Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 1/2023, xuất khẩu (XK) thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán.
Theo đó, ước tháng 1/2023, XK thủy sản giảm 31% đạt khoảng 600 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, xuất khẩu cá tra giảm 50%, xuất khẩu tôm giảm 46%, xuất khẩu cá ngừ giảm 32%, riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%.
Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính trong tháng 1/2023 đều giảm mạnh, trong đó Hoa Kỳ giảm 56%, Trung Quốc - Hồng Kông giảm 55%, EU giảm 35%...
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn. Bối cảnh đó cũng có thể coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng cung cấp sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU…
VASEP dự báo, bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Tuy nhiên, đối với các thị trường tiêu thụ, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh. Sẽ có điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm. Theo đó, lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải vì phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình - vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát.
Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới, khi mà du lịch và giao thương được thông suốt. Sự hồi phục mà thị trường này mang lại cũng sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất là từ quý II/2023.
Bên cạnh đó, là cơ hội từ các thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông… "Ngành thủy sản trông chờ vào sự hồi phục nhu cầu và đơn hàng từ các thị trường với hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn từ quý II/2023", VASEP nhận định.
Trong bối cảnh đó, quan trọng là doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của từng ngành hàng về nguồn cung và yếu tố thị trường tiêu thụ thông qua việc nắm bắt thông tin thị trường và dự báo.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết, liên quan đến ngành hàng thủy sản, nhiều chính sách quy định bất cập trước đây đã được sửa đổi, tháo gỡ trong năm 2022. Năm 2022 cũng đánh dấu một năm thành công của Hiệp hội trong vận động chính sách liên quan một số nội dung của Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020. Sau nhiều kiến nghị, ngày 10/1/2022, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, trong đó trên 70% các kiến nghị của các Hiệp hội đã được Chính phủ tiếp thu, sửa đổi...
Tuy nhiên, theo bà Lê Hằng, hiện vẫn còn những vướng mắc tồn tại cũng đã lâu mà VASEP và doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục đồng hành để kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét tháo gỡ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hợp pháp và hợp lý.
Cũng theo bà Hằng, năm 2023 được dự báo là năm khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu vì kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và thực phẩm. Cộng đồng doanh nghiệp ngành thủy sản kỳ vọng môi trường kinh doanh trong nước sẽ bớt áp lực hơn với doanh nghiệp, để sức khỏe doanh nghiệp được duy trì ổn định đối phó với lạm phát và các chi phí đầu vào tăng cao và để có đà hồi phục khi thế giới ổn định trở lại.
Đặc biệt, hai vấn đề đang là gánh nặng chi phí với doanh nghiệp là: Quy định mức thu kinh phí công đoàn 2% quỹ lương và quy định tỷ lệ đóng bảo hiệm xã hội cao. Hai vấn đề này đều được VASEP và các Hiệp hội đã nhiều lần có văn bản kiến nghị và trao đổi tại các cuộc họp với Chính phủ, Tổng Liên đoàn lao động và Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội nhưng chưa được xem xét.