Im lặng là 'tiếp tay' cho tội phạm ấu dâm

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) - Những ngày gần đây, tin tức về những vụ xâm hại tình dục trẻ em đang “nóng” trên các mặt báo, các diễn đàn, mạng xã hội. Điển hình như vụ trẻ bị xâm hại ở Vũng Tàu, ở TP Hồ Chí Minh và vụ việc vừa mới diễn ra tại Hà Nội đang gây nhiều bức xúc cho dư luận, cộng đồng.

Những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em sẽ vẫn còn tiếp diễn và kẻ phạm tội vẫn chưa bị pháp luật xử lý nếu chúng ta chọn im lặng thay vì lên tiếng.

Lúng túng, vướng trong xử lý

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, trung bình mỗi năm có 1.600-1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Có 1.000 vụ xâm hại tình dục được phát hiện thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12 đến 15, chiếm 57,46%. Trong đó, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm đến 13,2%.

Mới đây, một phụ huynh có con bị xâm hại tình dục tham gia Tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng” tại Hà Nội chia sẻ: “Cháu nhà tôi mới 3 tuổi, sang nhà hàng xóm chơi và bị dụ dỗ, xâm hại. Hôm đó, con tôi về khóc và kể cho bà nghe. Bà cháu và tôi sang nhà thủ phạm nói chuyện thì thủ phạm chối quanh co rồi cuối cùng đã thú nhận.

VKSND Tối cao chỉ đạo rà soát án dâm ô

Ngày 15/3, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong đã ký thông báo về kết luận chỉ đạo của ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao đối với vụ án dâm ô trẻ em xảy ra tại phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu.

Tại kết luận này, ông Lê Minh Trí chỉ đạo thông qua vụ án này, yêu cầu Vụ trưởng Vụ 2, VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra, rà soát ngay toàn bộ các vụ việc, vụ án về loại tội phạm này trên toàn quốc và báo cáo kết quả bằng văn bản trước ngày 20/3 để chỉ đạo xử lý nghiêm nhằm chống bỏ lọt tội phạm.

Trước đó, vào ngày 14-/3 ông Lê Minh Trí đã chủ trì cuộc họp với Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (vụ 2) và Viện trưởng VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về vụ án “Dâm ô trẻ em” xảy ra từ năm 2012 đến năm 2016 tại khu chung cư Lakeside (phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu).

Riêng về vụ việc tại Vũng Tàu, sau khi nghe Viện trưởng VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu báo cáo kết quả điều tra; ý kiến đánh giá, nhận xét của Vụ trưởng Vụ 2, ông Lê Minh Trí đã chỉ đạo Viện trưởng VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an TP Vũng Tàu ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Khắc Thủy về tội “Dâm ô trẻ em” theo điều 116, BLHS để điều tra, xét xử theo quy định của pháp luật.

Tôi lên công an khai báo. Công an cho cháu xuống Hà Nội khám và bác sỹ kết luận có dấu vết xâm hại tình dục. Hiện công an Hà Nội đang giữ bằng chứng. Vụ việc đã gần 2 năm rồi mà vẫn chưa được giải quyết”.

Một người mẹ ở huyện Thạch Thất, Hà Nội có con bị xâm hại cũng tham gia tọa đàm và chia sẻ, chị đã đau đớn nghe con kể lại rõ ràng từng chi tiết bị xâm hại bởi gã hàng xóm như thế nào. Chị đưa con ra công an và cháu đã tường thuật chi tiết vụ việc với công an huyện.

Chị cho biết mặc dù đã viết đơn tố cáo, tới gặp công an nhiều lần nhưng đến nay đã hơn 2 năm vẫn không có kết quả. Nghi can vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. “Chúng tôi là những người dân, không nắm được luật, mong nhận được sự giúp đỡ để bắt kẻ xấu phải đền tội”, người mẹ này nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh (Giảng viên Đại học Ngoại thương), những câu chuyện trên không phải là hiếm. Những trường hợp bị xâm hại khi còn nhỏ xảy ra nhiều hơn rất nhiều những con số đã được thống kê. Bằng chứng là bà đã được các em sinh viên tâm sự về câu chuyện bị ấu dâm của mình. Đó là nạn nhân của một vụ ấu dâm có tính chất bạo lực. Em vừa bị xâm hại, vừa bị đánh, vùng kín chảy máu rất nhiều. Những câu chuyện đó chưa từng được đưa ra ánh sáng.

