Khách hàng nghi ngờ Fagor Việt Nam trà trộn hàng kém chất lượng và trốn thuế

Máy giặt Fagor mới dùng 4 năm đã bị gãy trục
Máy giặt Fagor mới dùng 4 năm đã bị gãy trục
(PLO) - Nghi ngờ Fagor Việt Nam trà trộn hàng kém chất lượng và trốn thuế khi hàng hoá liên tục hỏng và không xuất hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho khách hàng, chị Ngọc Ánh ở Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội tiếp tục khiếu nại về thái độ thờ ơ của Công ty Tristar Việt Nam, đơn vị độc quyền phân phối đồ gia dụng Fagor Tây Ban Nha trước sự việc xảy ra đối với gia đình chị.

Mua đồ gia dụng Fagor: sau 5 năm là vứt đi 1 đống tiền!

Như Báo PLVN đã thông tin, bỏ hàng trăm triệu mua máy giặt, máy rửa bát, bếp từ, hút mùi, lò vi sóng của thương hiệu đồ gia dụng Fagor Tây Ban Nha do Công ty Tristar Việt Nam độc quyền phân phối chỉ mới sau 4 năm sử dụng, gia đình chị Ngọc Ánh ở Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) đã vô cùng bức xúc vì thường xuyên phải sửa chữa và lo ngay ngáy cho sự an toàn của gia đình.

Cụ thể, vào thời điểm tháng 5/2014, mặc dù đã được triết khấu 30% thì số tiền mà gia đình chị phải trả cho một máy giặt Fagor đã là 30 triệu đồng, máy hút mùi 20 triệu đồng, bếp từ 34 triệu đồng, máy rửa bát  30 triệu đồng, chưa kể lò vi sóng, vòi nước, nồi nấu. Những tưởng, với một số tiền lớn như thế, một thương hiệu uy tín như thế thì đồ gia dụng nhà chị dùng mấy chục năm vẫn tốt, ai ngờ, điều mà chị Ngọc Ánh thấy khó hiểu là ngay ngày đầu hãng mang máy giặt đến lắp đặt cho nhà chị thì máy đã không thể hoạt động, nước chảy chan khắp nhà, phải mang chiếc khác đến thay thế. Kể từ đó, trong thời hạn bảo hành nhà chị đã phải vài lần gọi thợ đến hỗ trợ. Đỉnh điểm xảy ra khi thời hạn bảo hành 3 năm vừa hết, toàn bộ vật dụng thương hiệu Fagor nhà chị thi nhau xếp hàng đòi sửa chữa.

Khi phản ánh sự việc này với Công ty Tristar Việt Nam thì chị Ánh nhận được lời khuyên là nên bỏ tiền mua máy giặt mới vì hiện nay mẫu máy giặt này hãng không nhập về Việt Nam nên không có thiết bị thay thế.

Chị Ánh không nghe theo “lời khuyên” này vì không thể chấp nhận việc bỏ một đống tiền mua đồ gia dụng Fagor Tây Ban Nha mà chỉ sau 5 năm đã phải thay thế.

Máy rửa bát Fagor nhà chị Ánh liên tục bị hỏng hóc, mỗi lần sửa mất cả triệu đồng
Máy rửa bát Fagor nhà chị Ánh liên tục bị hỏng hóc, mỗi lần sửa mất cả triệu đồng

Tương tự trường hợp nhà chị Ánh, năm 2013, chị V.H (Hà Đông, Hà Nội) mua một chiếc bếp hỗn hợp điện từ, mang nhãn hiệu Fagor 1200 TS của  Fagor do Fagor Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc từ Tây Ban Nha, do Công ty Tristar Việt Nam - Đại diện tiếp thị và phân phối độc quyền tại đại lý Thái Sơn (ở 346 Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), giá 22 triệu đồng và được bảo hành 3 năm bởi nhà sản xuất.

Nhưng sau một thời gian sử dụng, chị thấy bếp nóng hơn bình thường và xuất hiện vết nứt lớn ở kính. Lúc này chị H đã liên hệ với bên Trung tâm bảo hành Tristar nhưng chị nhận được câu trả lời đó là chị phải thay mặt kính mới mà phải chịu toàn bộ chi phí hơn 9 triệu đồng và công ty chịu 30%. Quá bức xúc, chị H đã gửi đơn khiếu nại khắp nơi, báo chí vào cuộc thì công ty Tristar Việt Nam lúc này chối bỏ trách nhiệm.

Việc bếp bị nóng mặt kính, hãng này cho rằng, quạt tản nhiệt bị bụi hay thanh nối tiếp xúc giữa mặt kính và đế bếp lâu ngày bị oxy hóa là hiện tượng bình thường. Nhân viên có khoan thêm mấy lỗ dưới gầm bàn bếp với lý do giúp tản nhiệt tốt hơn và lắp trả gia đình. 

Còn đối với việc bếp nứt mặt kính, Công ty Tristar cho rằng, việc xác định rõ nguyên nhân mặt kính nứt là rất khó vì kỹ thuật viên đến sau khi hiện tượng nứt vỡ, do đó Công ty đã đề xuất hỗ trợ khách hàng 30% giá trị của phụ kiện vì sự việc không mong muốn.

Hãng khẳng định sau khi kết thúc công việc bảo hành bếp hoạt động tốt không nứt vỡ, khách khiếu nại vết nứt sau 16 ngày sử dụng. Do vậy, việc này không được hãng xác nhận vì không có bằng chứng khác gây ra do chất lượng của kính. Và sau đó sự việc đi vào quên lãng vì công ty này đã chọn cách “im lặng” và bỏ mặc khách hàng.

Mất dần niềm tin

Phản ánh tới Báo PLVN, chị Ngọc Ánh cho biết, ban đầu, gia đình chị rất tin tưởng vào thương hiệu Fagor Tây Ban Nha. Bằng chứng là hầu hết nội thất, đồ trong nhà chị đều mua từ thương hiệu này. Thế nhưng, với việc chất lượng sản phẩm không như mong đợt và cách hành xử khó hiểu, im lặng mặc kệ khách hàng của đơn vị phân phối độc quyền là Công ty Tristar Việt Nam đã khiến gia đình chị cũng như nhiều khách hàng khác mất dần niềm tin vào thương hiệu Fagor Tây Ban Nha.

Hàng hoá chục triệu hay trăm triệu đồng cũng chỉ có phiếu thu như thế này, không được xuất hoá đơn GTGT
Hàng hoá chục triệu hay trăm triệu đồng cũng chỉ có phiếu thu như thế này, không được xuất hoá đơn GTGT

Đáng ngại hơn, chị Ánh cho biết mặc dù gia đình mua rất nhiều đồ dùng của Fagor nhưng không có một mặt hàng nào được xuất hóa đơn GTGT và nhiều khách hàng bắt đầu nghi ngờ đồ dùng Fagor trong nhà họ là hàng Trung Quốc kém chất lượng bị trà trộn trên thị trường Việt Nam. 

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này. 

Đọc thêm

EVN cảnh báo tình trạng giả mạo trang web

Trang web giả mạo EVN.
(PLVN) - Thông tin từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, gần đây trên mạng internet tiếp tục xuất hiện trang web giả mạo thương hiệu, nhãn hiệu EVN có địa chỉ tietkiemdienxanh.com.