Xử phạt ô tô chưa sang tên chính chủ: “Quy định chỉ mang tính tình thế!”

Xử phạt ô tô chưa sang tên chính chủ: “Quy định chỉ mang tính tình thế!”
(PLO) - Đó là khẳng định của Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) khi trao đổi với PLVN xung quanh câu chuyện xử phạt hành vi không sang tên phương tiện (ô tô) bắt đầu từ ngày 1/1/2015.

Không phù hợp nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

PV: Trong quan hệ mua- bán, tặng- cho hoặc thừa kế… tài sản là xe ô tô thì việc sang tên chuyển quyền sở hữu phương tiện thuộc quan hệ dân sự, do luật dân sự điều chỉnh. Nhưng theo Nghị định 171/2013 thì lực lượng Cảnh sát giao thông được quyền xử phạt đối với hành vi không sang tên phương tiện. Quan điểm của Luật sư vấn đề này?
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật: Theo tôi, quy định tại Khoản 4 Điều 30 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang tồn tại nhiều bất cập.
Thứ nhất, Nghị định quy định xử phạt đối với “chủ xe” là không công bằng. Điều 439 Bộ Luật dân sự qui định: “đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó.” Với xe ô tô thì Giấy chứng nhận đăng ký xe là tài liệu chứng minh quyền sở hữu và pháp luật bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu. Như vậy, trước khi sang tên Giấy chứng nhận đăng ký xe thì người bán vẫn được coi là “chủ xe” - chủ sở hữu.
Thông thường sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, việc hoàn tất các thủ tục, bên bán (chủ xe) sẽ bàn giao cho bên mua thực hiện. Luật dân sự không hạn chế các bên thoả thuận về việc này.Vậy nhưng, nếu vì lý do nào đó mà người mua chậm trễ hoặc không sang tên thì chủ xe (bên bán) lại bị phạt? Điểm này không phù hợp (thậm chí trái) nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính qui định tại khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính. Đó là “Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng….bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật (…) phải căn cứ vào tính chất, đối tượng vi phạm…”.
Xem xét từ khía cạnh khoa học pháp lý thì chủ xe không có “lỗi” trong việc người mua xe vi phạm, nên không thể xử phạt họ được.
Thứ hai, với qui định Nghị định 171 dường như pháp luật đang tăng thẩm quyền và trách nhiệm của Cảnh sát giao thông vào quan hệ dân sự, chồng lấn trách nhiệm của cơ quan thuế, cơ quan đăng ký xe. Điều này làm mất thêm thời gian xử lý vi phạm, rồi có ai đảm bảo lực lượng Cảnh sát giao thông không lấy lý do chứng minh tư cách chủ xe để hạch sách dân?  
Việc xử phạt cũng có thể gây bất ổn trong xã hội, bởi mỗi lần người ta thuê, mượn xe phải có hợp đồng (có thể lại buộc phải được công chứng), hay phải mang theo hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, bản khai lý lịch…. Đặc biệt khó khăn khi người cho mượn xe bị chết, đi nước ngoài, mất tích hay ách tắc trong việc khai nhận di sản thừa kế. Nhiều vụ thừa kế kéo dài 10 năm hoặc tài sản có giá trị thấp mà họ không làm thủ tục khai nhận di sản thì sao? Cảnh sát giao thông không thể nào yêu cầu hay chờ chủ xe làm/cung cấp đầy đủ thủ tục mới trả xe hay giải quyết vụ việc. Nhưng nếu giữ lại thì hết thời hiệu xử phạt, xử lý, hư hỏng tài sản và làm mất quyền sử dụng của người quản lý xe.
Bắt đầu từ 1/1/2015, sẽ xử phạt xe ô tô không chính chủ (ảnh minh họa từ Internet)
Bắt đầu từ 1/1/2015, sẽ xử phạt xe ô tô không chính chủ (ảnh minh họa từ Internet)
Quy định mang tính tình thế
PV: Để tạo thuận lợi cho người dân làm thủ tục đăng ký, sang tên phương tiện, Bộ Công an và Bộ Tài chính đã ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn theo hướng đơn giản thủ tục cũng như giảm tiền nộp phí trước bạ sang tên, nhưng nhiều người vẫn cho rằng họ còn bị các cơ quan chức năng gây phiền hà. Mặt khác, do thói quen lâu nay của hầu hết người dân vẫn chưa coi trọng việc sang tên đổi chủ phương tiện sau khi mua, bán, cho tặng hoặc nhận thừa kế. Theo Luật sư, thời điểm 1/1/2015 đã đủ điều kiện cần thiết để tiến hành xử phạt?
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật: Tôi cho rằng thời điểm này chưa thật sự chín muồi để xử phạt mà chỉ nên khuyến khích người dân sang tên khi chuyển nhượng. Vì sao tôi nói vậy? Vì một bộ phận người dân thu nhập chưa cao nên khi sang tên nộp thuế sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là cách thức xác định mức thuế của chúng ta chưa thật sự hợp lý. Nhiều xe giá trị còn lại rất thấp nhưng thuế nộp quá cao, điều này cũng làm giảm nhu cầu sang tên.
Bên cạnh đó, thủ tục sang tên và nộp thuế vẫn còn hạn chế. Người dân thông thường phải đi lại vào giờ hành chính và không dưới ba lần để hoàn thành  thủ tục chuyển nhượng sang tên.
Một lý do nữa là bộ máy hành chính liên quan đến thủ tục sang tên chưa thật sự tinh gọn hiệu quả. Thủ tục và tài liệu yêu cầu còn nhiều, chưa dựa trên sự cam kết cá nhân. Riêng yêu cầu hợp đồng phải được công chứng, tài liệu phải được chứng thực hợp lệ đã phát sinh thêm chi phí, thời gian, thủ tục cho dân. Tại một số quốc gia khác, cá nhân đăng ký tự cam kết và tự chịu trách nhiệm nếu cung cấp tài liệu sai hay giả mạo. Điều này cũng phụ thuộc vào sự đồng bộ và tính cưỡng chế cao của pháp luật.
Theo tôi, người đi xe chỉ cần xuất trình bản chính giấy đăng ký xe và cam kết có quyền sử dụng hợp pháp thì được coi là đủ điều kiện làm thủ tục sang tên.
PV:  Theo Nghị định 171/2013, việc xử phạt lỗi không sang tiên phương tiện sẽ thông qua công tác điều tra khi người điều khiển phương tiện gây TNGT nghiêm trọng trở lên, khi đi đăng ký xe. Có nghĩa là những người dù chưa sang tên phương tiện nhưng không gây TNGT nghiêm trọng thì sẽ không bị xử phạt. Luật sư có cho rằng quy định này sẽ tạo nên tình trạng bất bình đẳng trong việc quản lý cũng như xử phạt hành vi vi phạm?
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 74 Nghị định 171 thì:“ Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1, Khoản 4 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên; qua công tác đăng ký xe.”
Quy định như trên là bất cập và chỉ mang tính tình thế, bởi chúng ta đã gián tiếp chấp nhận thực tế là có việc chuyển nhượng nhưng không sang tên. Không chỉ vậy, đọc nội dung điều luật này thì ai cũng thấy một sự thật: có người không tuân thủ pháp luật nhưng không bị xử lý vi phạm.
- Trân trọng cám ơn Luật sư !

