Cơn gió hoang dại, ẩm ướt, hăng hắc cỏ cây và tanh nồng mùi bùn thi thoảng xộc tới xua bớt cái gay gắt của trưa nắng và hơi nóng hầm hập phả ra từ các lò nung gạch. Mấy bộ quần áo rách bươm của dân làm gạch thuê phơi bên hè cứ phất phơ như miếng giẻ lau. Nhiều tấm tôn cũ ghép thành những chái nhà lụp xụp là chỗ ăn, ngủ quanh năm của mười mấy gia đình.
“Dép còn có số huống chi người”
Người đàn ông tên Dũng ngoài 60 tuổi, làm nghề nung gạch đã hơn 10 năm. Nửa mái đầu ông bạc trắng, da sạm đen đang lúi húi cào muội than và tàn tro trong mấy cái lò lạnh ngắt. Đôi tay ông đen đúa, rắn rỏi sục vào lò xúc ra từng xẻng tro đầy đổ vào mấy bao năm mươi vứt lòi thòi dưới đất.
Miệng lò bên cạnh, cậu thanh niên ốm tong đang loay hoay nhấc từng bao tro nện bịch bịch xuống nền đất khiến bụi bay tung tóe. Chiếc mũ vải cũ mèm của cậu đã gãy vành, sùm sụp che mất chỏm tóc trơ trụi. Gò má cậu bé nhô cao, đôi mắt lộ ra, cái quần dài ống cao, ống thấp đã giựt lên gần chạm đầu gối. Cậu bé lầm lũi vác từng bao tro đi ngang qua.
Ông Dũng gác xẻng, cho thêm củi vào mấy cái lò đang rừng rực cháy, nhấp sâu ngụm trà khề khà nói: “Ở quê tui mần mướn, mần ruộng cực như trâu, như bò mà vẫn thiếu đói cô ơi! Vợ tui mất sớm, con cái có gia đình hết nhưng tụi nó cũng nghèo xác xơ. Tui lọ mọ lên thành phố phụ hồ, làm gạch. Quanh năm suốt tháng, tui lẩn quẩn bên khoảnh đất này, hàng đêm thức trắng để canh lửa. Mang tiếng sống ở thành phố mà thiệt tình tui hổng biết quận Nhứt nó tròn, méo ra sao. Dư được chút đỉnh, tui gởi về quê cho sắp nhỏ nó mừng. Nghe phong thanh đâu đó xảy ra nhiều vụ sập lò làm tui cũng ơn ớn. Mà thôi, dép còn có số huống chi là người”. Ông Dũng thở dài, hướng đôi mắt mờ đục nhìn xa xăm.
Tôi nhìn sang bức tường bịt bùng, cao ngất, bên trong nung mấy chục ngàn viên gạch, chợt rùng mình khi nhớ lại vụ lò gạch cạnh sông Ngóc, thôn Cổ Châu, xã Châu Can, Phú Xuyên, Hà Tây bất ngờ đổ ập vào một buổi chiều định mệnh.
Sáu phụ nữ và những quang gánh, nón, dép, khăn rằn nằm vương vãi bị chôn vùi dưới đống gạch đổ nát, bốn người khác bị thương. Tiếng gào khóc thảm thiết của những đứa trẻ xóm nghèo mất mẹ khiến nhiều người chứng kiến không cầm được nước mắt. Thấy thương thắt lòng cho những thân phận phu lò gạch.
Đỏ gạch, đen đời
Tôi đi qua mấy lán gỗ dựng tạm bợ. Ngoài sân, nhiều dáng người còm nhom, đen đủi vẫn hì hụi đẩy từng vuông đất sét tươi rói hình viên gạch vừa mới thành hình đem phơi. Ông Dũng bảo lò gạch này toàn dân Trà Vinh lên làm thuê.
Hiếm hoi lắm tôi mới hỏi được dăm ba câu đứt quãng bởi ai nấy đều chúi mũi vào công việc. Dì Biên, 48 tuổi, vừa đẩy xe gạch ra sân, miệng thở hồng hộc nói: “Làm gì có đứa con gái nào dám chôn chân ở đây hả cô? Đồng lương mỗi tháng chỉ vài trăm ngàn bèo bọt, nội cái nắng rát, cực nhọc cũng đủ làm tụi nó tàn tạ rồi”.
