[links()]Trao đổi về trường hợp anh Phạm Đức Ninh, một công an viên hi sinh trong trấn áp tội phạm có vũ khí đã hơn 5 năm nhưng chưa được công nhận danh hiệu liệt sĩ từng được PLVN phản ánh, ông Nguyễn Duy Kiên, Trưởng Phòng Chính sách 1, Cục Người có công (Bộ LĐ -TB&XH) cho biết, Cục Người có công đang xem xét lại và báo cáo lãnh đạo Bộ trình Chính phủ công nhận liệt sỹ cho anh Ninh.
|
Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước gặp gỡ bà con thôn Phú Bình (xã Phú Trung) lấy ý kiến tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng xem xét công nhận liệt sĩ cho anh Ninh. |
Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Phước, để bảo vệ an ninh trật tự cho địa bàn dịp chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, tối 23/6/2007, đồng chí Phạm Đức Ninh (công an viên xã Phú Trung, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình, huyện Bù Gia Mập) được UBND xã Phú Trung giao nhiệm vụ tiến hành tuần tra kiểm soát trên tuyến đường liên huyện.
Khoảng 21h cùng ngày, tổ tuần tra nhận được tin báo có đám thanh niên đang gây gổ tại một đám cưới trên địa bàn xã. Anh Ninh được giao nhiệm vụ xuống phối hợp với ông Ngô Văn Nho (Thôn phó thôn Phú Bình) để giải quyết.
Khi đã hòa giải xong thì một người đi xe máy đến, anh Ninh phát hiện dưới yên xe máy người này có một cây mã tấu nên yêu cầu giao nộp hung khí và giao cho ông Nho giữ để anh lập biên bản và kiểm tra giấy tờ tùy thân của đối tượng. Lúc đang lập biên bản thì một đối tượng khác chạy tới xin lại mã tấu nhưng anh Ninh kiên quyết không cho, liền bị chúng xông vào uy hiếp.
Khi các đối tượng nhào vào đánh anh Nho, anh Ninh phải đưa roi điện ra ngăn chặn, chúng liền bỏ chạy ra ngoài. Nhưng sau đó các đối tượng rủ thêm người và cầm hung khí bất ngờ quay lại tấn công anh Ninh. Anh Ninh gọi ông Nho chạy vào chốt bảo vệ nông trường Nghĩa Trung cách đó chừng 20m để huy động lực lượng. Do trời tối, vừa chạy vừa tránh hung khí của chúng nên anh Ninh đã vấp ngã. Các đối tượng này đã lấy chén đựng mủ cao su đánh vào đầu, vào mặt anh Ninh, khiến anh ngất xỉu và tử vong sau ba ngày cấp cứu.
Sau cái chết của anh Ninh, các cơ quan chức năng ở địa phương đã nhiều lần có công văn kèm hồ sơ liên quan gửi lên Cục Người có công yêu cầu công nhận danh hiệu liệt sĩ cho anh Ninh, nhưng đều nhận được văn bản trả lời: Căn cứ vào tiêu chuẩn đã quy định tại Nghị định số 54/2006/NĐ-CP thì trường hợp chết của đồng chí Phạm Đức Ninh “chưa đủ điều kiện để xác nhận liệt sĩ”, hay “đồng chí Ninh chưa thể hiện sự dũng cảm khi trấn áp tội phạm”.
Sự “chưa dũng cảm” được lý giải vì anh Ninh đã bỏ chạy khi đối mặt với nhóm tội phạm mà không xét đến nhóm côn đồ đó hung hãn thế nào, có vũ khí và đông gấp bao nhiêu lần lực lượng tự vệ?!.
Theo nghị định 54, dũng cảm không chỉ là đối mặt, không run sợ trước kẻ thù mà ở mục 3, Điều 3 còn là “dũng cảm đấu tranh hoặc ngăn chặn…”. Đồng chí Ninh đã hoàn thành được cả hai nhiệm vụ trên. Đầu tiên anh đã ngăn chặn thành công xung đột của hai nhóm thanh niên trong đám cưới, khi phát hiện hung khí đã tịch thu, lập biên bản. Tiếp đến anh cũng cương quyết đấu tranh không thỏa hiệp với đối tượng dù bị chúng bao vây uy hiếp bắt anh phải trả lại mã tấu.
Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định 54/2006/NĐ -CP của Chính phủ cũng quy định rất rõ: “Trưởng công an xã, phó trưởng công an xã, công an viên khi làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc dũng cảm làm công tác cấp bách, phục vụ quốc phòng, an ninh. Dũng cảm cứu người và tài sản của Nhà nước, của nhân dân mà bị hi sinh thì được xem xét công nhận là liệt sĩ”. Vậy nhưng, đến nay đã hơn 5 năm, anh Ninh vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ.
Sau khi công luận lên tiếng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Kiên, Trưởng Phòng Chính sách 1, Cục Người có công và được biết, hiện Cục Người có công đang xem xét để báo cáo với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ cho vận dụng luật để xét công nhận danh hiệu liệt sỹ cho đồng chí Phạm Đức Ninh.
“Tuy nhiên, việc xét công nhận danh hiệu liệt sỹ cho anh Ninh không phải là trường hợp đương nhiên mà tỉnh Bình Phước phải có văn bản giải trình và đề xuất cho vận dụng luật để giải quyết cho từng trường hợp đơn lẻ, nhằm phục vụ cho phong trào an ninh của địa phương. Vận dụng trong trường hợp này là dũng cảm đấu tranh chống tội phạm”, ông Nguyễn Duy Kiên nói.
“Trong trường hợp này, người chiến sĩ chạy để tìm sự hỗ trợ là đúng. Hơn nữa từ trước tới nay chưa có một tiêu chí, hay một văn bản nào quy định thế nào là hành động dũng cảm. Sự đánh giá, nhìn nhận vấn đề này vẫn theo hướng chủ quan”, Thượng tá Lê Đức Long, Trưởng Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, Công an tỉnh Bình Phước. “Đồng chí Ninh xứng đáng được phong danh hiệu liệt sĩ, tuy nhiên “án tại hồ sơ”. Trong quá trình hoàn tất hồ sơ có những câu chữ được sử dụng chưa chuẩn xác mà Cục Người có công lại dựa trên hồ sơ để xét. Hiện chúng tôi đã bổ sung những hồ sơ cần thiết để đồng chí Ninh sớm được công nhận danh hiệu trên”, ông Võ Văn Mãng, phó GĐ sở LĐTB&XH tỉnh Bình Phước. “Đồng chí Ninh được cấp trên phân công, giao nhiệm vụ xuống thôn trấn áp tội phạm, hành động bỏ chạy là để gọi thêm sự hỗ trợ để nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao, không thể đánh đồng với sự trốn chạy hèn nhát khác. Bởi vậy, đồng chí phải được công nhận danh hiệu liệt sĩ. Đây là tỉnh biên giới, diễn biến tội phạm rất phức tạp, để nắm bắt tình hình trật tự trên địa bàn rất cần sự hỗ trợ của công an viên. Việc đồng chí Ninh có được công nhận liệt sĩ hay không ảnh hưởng rất lớn đến tình thần, ý chí đất tranh chống tội phạm của toàn quân dân trong tỉnh”, Đại tá Phạm Xuân Chiến, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Phước. |
Bảo Hằng- Vân Anh