Kênh tuyên truyền pháp luật hiệu quả
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Đỗ Xuân Lân (Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) cho hay, qua nghiên cứu các quy định của Hiến pháp và pháp luật cho thấy hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về việc xét xử lưu động (XXLĐ), chưa rõ tiêu chí để đưa một vụ án ra XXLĐ cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình XXLĐ. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 16, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) 2012 cũng quy định rõ “TAND các cấp thông qua công tác xét xử tại trụ sở, lựa chọn các vụ án thích hợp có tính giáo dục cao để tổ chức XXLĐ nhằm PBGDPL cho người tham dự phiên tòa và nhân dân”.
Kết quả sơ kết 3 năm triển khai thi hành Luật PBGDPL cho thấy, hoạt động XXLĐ đã được các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện, được áp dụng phố biến và có xu hướng tăng dần về số lượng, trong đó chủ yếu là án hình sự. Đa số các tỉnh, thành phố đều khẳng định XXLĐ là một hình thức mang lại nhiều hiệu quả trong việc PBGDPL, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, đánh giá thực trạng, cả những tác động tích cực, tiêu cực của hoạt động XXLĐ, để có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, trong đó có việc nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết phải tăng cường các hoạt động XXLĐ nhằm tăng cường công tác PBGDPL cũng như tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, tham mưu hoàn thiện pháp luật liên quan đến XXLĐ theo hướng làm rõ các tiêu chí để đưa một vụ việc ra xét xử lưu động…
Người dân xem một vụ xét xử lưu động. |
Đồng quan điểm trên, TS Hoàng Anh Tuyên (Vụ Pháp chế và khoa học VKSNDTC) cũng cho rằng, việc tổ chức phiên tòa XXLĐ vẫn có những giá trị, hiệu quả tác động đối với xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, phát huy những ưu điểm, giảm thiểu những hạn chế khi đưa vụ án ra XXLĐ thì TANDTC cần có hướng dẫn thống nhất về căn cứ, tiêu chí để lựa chọn, xác định vụ án đưa ra XXLĐ.
Đề cập đến ưu điểm của XXLĐ, TS Tuyên đánh giá, XXLĐ thể hiện tính công khai, minh bạch, dân chủ của hoạt động tư pháp nói chung, hoạt động xét xử của Tòa án nói riêng. XXLĐ tạo điều kiện cho nhiều người dân đến theo dõi việc xét xử, nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đạt hiệu quả, có tác dụng cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm hay giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, góp phần đấu tranh chống tội phạm…
Dưới góc nhìn của cơ quan báo chí, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Pháp luật Việt Nam Đặng Ngọc Luyến cũng cho rằng các phiên tòa XXLĐ là hình thức tuyên truyền rất có tác dụng, tác động trực tiếp đến đối tượng là số đông người dân với mặt bằng dân trí, nhận thức pháp luật khác nhau. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế thì đây là kênh PBGDPL cần được duy trì, nhân rộng.
Cần có tiêu chí cụ thể để tránh “tác dụng ngược”
Tuy ủng hộ việc tiếp tục duy trì XXLĐ nhưng hầu hết ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng, hoạt động XXLĐ trong thời gian qua cũng đã bộc lộ nhiều tiêu cực, trong đó không loại trừ “tác dụng ngược” như: phương thức thủ đoạn phạm tội trong vụ án được các đối tượng khác “học tập” hay vụ án có nhiều yếu tố bạo lực, rùng rợn, liên quan đến xâm hại tình dục… sẽ là không phù hợp với đối tượng người theo dõi XXLĐ là trẻ em.
Liên quan đến vấn đề này Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Pháp luật Việt Nam Đặng Ngọc Luyến dẫn chứng, trong một số vụ án được đưa ra XXLĐ, có những cơ quan báo chí khi phản ánh đã sa vào việc mô tả quá chi tiết hành vi phạm tội với những tình tiết rùng rợn, ly kỳ kích thích sự tò mò của đám đông, của dư luận dẫn đến những phản cảm nhất định cho người đọc, người xem. Bên cạnh đó thì việc đưa bị cáo ra xét xử trước hàng ngàn người, ngay tại nơi mình sinh sống với người thân, họ hàng, làng xóm… gây những áp lực rất lớn cho không những bị cáo mà cả người thân của họ, ảnh hưởng nhất định đến con đường hoàn lương của bị cáo sau này…
Dưới góc nhìn của một Luật sư (LS), ông Đặng Văn Cường (VPLS Chính Pháp) nhìn nhận, có thể do sức ép của đông đảo người dân nên dường như các bị cáo bị đưa ra xét xử lưu động thường bị HĐXX tuyên “nặng tay” hơn so với những vụ án được xét xử tại trụ sở tòa án. Đặc biệt, với mục đích, tính chất của XXLĐ thì khó có cơ hội để tòa án tuyên bố bị cáo không phạm tội vì trước khi đưa ra xét xử thì dường như bị cáo đã mặc nhiên bị coi là có tội. Trong khi đó, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa án.
