Cụ thể, 58% người tham gia khảo sát sẵn sàng dành từ 40.000 đồng cho mỗi lần sử dụng đồ uống. Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu trong khoản 41.000-70.000 đồng; tương đương giá đồ uống ở các thương hiệu tầm trung; thường nằm trong nhóm người có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. Khoảng 14% sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn 70.000 đồng, tương đương giá đồ uống ở “thương hiệu cao cấp”. Nếu trung bình 1 người mua thức uống bên ngoài 3 lần/tuần, số tiền cho việc này vào khoảng 1 triệu đồng/tháng.
Vấn đề đáng để suy ngẫm, là mức chi tiêu phổ biến cho cà phê, trà sữa cao hơn cả số tiền phổ biến dùng cho 3 bữa ăn chính trong ngày. Theo khảo sát, nhiều người chuộng bỏ 10.000-30.000 đồng cho bữa sáng, 31.000-50.000 đồng cho bữa trưa và bữa tối. Trái ngược với quan niệm ngồi uống cà phê, trà sữa “sang chảnh”; các bữa chính phổ thông hàng ngày vẫn thường là cơm, phở bình dân hoặc hàng quán vỉa hè, nên số tiền trung bình chi ra thấp hơn.
Dù chi tiêu chỉ vài chục nghìn đồng cho việc ăn uống mỗi ngày, không ít người vẫn sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn gấp nhiều lần cho dịp đặc biệt như sinh nhật, lễ, tết, ngày kỷ niệm... Khảo sát chỉ ra, chi tiêu trung bình cho mỗi lần ăn uống đặc biệt phổ biến trong mức 101.000-300.000 đồng/lần, với tỷ lệ 53%. Theo sau là mức chi tiêu 301.000-500.000 đồng, chiếm 22% câu trả lời.
Vẫn biết xài tiền như thế nào, ăn gì, uống gì là quyền của mỗi người, nhưng có thể thấy rằng với mức chi tiêu trên chỉ cho cà phê và trà sữa, thì câu chuyện chi tiêu của một số người, nhất là trong giới trẻ, có vẻ không khoa học, thiếu hợp lý. Đặt giả thiết nếu còn phải đi thuê nhà, thu nhập chỉ trông chờ vào mức lương cố định hàng tháng, thì một người trẻ còn rất nhiều khoản phải chi tiêu, từ ăn uống, quần áo, chăm sóc sức khỏe, học hành, giải trí, tích lũy…
Quan trọng không kém, là thị trường có vô vàn lựa chọn thức uống với các phân khúc giá khác nhau. Nếu thu nhập không cao, vẫn có thể thưởng thức những ly cà phê, trà sữa bình dân giá hợp lý, chứ không nhất thiết phải chạy theo “trào lưu sang chảnh” giá cao so với mức thu nhập của mình, không nhất thiết phải chạy theo quan điểm sai lầm cố bằng bạn bằng bè.
Quan trọng nhất, là nếu chi tiền cho những loại đồ uống không phải thuộc dạng cấp thiết cao hơn chi cho tiền ăn, thì có vẻ như một số người đang không quan tâm đến một trong những tài sản quan trọng nhất của đời người, là sức khỏe.