người vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Những trận kinh hoàng

Trong lịch sử, đã từng xảy ra những trận động đất khủng khiếp. Cách đây  gần 150 năm, ngày 13/8/1868, một trận động đất mạnh 9 độ Richter xảy ra ở tỉnh Arica, Peru, phá hủy toàn bộ thành phố Arequipa khiến 25.000 người thiệt mạng. Sau cơn địa chấn, những đợt sóng thần cao 16 m đã ập vào bờ biển. Ngày 28/12/1908, trận động đất mạnh 7,5 độ Richter kéo theo sóng thần cao 12 m xảy ra ở dải Messina ngăn cách Sicily và Calabria của Italy khiến 80.000 người thiệt mạng và hàng chục thị trấn bị phá hủy. 

15 năm sau, ngày 1/9/1923, một trận động đất mạnh 7,9 độ Richter làm rung chuyển toàn bộ khu vực Tokyo - Yokohama, Nhật Bản. Rung chấn khiến hầu hết các tòa nhà sụp đổ và kéo theo một cơn sóng thần cao 12 m. Một loạt trận hỏa hoạn diễn ra sau vụ động đất khiến 90% các tòa nhà của 

Yokohama bị hư hỏng nặng, khoảng 2/5 thành phố Tokyo bị phá hủy, một nửa dân số bị mất nhà cửa và khiến 143.000 người thiệt mạng. 

Ngày 31/5/1970, trận động mạnh 7,9 độ Richter xảy ra tại thị trấn ven biển Chimbote của Peru, cướp đi sinh mạng của 70.000 người và khiến 800.000 người dân mất nhà cửa. Các trận lở đất cùng với các mảnh vỡ lao xuống với tốc độ 320 km/h từ ngọn núi Navado Huascaran phá hủy toàn bộ các làng mạc quanh đó. 

Ngày 28/7/1976, thành phố Đường Sơn, Đông Bắc Trung Quốc đã phút chốc trở thành một đống đổ nát khổng lồ sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter, khiến 500.000 người thiệt mạng. Đây được coi là trận động đất kép bởi cơn dư chấn xảy ra 16 tiếng sau cơn rung chuyển đầu tiên cũng mạnh 7,8 độ Richter. Ngày 21/9/1999, xảy ra trận động đất mạnh 7,3 độ Richter ở phía Nam vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) khiến 2.400 người thiệt mạng. Ngày 26/1/2001, tại bang Gujarat, Tây Bắc Ấn Độ xảy ra trận động đất với cường độ mạnh 7,9 độ Richter, làm 20.000 người thiệt mạng, hơn 500 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn, các hệ thống cung cấp điện và điện thoại bị phá hủy trên diện rộng. 

Sóng thần khủng khiếp

Ngày 26/12/2004, một trận động đất mạnh 9,2 độ Richter làm rung chuyển đáy biển Ấn Độ Dương. Cơn địa chấn bắt đầu ở ngoài khơi bờ biển phía Tây miền Bắc đảo Sumatra, Indonesia đã tạo ra một cơn sóng thần khủng khiếp, với những con sóng khổng lồ cao 15 m, tràn vào bờ biển của Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan và 9 quốc gia khác.

Hàng trăm người bị sóng cuốn ra biển trong khi những người khác chết chìm trong các ngôi nhà. Con số thiệt mạng chính thức được báo cáo là gần 227.900 người, trong đó riêng tại tỉnh Aceh của Indonesia số người thiệt mạng là hơn 120.000 người. Đây là một thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại về người lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. 

Ngày 8/10/2005, trận động đất 7,6 độ Richter làm rung chuyển miền Bắc Pakistan và khu vực tranh chấp Kashmir, cướp đi mạng sống của 79.000 người và khiến 3,5 triệu người mất nhà cửa. Hai năm sau, ngày 15/8/2007, một trận động đất lớn xảy ra ở khu vực duyên hải miền Trung Peru, cướp đi mạng sống của 600 người. 

Ngày 12/5/2008, tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc xảy một trận động đất mạnh 7,9 độ Richter, cướp đi sinh mạng của 87.000 người và khiến 10 triệu người mất nhà cửa. Thảm họa động đất đã phá hủy hàng triệu công trình dân sinh và xã hội, gây ra thiệt hại ước tính 86 tỷ USD. Một năm sau, ngày 6/4/2009, một trận động đất mạnh 6,3 độ Richte xảy ra ở khu vực Aquila, Italy cướp đi sinh mạng của 300 người. 

Ngày 27/2/2010, một trận động đất mạnh 8,8 độ Richter xảy ra ở miền Trung Chile và gây ra các đợt sóng thần. Trận động đất đã cướp đi sinh mạng của 800 người và khiến 1,5 triệu ngôi nhà bị hư hại. Ước tính thiệt hại vật chất trong thảm họa này lên đến 30 tỷ USD. 

Ngày 25/10/2010, một trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra với tâm chấn sâu 10 km dưới đáy biển và cách khu vực đảo Mentawai thuộc tỉnh Tây Sumatra, Indonesia đã gây ra sóng thần làm 300 người thiệt mạng và 400 người mất tích, 6 ngôi làng bị san phẳng, 25.426 ngôi nhà bị hư hỏng nặng và 4.000 người bị mất nhà cửa. 