Phía cuối lò, ba thanh niên mình mẩy lem luốc đứng xén đất trên đống đất sét đổ cao ngất như quả đồi, ném từng tảng vào máy nghiền đang nổ bành bạch và “nuốt” đất liên tục như một gã tham ăn. Trên miệng máy, một thanh niên phơi tấm lưng trần bóng nhẫy mồ hôi đu vắt vẻo trên sợi dây thừng, hai chân anh ra sức giẫm, đạp, nhồi đất vào máy xay.
Công việc của anh khá nguy hiểm. Chỉ cần sơ sảy thôi là cái máy nghiền nát cặp giò chứ chẳng chơi. Đã có nhiều người bị tai nạn mãi mãi chịu cảnh tàn phế như Tình, 22 tuổi, làm cho một cơ sở sản xuất gạch ở Thanh Hóa. Trong một phút lơ đễnh, Tình nhồi, đạp đất quá đà nên bị máy “nhai” luôn chân trái đến tận đùi.
Người ta phải gọi bác sĩ đến tận nơi để cắt đi phần xương thịt đã bị xay nát mới lôi được Tình ra khỏi miệng cỗ máy. Trước đó, đã có bốn ca tai nạn lao động tương tự bị máy ép nghiền nát chân được đưa đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu trong tình trạng bị thương rất nặng…
Người phụ nữ gầy trơ xương đứng gần máy cắt gạch, một tay chị thoăn thoắt chuyển gạch còn ướt lên xe đẩy, tay kia vứt những viên bị sứt, mẻ sang chỗ thằng nhóc có vẻ mặt ngơ ngơ, khờ khạo. Thằng nhỏ hì hụi ôm mớ gạch hư ném trở lại cỗ máy xay như chú ong cần mẫn. Chiếc quần cụt nó mặc bật cong như lò xo, cái áo thun bị toạc nách lộ ra cả phần da thịt mốc thếch. Thi thoảng, nó liếc sang tôi nở nụ cười ngờ nghệch. Nghe đâu nó bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha chiến đấu ở chiến trường Campuchia trở về nên mới khù khờ như thế.
Mùa màng thất bát, cả nhà nó dắt díu nhau lên Sài Gòn kiếm cơm. Cha nó xén đất, mẹ đẩy gạch ra sân phơi, còn nó thì phụ bưng bê lặt vặt. Nhìn gương mặt non nớt của nó dính đầy bùn đất, lăng xăng bên máy cắt gạch, lòng tôi chợt dấy lên niềm thương cảm khó tả. Nó khiến tôi nhớ đến thằng nhỏ có đôi mắt to lồ lộ đứng co ro trú mưa bên cây xăng góc ngã tư Bình Thái mà tôi gặp cách đây mấy hôm. Trên mình cu cậu khoác tấm áo phong phanh đã ướt nhoẹt, môi tím tái.
Cậu bé bưng mẹt bánh cam bằng bàn tay to bè, tay còn lại chỉ còn lủng lẳng cái cùi chỏ. Em trả lời lí nhí khi tôi thắc mắc vì sao em chỉ còn một bàn tay lành lặn. Chất giọng trọ trẹ rặt Quảng Trị của em nghe thiệt não lòng: “Em bị cái máy đóng gạch nó “ăn” đó chị nờ, chừ hết làm chi được rồi”. Cơn mưa chiều vừa tạnh, cái dáng gầy đét, liu xiu của em bươn bả giữa cuộc mưu sinh đầy lam lũ…
Tôi ra về khi chiều chạng vạng, phía tây chỉ còn một chút màu vàng nhòe nhoẹt trên nền trời. Những bóng người vật vờ, lòng khòng như những dấu hỏi nguệch ngoạc lầm lũi trong đêm. Lò vẫn rực lửa, gạch vẫn đỏ hừng hực nhưng những mảnh đời bên lò gạch lại đen như muội than.