Nói các thành viên HĐQT biết thỏa thuận góp vốn là thiếu căn cứ
Tại phiên tòa, đại diện VKS viện dẫn ý kiến của LS Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) cho rằng các thành viên của HĐQT đã biết và thống nhất để bị cáo Thăng ký bản thỏa thuận góp vốn với Hà Văn Thắm vào tháng 18/9/2008, Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Ngọc Sự là thành viên HĐQT nên khi báo cáo việc thỏa thuận với Oceanbank đương nhiên nắm được, đồng ý.
Đối đáp ý kiến nêu trên, đại diện VKS khẳng định, Nguyễn Xuân Sơn chỉ là Trưởng ban trù bị của Ngân hàng Hồng Việt và Nguyễn Ngọc Sự chỉ là Phó Tổng giám đốc PVN phụ trách tài chính chứ không phải thành viên HĐQT. Việc thỏa thuận góp vốn được ký kết giữa bị cáo Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐTV PVN và Hà Văn Thắm là Chủ tịch HĐQT Oceanbank, các thành viên HĐQT PVN chỉ biết vào ngày 30/9/2008.
Công tố viên lập luận, theo quy định của Chính phủ và nội quy của PVN thì vấn đề góp vốn phải được HĐQT PVN lấy ý kiến, biểu quyết theo nguyên tắc tập thể. "Do đó, ý kiến của luật sư cho rằng, các thành viên HĐQT PVN đã biết, mặc nhiên thống nhất là không có căn cứ”- VKS nêu quan điểm.
Bị cáo Thăng ý thức được vi phạm
VKS phân tích, bản thân bị cáo Đinh La Thăng ý thức được hành vi vi phạm pháp luật khi ký thỏa thuận góp vốn nên vào đầu năm 2017, khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung Ương kiểm tra, bị cáo đã nhờ một số người nguyên là thành viên HĐQT PVN xác nhận bị cáo đã có bàn bạc, thống nhất chủ trương và giao cho bị cáo thực hiện ký thỏa thuận góp vốn. Khi chưa bị khởi tố, bị cáo đã đưa ra tài liệu này để chứng minh đã có sự thống nhất của các thành viên HĐQT. Tuy nhiên, CQĐT đã chứng minh việc này không phải sự thật.
Đại diện VKS cho hay, luật sư Hoài có đề nghị VKS giải thích vì sao kết luận điều tra có đưa nội dung trên nhưng cáo trạng truy tố loại bỏ và đến luận tội lại đưa ra để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo Thăng. Về nội dung này, đại diện VKS đề nghị LS theo dõi lại nội dung cáo trạng đã nêu rất rõ hành vi che giấu sự thật của bị cáo Thăng.
Đối với ý kiến của bị cáo Thăng cùng một số luật sư cho rằng công văn của Bộ Tài chính chỉ gửi PVN để biết, không phải yêu cầu thực hiện, những nội dung của công văn này chỉ mang tính “khuyến nghị”, theo VKS lập luận này không đúng vì nội dung công văn đề nghị PVN phải báo cáo rõ và phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư vào Ocenbank.
Đối đáp ý kiến các luật sư thừa nhận lần góp vốn thứ ba không phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng, song được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và không có sự cảnh báo nào nên Nghị quyết lần 3 không vi phạm. VKS nhìn nhận, Luật Các tổ chức tín dụng ra đời và có hiệu lực trước đó 5 tháng mà vẫn ký nghị quyết để nắm giữ 20%, trong khi luật quy định 15%.
“Các bị cáo nói không có sự cảnh báo nào của cơ quan có thẩm quyền nên mặc nhiên thực hiện coi đó là đúng. Ở văn bản nào, quyết định nào nói phải có sự cảnh báo, phải có sự nhắc nhở thì đó mới là vi phạm pháp luật. Đó là sự nhận thức rất không phù hợp của các bị cáo, không có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, cố ý thực hiện các hành vi trái pháp luật...”, đại diện VKS phát biểu.