Ngày 11/3/2011, tại miền Bắc Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo, xảy ra một trận động đất có cường độ 9 độ Richter, với vùng tâm chấn dài khoảng 500km và rộng 200km. Trận động đất đã gây ra hỏa hoạn, lở đất, sóng thần ở nhiều nơi, làm nổ 3 lò phản ứng và cháy 1 lò phản ứng tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1, gây rò rỉ phóng xạ khiến nước Nhật phải đối mặt với thảm họa hạt nhân chưa từng có.

Đây là thảm họa lớn nhất tại Nhật Bản trong vòng 140 năm qua. Trận động đất và sóng thần kinh hoàng này đã cướp đi sinh mạng của 15.854 người và 3.271 người mất tích. Số người bị thương là 2.383 và số người bị nhiễm phóng xạ là 190 người. Khoảng 100.300 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại một phần do động đất và sóng thần. 

Ngày 3/8/2014, trận động đất mạnh 6,5 độ Richter xảy ra tại thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, làm 367 người thiệt mạng và 1.881 người bị thương, phá hủy và làm hư hại 42.000 ngôi nhà, phong tỏa giao thông, cắt điện và ngắt liên lạc viễn thông tại huyện Lỗ Điện. 

Ngày 25/4/2015 xảy ra trận động đất mạnh 7,9 độ Richter tại Nepal, với những đợt rung chấn mạnh ở khắp nước này và ảnh hưởng đến các nước láng giềng như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Pakistan, làm 3.200 người thiệt mạng và 6.500 người bị thương. Động đất đã làm sụp đổ nhiều tòa nhà, nhiều ngôi đền và các công trình kiến trúc cổ ở thủ đô Kathmandu và nhiều địa phương của Nepal. Đây được xem là trận động đất mạnh nhất ở Nepal trong hơn 80 năm qua. 

Ngày 6/2/2016, một trận động đất mạnh 6,7 độ Richter xảy ra ở phía Nam, cách thành phố Cao Hùng của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) 39 km khiến 116 người thiệt mạng và 550 người bị thương. Hai tháng sau, ngày 16/4/2016, một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra tại khu vực Tây Bắc Ecuador, làm 650 người thiệt mạng, trong đó có 27 người nước ngoài, và 16.600 người bị thương. Đặc biệt, có tới 150.000 trẻ em là nạn nhân của thảm họa thiên tai này. Ước tính thiệt hại lên đến 3 tỷ USD và có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Ecuador giảm từ 2 đến 3%. Đây được coi là trận động đất tồi tệ nhất trong gần 70 năm qua tại quốc gia Nam Mỹ này. 

Ngày 14/8/2016, tại khu vực Arequipa, miền Nam Peru, xảy ra trận động đất mạnh 7,9 độ Richter với tâm chấn cách thành phố Chivay, thủ phủ tỉnh Caylloma 10km khiến 337 người thiệt mạng và 1.000 người bị thương. 

Gần đây nhất, ngày 24/8/2016, một trận động đất mạnh 6,2 độ Richte xảy ra tại miền Trung Italy, cách thành phố Perugia 47 km về phía Đông Nam với tâm chấn ở độ sâu 10 km khiến 298 người thiệt mạng và 368 người bị thương. Trận động đất mạnh cũng làm hàng chục tòa nhà bị đổ sập và hàng chục ngôi làng bị tàn phá.

Một vài hình ảnh khủng khiếp sau các trận động đất trên thế giới

Động đất hay địa chấn là sự rung chuyển của mặt đất do kết quả của sự giải phóng năng lượng bất ngờ ở lớp vỏ Trái Đất. Nó cũng xảy ra ở các hành tinh có cấu tạo với lớp vỏ ngoài rắn như Trái Đất. 

Động đất xảy ra hàng ngày trên Trái Đất, nhưng hầu hết không đáng chú ý và không gây ra thiệt hại. Động đất lớn có thể gây thiệt hại trầm trọng về tài sản và nhân mạng bằng nhiều cách. Các trận động đất xảy ra dưới đáy biển có thể gây ra lở đất hay biến dạng đáy biển, làm phát sinh sóng thần. 

Tại Việt Nam rất hiếm những trận động đất mạnh, do vùng bán đảo Đông Dương nằm trong một mảng kiến tạo và xa với vùng rìa mảng. Việt Nam từng ghi nhận 2 trận động đất mạnh là động đất Điện Biên (năm 1935) 6,75 độ Richter. Trận thứ hai là động đất Tuần Giáo (năm 1983), với cường độ 6,8 độ Richter. Những động đất này có chấn tiêu nông, nên vùng rung động phá hủy hẹp, không gây thiệt hại đáng kể. Vùng ngoài khơi Nam Trung bộ, năm 1923 cũng có 1 trận động đất 6,1 độ Richter, đi cùng hiện tượng phun trào núi lửa Hòn Tro...

(Nguồn: Wikipedia)

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.