Người dân tới xem xét xử vụ thảm án ở Yên Bái được xét xử lưu động |
Đồng tình với những đánh giá trên, TS Hoàng Anh Tuyên cho rằng việc lựa chọn vụ án để đưa ra xét xử lưu động phải đáp ứng được tiêu chí xét xử công bằng, hiệu quả vì việc tổ chức phiên tòa XXLĐ thường rất khó khăn, tốn kém. Vì vậy, phải lựa chọn những vụ án có các chứng cứ, tình tiết đầy đủ, rõ ràng, có cơ sở vững chắc để buộc tội, kết tội đối với bị cáo. Hiệu quả XXLĐ không đạt được nếu đưa ra xét xử vụ án mà chứng cứ, tội danh còn nhiều vấn đề phải kiểm tra, tranh tụng làm rõ tại phiên toà, có khả năng kéo dài thời gian xét xử hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Để bảo đảm công bằng, hiệu quả thì những Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Kiểm sát viên được lựa chọn XXLĐ phải là người có kinh nghiệm, có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có sự phối hợp chặt chẽ với nhau cũng như phối hợp tốt với chính quyền địa phương nơi tổ chức phiên tòa XXLĐ để tổ chức công bằng, hợp lý, hiệu quả.
Đặc biệt, TS Tuyên nhấn mạnh, không đưa ra XXLĐ đối với bị cáo, người bị hại là đối tượng yếu thế trong xã hội (như người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần) hoặc những vụ án mà người bị hại bị xâm phạm tình dục, có thể ảnh hưởng xấu đến thuần phong, mỹ tục…
Đề cập cụ thể hơn, đại diện Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị, hiện nay Thông tư liên tịch số 01/2011 của VKSNDTC- TANDTC- Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên quy định: “Tòa án có thể quyết định xét xử kín vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây ra để tạo thuận lợi cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ. Không XXLĐ vụ án do người chưa thành niên gây ra, trừ trường hợp cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm”. Vì vậy, hiện nay nhiều trường hợp thì Tòa án lấy lý do cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm ở địa phương để đưa người chưa thành niên ra XXLĐ. Điều này dễ gây tác dụng ngược như làm cho trẻ mặc cảm, tự ti, mất phương hướng, mất niềm tin vào sự khoan hồng, nhân đạo, khiến trẻ trở nên liều lĩnh hơn, khó cảm hóa, giáo dục.
Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Trẻ em 2016 (có hiệu lực từ tháng 7/2017) và BLTTHS 2015 cũng như có sự ra đời của Tòa Gia đình và người chưa thành niên thì cần sửa đổi Thông tư liên tịch số 01/2011 như trên theo hướng “Không XXLĐ vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi”.
Cần có hướng dẫn thống nhất đưa ra tiêu chí vụ án đưa ra XXLĐ
Theo quan điểm của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TANDTC), hiện nay việc đưa một vụ án ra XXLĐ do chính tòa án xét xử vụ án đó quyết định mà chưa có văn bản pháp luật nào quy định tiêu chí nào để đưa vụ án ra XXLĐ. Mỗi Tòa án tự đưa ra chỉ tiêu hoạt động XXLĐ khác nhau và thường dựa trên các tiêu chí như: Vụ án hình sự liên quan an ninh trật tự, an toàn xã hội mà gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận hoặc xâm phạm kinh tế và trật tự an toàn xã hội đã cản trở việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước hoặc gây ảnh hưởng chính trị mà dư luận xã hội đòi hỏi phải đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhằm đáp ứng yêu cầu chính trị, ngăn chặn tội phạm phát triển, góp phần giải quyết một tình trạng tiêu cực nhất định trong xã hội.
Ngoài ra, khi xác định các vụ án đưa ra XXLĐ còn căn cứ vào nhiệm vụ chính trị chung của cả nước, của địa phương; căn cứ vào khả năng thực tế trong việc giải quyết các vụ án hình sự của ba ngành Công an - Viện kiểm sát- Tòa án. Tuy nhiên, do không có quy định về tiêu chí đưa vụ án ra xét xử lưu động đã bộc lộ một số hạn chế như: đôi khi Tòa án chỉ mới quan tâm đến việc răn đe, giáo dục pháp luật chung mà chưa quan tâm đến danh dự, uy tín của bị cáo và thân nhân gia đình họ, chưa quan tâm đến việc giáo dục họ sống tốt hơn sau khi chấp hành hình phạt trở lại với cộng đồng; Việc tổ chức phiên tòa XXLĐ thường tốn kém về kinh phí; Bản án được ban hành bởi những phiên tòa lưu động cũng thường nghiêm khắc hơn; các Tòa án thường chọn lựa những án hình sự có tình tiết đơn giản, bị cáo thành khẩn khai báo, ít đương sự triệu tập tham gia phiên toà… để đưa ra XXLĐ.