Đọc thêm

Dựng barie chắn ngõ nhỏ tại Hà Nội: Cần xử lý hợp tình, hợp lý

Barie chắn đầu ngõ 126 Thượng Đình giờ cao điểm. (Nguồn: MXH)

(PLVN) - Trong giờ cao điểm, nhiều người tận dụng những ngõ nhỏ giao cắt làm đường tắt để rút ngắn thời gian di chuyển nhưng chính hành động này không chỉ gây phiền toái cho người dân sống trong các ngõ nhỏ mà còn trực tiếp gây ùn tắc giao thông, gia tăng khó khăn cho lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết.

Dự án sân bay Long Thành: Đề xuất dùng nguồn tiết kiệm làm đường cất hạ cánh thứ 2

Dự án sân bay Long Thành đang được xây dựng. (Ảnh: Thiên Phúc)
(PLVN) - Ngày 15/11, TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đã đề xuất dùng tiền tiết kiệm từ chi phí dự phòng và đấu thầu để xây dựng đường cất hạ cánh thứ 2 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành. ACV cho rằng nguồn tiết kiệm trong quá trình thực hiện dự án thành phần 3 của dự án góp phần quan trọng trong việc đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Tàu SE7 trật bánh khi qua Hà Tĩnh

Tàu SE7 trật bánh khi qua địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: CTV
(PLVN) - Tàu SE7 bị trật bánh khỏi đường ray khi qua địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hành khách đã được di chuyển bằng ô tô đến ga mới để tiếp tục hành trình.

Kiến nghị ngừng gia hạn hoạt động xe điện ở Lâm Đồng

Kiến nghị ngừng gia hạn hoạt động xe điện ở Lâm Đồng
(PLVN) - Hai công ty xe điện hoạt động ở TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) có nhiều vi phạm chiếm tỷ lệ 61,33% trên tổng số đầu xe đang hoạt động trên địa bàn. Công an tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị ngừng gia hạn và cấp mới loại hình xe điện đối với 2 công ty này.

Dự án sân bay Long Thành: Đường cất, hạ cánh dự kiến sẽ vượt tiến độ 3 tháng

Sân bay Long Thành sẽ có thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác ILS/DME đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về hàng không. (Ảnh: Phan Trang)
(PLVN) - TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT về tiến độ triển khai dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1.