[links()]Một băng nhóm côn đồ miệt vườn vô cớ tấn công, đập phá nhà người dân. Chủ nhà cùng vợ con chống trả, hai bên xô xát, ẩu đả gây thương tích nhưng hành vi côn đồ có tổ chức không bị cơ quan tố tụng xem xét đến, những người tự vệ bị khởi tố tội “cố ý gây thương tích”. Vụ án gây xôn xao dư luận bởi có quá nhiều khuất tất…
Tòa mâu thuẫn chính mình
Loạt bài “Sóc Trăng: Bao che côn đồ miệt vườn” đăng trên Báo PLVN đã gây xôn xao dư luận. Người dự khán và tham gia tố tụng trong phiên sơ thẩm vụ án này ngày 12/03/2013 tại TAND huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã rất bức xúc khi chứng kiến việc xét xử. Luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo cho rằng, vụ án có quá nhiều vi phạm về tố tụng hình sự và dẫn chiếu các điều luật chứng minh cho sự vi phạm đó.
Đêm Sóc Trăng |
Ngược lại, đại diện viện kiểm sát (VKS) và LS bảo vệ quyền lợi cho bị hại đưa ra các nhận định chứ không đưa ra điều luật buộc tội khiến cho người dự khán bất bình. Trước đó, Tòa từng có Quyết định số 01/2013/HSST ngày 04/02/2013 trả hồ sơ điều tra bổ sung vì: “…chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung được tại tòa và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
Trả lời quyết định này, VKSND huyện Long Phú có Công văn số 01/CV.VKS ngày 07/02/2013 giữ nguyên quyết định truy tố. Câu hỏi đặt ra là, có vi phạm tố tụng hay không?. Quyết định của Tòa ngày 04/02/2013 là trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhưng ngày 12/03/2013 chưa điều tra bổ sung vì sao Hội đồng xét xử (HĐXX) vẫn đưa vụ án ra xét xử?.
Vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Việc cấp sơ thẩm có vi phạm tố tụng hay không, chúng tôi nêu ra để rộng đường dư luận. Vi phạm thứ nhất: VKSND Long Phú ban hành Quyết định số 03/QĐ.VKS ngày 05/12/2011 gia hạn điều tra lần 2 là trái luật, điều này được chứng minh tại hồ sơ vụ án. Ngày 12/10/2011, Cơ quan điều tra (CQĐT) huyện Long Phú có Quyết định số 25 khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự.
Trong thời gian điều tra theo luật định là 2 tháng, CQĐT tiến hành các họat động khởi tố bị can Trần Hữu Đức theo Khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự (BLHS) và lấy lời khai của những tham gia tố tụng. Gần hết thời hạn điều tra, cơ quan này yêu cầu VKSND huyện Long Phú gia hạn điều tra lần thứ nhất, thời hạn 2 tháng.
Yêu cầu này được VKSND huyện Long Phú chấp thuận, ra Quyết định gia hạn điều tra lần 1. Gần hết thời hạn điều tra gia hạn lần 1, CQĐT lại yêu cầu gia hạn lần 2, VKSND ra Quyết định số 03/QĐ.VKS ngày 20/01/2012 “gia hạn điều tra lần 02 trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày 09/02/2012 đến ngày 08/04/2012.”
Theo Điều 8 BLHS thì tội phạm được quy định ở Khoản 1 Điều 104 BLHS mà CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trần Hữu Đức được xác định là tội ít nghiêm trọng. Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: Thời hạn điều tra đối với tội ít nghiêm trọng là không quá 2 tháng, CQĐT có thể gia hạn một lần nhưng không quá hai tháng.
Như vậy, tổng thời hạn điều tra đối với tội ít nghiêm trọng là không quá 4 tháng kể từ ngày khởi tố vụ án. Như vậy Quyết định số 03/QĐ.VKS nêu trên gia hạn điều tra ở lần thứ 2 là trái pháp luật.
Vi phạm thứ hai là trong giai đoạn truy tố, Điều tra viên tiếp tục điều tra, hỏi cung bị can, ghi lời khai nhân chứng, người có nghĩa vụ liên quan… ; nhiều biên bản không có Kiểm sát viên tham gia trong khi VKS không có quyết định trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung, hoạt động điều tra đó là trái luật tố tụng.
Cụ thể, ngày 06/04/2012, KLĐT số 09 kết luận điều tra vụ án “Cố ý gây thương tích theo Khoản 2, Điều 104, BLHS”, chuyển sang VKSND huyện Long Phú. VKSND huyện Long Phú thụ lý vụ án, sau đó Điều tra viên làm trái luật như sau:
Biên bản hỏi cung bị cáo Trần Thanh Nhựt lúc 7h30 ngày 28/4/2012, kết thúc 9h45 do Điều tra viên Lê Anh lấy lời khai (BL số 222); biên bản lời khai của Trần Hiệp Lực ngày 25/4/2012, BL 193 - 194; biên bản lời khai Quách Việt Thắng ngày 25/4/2012, BL 191 - 192; biên bản đối chất bị hại và Trần Hiệp Lực ngày 25/4/2012, BL 250…
Theo luật định, vụ án này phải chấm dứt điều tra sau khi khởi tố 4 tháng, tức ngày 12/2/2012, những kết quả điều tra sau ngày này liệu có giá trị pháp lý để giải quyết vụ án, đặc biệt là để buộc tội bị cáo?.
Trả hồ sơ bổ sung lần 3
Trong khi đó, Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung tới 3 lần là vi phạm pháp luật. Điều 121 Khoản 2 BTTHS quy định: “…Tòa án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần”. Trong vụ án này, Tòa án đã 3 lần ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Lần1, Thẩm phán thụ lý ra Quyết định số 04/2012/HSST ngày 13/06/2012 trả hồ sơ điều tra bổ sung vì “…Xét thấy chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung được và có đồng phạm khác ….”. VKSND huyện Long Phú ra Công văn số 120/CV.VKS ngày 14/06/2012 gửi Tòa giữ nguyên quyết định truy tố.
Lần 2, HĐXX ra Quyết định số 06/2012/HSST-QĐ ngày 16/08/2012 trả hồ sơ điều tra bổ sung vì “chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung được tại tòa, có đồng phạm khác và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
VKSND Long Phú có Quyết định số 04/QĐ.VKSND ngày 28/08/2012 trả hồ sơ điều tra bổ sung và chuyển giao cho CQĐT tiến hành điều tra bổ sung, thời hạn điều tra bổ sung “ không quá 1 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung này”.
Đến hết hạn điều tra bổ sung, CQĐT vẫn chưa kết luận mà tiếp tục điều tra thêm 2 tháng 24 ngày nữa. Lần 3, HĐXX ra Quyết định số 01/2013/HSST ngày 04/02/2013 trả hồ sơ điều tra bổ sung vì “… chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung được tại tòa và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
Lần này, VKSND huyện Long Phú ra Công văn số 01/CV.VKS ngày 07/02/2013 gửi Tòa án giữ nguyên quyết định truy tố. Sau phiên xử, án sơ thẩm bị kháng án. PLVN sẽ thông tin tiếp vụ án có nhiều vi phạm tố tụng này.
Ngọc Long