Bà Nguyễn Vân Anh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) khẳng định, sự im lặng càng lâu thì sự việc càng khó để xử lý vì khi đó các bằng chứng đã bị phai nhạt đi nhiều. Tổ chức của bà đang theo giúp hai trường hợp nạn nhân bị xâm hại tình dục nhưng rất vất vả và khó khăn.

Từ việc tìm luật sư trong lĩnh vực này rất khó và đây là công việc quá vất vả, không biết đến ngày nào có thể đạt được kết quả. Điều đó khiến nạn nhân và người thân của trẻ mệt mỏi vì phải chịu áp lực trong thời gian dài.

“Điều đáng buồn là số vụ xâm hại tình dục trẻ em được xử lý kịp thời, số lần giành lại sự công bằng cho nạn nhân là không đáng kể, do nhiều nguyên nhân, trong đó có khả năng phản ứng chậm trễ, thiếu chủ động từ các cơ quan liên quan.

Ngay 3 vụ án mới bị tố giác trong thời gian gần đây dù gây bức xúc cho xã hội nhưng phải đến khi Chủ tịch nước và Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ thì mới có chuyển biến rõ ràng. Đó là điều đáng mừng song cũng mang đến sự trăn trở về công việc của một số người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ”, bà Vân Anh nói.

Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn (Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát Nhân dân) nhận định, để chứng minh tội ấu dâm không phải đơn giản, nhất là khi Luật Tố tụng lại quy định thời hạn điều tra, nếu quá thời hạn đó mà chưa có đủ chứng cứ thì cũng không làm được.

Một trong những nguyên tắc của điều tra là phải có chứng cứ phạm tội trực tiếp. Một đứa trẻ chưa có nhận thức đầy đủ, có thể nói ra tên người ABC nhưng trách nhiệm cơ quan điều tra phải chứng minh hành vi đó là phạm tội. Ngay cả khi có kết quả khám nghiệm y khoa cho thấy cháu bé bị tổn thương, nhưng bản thân kết luận đó cũng không thể chỉ ra được đối tượng xâm hại. Cũng không loại trừ vết thương đó xuất phát từ tai nạn bên ngoài.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)

Ngoài ra, TS Thìn nhấn mạnh, bản thân kỹ năng, hiểu biết về trình tự tố cáo của chính người thân trẻ bị hại không phải ai cũng nắm được. Lẽ ra ngay khi xảy ra vụ việc, điều đầu tiên phải lưu giữ những chứng cứ, tang vật liên quan trực tiếp như: Quần áo lót, lông, tóc, tinh dịch... cho đến những dấu tích chứng minh đối tượng phạm tội thời gian đó có mặt tại hiện trường.

Tuy nhiên, nhiều gia đình lại chọn cách tắm rửa, thay quần áo cho trẻ rồi mới thông tin tới cơ quan điều tra, như vậy đã vô tình xóa toàn bộ dấu tích vụ án.

Nhiều “khoảng trống” trong bảo vệ con trẻ

Luật sư Lê Văn Luân - chuyên gia về pháp luật hình sự cho hay, rất nhiều vụ xâm hại tình dục ở trẻ em đến giờ vẫn chưa được phanh phui, giải quyết, trong đó có nguyên nhân từ việc tìm chứng cứ cho những sự vụ này không dễ dàng.

Các cơ quan công an thường dựa vào các dấu vết vật chất để lại trên thân thể nạn nhân mới khởi tố bị can là vô cùng bất hợp lý. Đây là lý do mà nhiều vụ việc, nhiều tội ác dâm ô không được khởi tố và bế tắc.

“Thật vô lý là chúng ta cứ đòi vật chứng. Đây chính là điều mà các nạn nhân bị xâm hại tình dục không thể giải quyết bằng pháp luật. Đồng thời cũng là lý giải vì sao các vụ việc dâm ô hiện nay các cơ quan chức năng không giải quyết”, ông Luân lý giải.

Theo luật sư này, tội dâm ô khác với hiếp dâm vì có thể không để lại tinh dịch và không gây thương tích mà chỉ là hành vi sờ soạng bên ngoài vẫn ảnh hưởng tới tâm lý nạn nhân. Do đó cần phải dựa vào nhân chứng, thực nghiệm hiện trường, nhận dạng, lời khai của nạn nhân, chất vấn kẻ gây án…, tất cả những cái đó cần được coi là chứng cứ khi tiến hành tố tụng.

