Tận cùng bất hạnh
Lúc chúng tôi đến, bà Trần Thị Luyến (SN 1962, bà ngoại cháu Vy) vừa đi nhận thuốc cho cháu về nhà. Được biết, Vy là con út trong gia đình có 2 anh em. Chị N, mẹ của Vy từng có chồng và sinh được một con trai. Được ít năm, người chồng này bị bệnh qua đời, chị N lấy người chồng thứ 2 và sinh được bé Vy.
Năm 2009, khi bé Vy vừa lọt lòng mẹ được 2 tháng thì người mẹ qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Không lâu sau khi mẹ mất, người bố vô tâm đã ruồng bỏ Vy. Gia đình bên nội cũng không một lần hỏi han, chăm sóc.
Không đành lòng để cháu ngoại mồ côi, bà Luyến đón hai anh em Vy về nhà nuôi. Gia cảnh bà Luyến đã nghèo khó, lại nuôi thêm 2 đứa cháu nhỏ khiến cuộc sống vô cùng khó khăn. Vy còn trong giai đoạn cần sữa mẹ nên bà Luyến đành phải mua sữa hộp cho Vy uống. Không có sữa mẹ nên Vy èo uột, đau ốm liên miên.
Thế nhưng, bất hạnh của Vy chưa phải đã hết, em còn mang trong mình căn bệnh thế kỷ và bị những người xung quanh kỳ thị, xa lánh. Năm 2010, trong một lần Vy bị ốm phải nhập viện. Sau khi làm xét nghiệm máu, các bác sĩ thông báo cháu bé bị phơi nhiễm HIV từ mẹ.
“Lúc đó, tôi chỉ biết ôm cháu vào lòng rồi khóc than. Con gái vừa mới mất, giờ lại nhận hung tin này, tôi nhiều lần định tìm đến cái chết cho xong, nhưng rồi nghĩ lại 2 đứa cháu mồ côi tội nghiệp của mình không ai nuôi nấng nên tôi lại ngậm ngùi sống tiếp để chăm sóc cho chúng đến bây giờ…", bà Luyến xót xa nói.
Cũng theo lời bà Luyến, vì sợ cháu mình bị xa lánh, kỳ thị nên lúc đầu bà cố gắng giấu, không cho ai biết chuyện Vy bị phơi nhiễm HIV. Thế nhưng về sau, lương tâm bà cảm thấy cắn rứt. Bởi bà sợ những lúc vui chơi, không may vô tình căn bệnh của Vy sẽ lây nhiễm cho người khác nên bà đành nói ra sự thật. Những tưởng khi nói ra sự thật sẽ nhận được sự đồng cảm của mọi người nhưng không ngờ bi kịch lại bắt đầu từ đó.
Nơi bà Luyến ở là xã miền núi xa xôi nhất huyện Đại Lộc, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều thiếu thốn, nhận thức của nhiều người dân về các bệnh xã hội còn mơ hồ. Vì thế khi nghe tin Vy bị nhiễm HIV, mọi người dần dần xa lánh. Họ không cho con cháu chơi với Vy, thậm chí trường học cũng không chấp nhận.
Bà Luyến đã nhiều lần đưa cháu đến trường nộp hồ sơ xin cho Vy học nhưng đều bị từ chối, bởi nhà trường sợ căn bệnh của Vy lây sang các bạn. Vậy là, Vy suốt ngày lủi thủi chơi một mình với những món đồ chơi bà ngoại mua cho.
Kể từ khi phát hiện cháu ngoại bị nhiễm HIV, cuộc sống của bà Luyến càng thêm khổ sở. Do cả gia đình chỉ biết trông vào 2 sào ruộng khoán nên cuộc sống của ba bà cháu bữa đói bữa no. Mỗi tháng 2 lần, bà phải vượt gần 100 cây số đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Nam xin thuốc điều trị cho Vy. Mang trong mình căn bệnh thế kỷ, lại không được ăn uống đủ chất dinh dưỡng nên Vy ngày càng gầy ốm, sức khỏe giảm sút.
Con không muốn chết, con muốn đi học
Đang chơi một mình trước sân nhà, thấy phóng viên đến, Vy vội chạy ra cổng dắt chúng tôi vào nhà. Mặc dù là người lạ nhưng Vy không ngần ngại bắt chuyện, cười nói vui vẻ. Có lẽ do bị kỳ thị, xa lánh một thời gian dài nên bé Vy lúc nào cũng mong muốn có người trò chuyện với mình.
Khi được hỏi vì sao phải uống thuốc, Vy ngây thơ trả lời: “Bác sĩ bảo một ngày cháu không uống thuốc là cháu sẽ chết. Nhiều người còn bảo bệnh của cháu có khi tối đi ngủ, ngày mai dậy là sẽ chết. Nhưng cháu sợ chết lắm chú ơi!, cháu không muốn chết, cháu muốn sống mãi với bà và anh…".
Hỏi về ước mơ, Vy hồn nhiên chia sẻ: "Cháu muốn được đi học để sau này trở thành bác sĩ, cháu muốn có nhiều bạn vì ở đây không ai chơi với cháu cả. Thầy cô cũng không cho cháu đi học”. Những lời nói ngây thơ của Vy khiến chúng tôi không cầm được nước mắt...
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ với bà Trần Thị Luyến (thôn An Tân, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Số điện thoại: 0932.549.961.