Theo TS Thủy, hiện nay việc triển khai các công trình giao thông tĩnh (các điểm đỗ xe) của nước ta triển khai quá chậm, quy hoạch yếu kém, không có tầm nhìn xa cho nên Hà Nội và TP HCM chỉ đáp ứng được 5 - 10% nhu cầu. Điều này dẫn đến thực tế người dân phải để xe dưới lòng đường, vỉa hè.
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Giao thông vận tải. |
Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cũng cho rằng, muốn triển khai hình thức trông giữ xe để phù hợp với luật pháp và thuận lợi cho người dân, Hà Nội nên lưu ý một số điểm:
Đầu tiên, Hà Nội cần xác định địa điểm những bãi để xe ở đâu sao cho phù hợp. Địa điểm đó phải đảm bảo an toàn, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Các điểm này phải không làm ảnh hưởng đến giao thông chung trong khu vực xung quanh nó.
Tiếp đó, thành phố cần có cơ chế, chế tài về vấn đề gửi xe và gia đình đó phải cam kết với chính quyền trong việc thu giữ vé đối với các loại phương tiện. Chính quyền cần quản lý để các hộ dân niêm yết giá rõ ràng, tránh tình trạng chặt chém gây mất trật tự, phản cảm.
Hơn nữa, các hộ trông giữ xe này phải có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước, làm các loại giấy phép kinh doanh theo quy định. Mặt khác, thành phố phải có chính sách đối với hộ dân này. Ví dụ như giảm bớt các loại thuế, giảm lãi suất vay ngân hàng, các cơ chế linh loạt… Để giúp những hộ này tự chủ, họ có thể đầu tư xây dựng những bãi đỗ xe hiện đại như đỗ xe ngầm, đỗ xe theo tầng thì cũng nên khuyến khích. Không nhất thiết là phải nhà nước xây dựng.
Cuối cùng, quy hoạch cũng như chủ trương phải được triển khai đồng bộ trong toàn thành phố chứ không thể tổ chức rải rác một vài nơi dẫn đến tranh chấp, chồng chéo, không mang lại hiệu quả lâu dài. TS. Nguyễn Xuân Thủy nhận định nếu làm được như vậy thì tư nhân sẽ tích cực tham gia xây dựng các điểm đỗ xe mà không còn thuần túy là những điểm đỗ xe đơn sơ.
Ở địa bàn có những quỹ đất khan hiếm như khu vực phố cổ Hà Nội, khu vực trung tâm TP HCM thì khu vực nào có thể cho tư nhân trông giữ xe, thành phố phải chỉ ra và tạo điều kiện cho người dân. Việc này cần nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng tính bền vững lâu dài vì chưa chắc đã khả quan.
TS. Nguyễn Xuân Thủy còn chỉ rằng, các hộ dân tại phố cổ đang cho thuê mặt bằng, hoặc tự kinh doanh… thu nhập có thể lớn hơn nhiều lần khi chuyển sang trông giữ xe. Họ sẽ không dễ dàng để chuyển sang ngành nghề kinh doanh mới. Đây là điều cần nghiên cứu trước khi đưa vào triển khai.
Dự án “giao thông tĩnh”
Liên quan đến tầm nhìn dài hơi hơn, vị tiến sỹ với 40 năm nghiên cứu về giao thông cho hay, Hà Nội phải xây dựng một “dự án giao thông tĩnh” cho thành phố. Dự án này phải được giao cho đơn vị có khả năng, tâm huyết và hiểu biết về giao thông Thủ đô thực hiện. Đơn vị này sẽ phối hợp với Sở GTVT , Sở Xây dựng để nghiên cứu thực địa, chỗ nào cần và nên làm bãi đỗ xe theo các mô hình khác nhau như: bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe trên cao, gara, chỗ đỗ xe của hộ gia đình, chỗ đỗ xe của nhà nước…
Khi đó, chúng ta sẽ có mạng lưới quy hoạch các bãi đỗ xe chung của cả thành phố. Sau khi quy hoạch thì chúng ta có chính sách. Những nơi nào bãi đỗ xe thì nhà nước sẽ ưu tiên vấn đề gì. Khi đó sẽ huy động được lực lượng tư nhân đầu tư để thành lập những điểm gửi xe trong thành phố.
Không chỉ vậy, chúng ta cần phát triển mạnh giao thông công cộng, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt…, khi đó người dân sẽ bớt đi xe máy và xe ô tô con sẽ hạn chế được các bãi đỗ xe. Tất cả những phương pháp nêu trên phải đồng bộ, nhất quán thì mới mong mang lại hiệu quả về trật tự giao thông đô thị nói chung.