“Với một số nước, chỉ cần gợi ý sex, dụ dỗ gạ gẫm cho xem văn hóa phẩm đồi trụy đã là tội danh, việc gặp gỡ và dự tính có hành động dâm ô với trẻ vị thành niên cũng bị ra tòa, trong khi đó một loạt những trường hợp có hành vi dâm ô ở Việt Nam có chứng cứ, có nhân chứng vẫn bị bế tắc, chưa xử lý được. Luật hình sự của ta đang có “khoảng trống”trong bảo vệ trẻ em. Đợi khi kẻ phạm tội xâm hại đến trẻ em mới giải quyết, đó là điều quá nguy hiểm”, luật sư Luân chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Trọng An (nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em) cho rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay vẫn còn đang khá lỏng lẻo. Việt Nam vừa mới thông qua Luật Trẻ em và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/6/2017. Tuy nhiên, khái niệm về “xâm hại tình dục” trong Luật này vẫn còn chưa đầy đủ.

Luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp (Hà Nội) đề xuất áp dụng biện pháp “thiến hóa học” nhằm ngăn chặn khả năng tái phạm đối với tội phạm ấu dâm. Luật sư cho biết, tại Indonesia hay Hàn Quốc đã áp dụng đạo luật này để tiêu diệt dục tính đối với loại tội phạm này.

Còn tại các nước châu Âu, Đức, Anh, Thụy Điển đều đã dùng biện pháp thiến phẫu thuật để xử lý dứt điểm những tội phạm ấu dâm. Vào năm 1996, bang California đã trở thành bang đầu tiên ở Mỹ tuyên bố cho phép sử dụng hóa chất để thực hiện “thiến” đối với tội phạm hiếp dâm.

“Tôi phải nói thật, chúng ta đang tráo đổi khái niệm từ hiếp dâm xuống dâm ô, ngược lại nên đã tạo cơ hội cho một sự việc xâm hại tình dục ở trẻ em “không bình thường”. Hay nói cách khác, tráo đổi khái niệm có thể đối tượng phạm tội sẽ được hạ thấp tội danh, định khung hình phạt. Việc đánh tráo khái niệm đó cực kỳ nguy hiểm”, ông An nêu quan điểm.

Theo ông, nếu hiểu xâm hại tình dục theo đúng chuẩn khái niệm quốc tế thì số vụ xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam sẽ cao hơn rất nhiều. Theo cách hiểu của thế giới, xâm hại tình dục là tất cả hành vi dụ dỗ, xúi bẩy, lôi kéo, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi mang tính chất tính dục không phù hợp với lứa tuổi các em. Theo đó, nhiều dạng hành vi như động chạm, ôm, vuốt ve, sờ mó… đều được xem là xâm hại tình dục.

Bà Nguyễn Vân Anh (Giám đốc Trung tâm CSAGA) phân tích, một trong những nguyên nhân khiến cho những vụ án dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em bị “chìm xuồng” là do sự im lặng của chính nạn nhân và người chăm sóc, bảo vệ trẻ. Thường trong những vụ này, gia đình nạn nhân chấp nhận thương lượng rồi im lắng.

Bên cạnh đó, trong cộng đồng người Việt Nam vẫn còn tồn tại quan niệm liên quan đến bị cưỡng hiếp thì xấu hổ. Và thường tâm lý của nhiều người rất ngại khi nói về những vấn đề liên quan đến tình dục đối với con cái, đặc biệt là con gái.

“Hơn thế mọi người vẫn lo sợ, nếu thông tin con, em mình bị xâm hại tình dục mà lộ ra ngoài thì có thể ảnh hưởng đến tương lai sau này của trẻ. Sâu xa hơn nữa nhiều người quan ngại về quan niệm trinh tiết, đặc biệt là còn rất nhiều quan niệm trọng nam khinh nữ... bởi vậy họ thường chọn cách giải quyết im lặng”, bà Vân Anh chia sẻ.

TS. Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội) bức xúc: “Nền văn hóa của Việt Nam rất kỳ lạ khi đòi hỏi người con gái lúc kết hôn phải còn trinh nhưng lại im lặng khi những đứa bé bị hiếp dâm. Nạn nhân và gia đình im lặng bởi vì nếu nói ra, họ sợ đứa bé đó sẽ không có tương lai. Nếu sự việc vỡ lở, có khi gia đình nạn nhân còn buộc phải rời khỏi quê hương để không còn ai nhớ đến họ hay nhắc lại chuyện đau lòng đó nữa”.

Cũng theo bà Hồng, có rất nhiều người tố cáo để phanh phui sự thật không phải vì con cái của họ hay gia đình họ mà họ muốn để cho tất cả những gia đình khác không phải rơi vào cái tình cảnh như vậy. Nhưng rất tiếc, đôi khi các gia đình bị hại lại có vẻ đơn độc khi tìm công lý.

