Cú nhấp chuột mất tiền tỷ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra tình trạng du khách quốc tế đặt phòng, tour du lịch ở Việt Nam qua các trang web đại lý trực tuyến; nhưng khi đến nơi, họ mới biết mình bị lừa, bởi khách sạn hoặc dịch vụ đó không hề tồn tại, hoặc chưa được đăng ký cấp phép hoạt động. 

Mặt khác, cũng nhiều trường hợp, du khách Việt Nam đặt tour du lịch quốc tế qua mạng, “ôm mộng” được chuyến du lịch giá rẻ, sau phải “chạy ngược chạy xuôi” đòi lại tiền trong khi công ty bán tour “ảo” thì biến mất, chủ công ty đã ôm tiền “cao chạy xa bay” từ lúc nào. 

Thời đại công nghệ phát triển, thế giới phẳng chính là thời cơ cho những kẻ lừa đảo, các công ty làm ăn “chụp giật” quăng bẫy tìm “mồi”, lợi dụng ranh giới mơ hồ về an ninh an toàn trên môi trường Internet; cũng như tâm lý ham rẻ, thiếu cẩn thận.

Cùng một tour có thể được quảng bá rộng rãi trên nhiều trang web, phương tiện thông tin đại chúng, tạo tâm lý thân quen, tin tưởng cho khách hàng. Chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể sở hữu một tour du lịch trọn gói từ A-Z; nhưng cũng một cú nhấp chuột, du khách hoặc doanh nghiệp có thể thiệt hại từ hàng triệu tới hàng tỷ đồng.

Theo số liệu của Báo cáo Thị trường Du lịch Mỹ, lừa đảo du lịch trực tuyến đã gây thất thoát tới 1.3 tỷ USD hàng năm tại Mỹ; trong đó, hơn 50% các phi vụ lừa đảo đều sử dụng các công ty “ma” giả làm đại lý du lịch thật để lừa đảo du khách. Còn nói riêng về thị trường đặt phòng, du khách thiệt hại tới tổng số 55 triệu USD chỉ bởi đặt phòng trên trang web ảo, làm giống như trang thật hoặc qua đại lý trung gian. 

Việc nhận dạng và xử lý những hình thức kinh doanh du lịch trực tuyến có dấu hiệu lừa đảo, đặc biệt trên nền tảng công nghệ hiện đại, vẫn đang là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng và quản lý nhà nước. Chỉ nói riêng việc quản lý đưa thông tin giả lên mạng xã hội, diễn đàn, trang web đại lý trực tuyến, đặc biệt các website quốc tế, đã là một vấn đề nan giải do tính biến động cao. 

Ngày càng khó kiểm soát những công ty “ma” giả danh các công ty lữ hành, cung ứng dịch vụ du lịch cả trong và ngoài nước. Quan trọng hơn hết, làm sao có thể công bố, tuyên truyền rộng rãi, hiệu quả, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác của du khách trong nước và quốc tế, vẫn là một bài toán khó và dài lâu.

Trước tính phức tạp ngày càng tăng cao của các hình thức lừa đảo du lịch trực tuyến, chính du khách vẫn phải biết tự bảo vệ bản thân và “túi tiền” của mình đầu tiên. Các chuyên gia khuyến cáo, ngoài việc tìm hiểu, kiểm tra kỹ các thông tin về điểm đến, du khách đặc biệt cảnh giác cao độ với những tour giá rẻ bất ngờ, vào phút chót, các trang web trung gian lạ, hình thức thanh toán chỉ chuyển khoản, điều kiện ghi không rõ ràng, không có hợp đồng trực tuyến…

Đồng thời trước khi quyết định mua tour, người mua cần đọc kỹ tất cả chi tiết từ nhỏ nhất như giá vé bao gồm những gì, ăn ở, ngủ nghỉ, phương tiện di chuyển như thế nào và phải có cam kết phía công ty đảm bảo sẽ thực hiện đúng, đủ tất cả chương trình có trong tour đã bán.

Đọc thêm

EVN cảnh báo tình trạng giả mạo trang web

Trang web giả mạo EVN.
(PLVN) - Thông tin từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, gần đây trên mạng internet tiếp tục xuất hiện trang web giả mạo thương hiệu, nhãn hiệu EVN có địa chỉ tietkiemdienxanh.com.