Bày tỏ quan điểm của mình, luật sư Nguyễn Thế Truyền - chuyên gia luật Dân sự cho rằng, những định kiến xã hội, những lời gièm pha... chính là những rào cản tâm lý lớn khiến người bị hại chưa được bảo vệ một cách triệt để.

Tuy nhiên, giải quyết điều đó không thể trong một sớm, một chiều vì cho đến nay, giáo dục giới tính chưa được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông một cách đầy đủ, khoa học và hiệu quả. “Đáng lẽ ra từ bậc Tiểu học, trẻ đã phải được học về cách bảo vệ thân thể”, luật sư Truyền nói.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng, việc cộng đồng nhận thức và lên tiếng như thế nào cũng là chuyện cần bàn. Bà cho rằng, đã đến lúc xã hội cần dẹp sự ngại ngùng vô lý sang một bên để cùng lên tiếng. Khi nạn nhân nói ra được, họ sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Việc lên tiếng là cần thiết, nhưng hãy lên tiếng một cách thông minh.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An
Bác sĩ Nguyễn Trọng An

Cũng theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, cần có sự giáo dục từ chính bố mẹ. Những giây phút mẹ và con gái cùng thì thầm bên gối, rằng con phải làm gì vô cùng hiệu quả. Đặc biệt, chúng ta phải dạy cho cả con trai. Bố mẹ phải có kỹ năng trong giáo dục con cũng như lưu giữ bằng chứng khi có chuyện không hay xảy ra với con. Có thể nói rằng truyền thông phải bắt đầu từ việc giáo dục cha mẹ.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, trẻ em bị xâm hại tình dục bị tổn thương nặng nề về cả tinh thần và thể chất, đôi khi những di chứng này không biểu hiện rõ rệt ngay mà kéo dài âm ỉ nhiều năm sau đó. Việc bị lạm dụng tình dục có thể khiến trẻ trở nên không tin cậy ai, khó kết thân, tách biệt, sợ hãi, tự ti, cô lập bản thân với thế  giới xung quanh, trầm cảm, nhiều người không thể có hạnh phúc bởi bị ám ảnh vì những việc bị xâm hại lúc nhỏ.

TS Tâm lý học trẻ em và vị thành niên Trần Thành Nam chia sẻ với phóng viên 2 câu chuyện của 2 nạn nhân mà anh trực tiếp là người tư vấn tâm lý để khẳng định sự ảnh hưởng của xâm hại tình dục với trẻ em sẽ còn kéo dài, thậm chí cả khi trưởng thành và lập gia đình.

Trường hợp thứ nhất, một cô gái 21 tuổi đã từng bị chính ông ngoại lạm dụng tình dục từ năm 9-12 tuổi. Đến năm 12 tuổi, nạn nhân này nói với bố mẹ về việc mình bị lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, chỉ có bố nạn nhân tin việc đó và tố cáo. Sau đó không lâu, ông ngoại nạn nhân qua đời và cũng từ đó, người mẹ luôn đổ lỗi cho con gái là người đã gây ra cái chết của ông ngoại.

Nỗi dằn vặt cứ đeo bám, cùng sự ám ảnh của quá khứ bị lạm dụng khiến nạn nhân này mỗi khi gặp bạn trai đều hình dung ra ánh mắt của ông ngoại. Cuối cùng nạn nhân lựa chọn việc kết đôi với một người đồng tính nhưng lại tiếp tục rơi vào “bẫy” lạm dụng tình dục. “Điều đáng nói, trên hai cánh tay của nạn nhân chi chít các vết rạch, điều này cho thấy cô bé bị tổn thương trầm trọng cả về tinh thần và thể chất”, TS Trần Thành Nam cho hay.

Trường hợp khác, một cô gái bị cha dượng lạm dụng tình dục từ năm 11-12 tuổi. Việc cha dượng lạm dục tình dục đã làm cho cô có cảm giác nhân phẩm của mình bị xúc phạm, rẻ rúng. Cô gái này sau đó bỏ nhà đi và trở thành gái bán hoa.

Chia sẻ với TS Nam về vết thương lòng không thể phai mờ từ thuở thiếu thời, cô ấy nói rằng: “Dù sao gái bán hoa còn được trả tiền, tức là tự thấy bản thân còn có giá trị chứ không phải lạm dụng tình dục mà... không có đồng nào”.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.