Trước việc giải ngân vốn, phân bổ quản lý sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ nguyên nhân, có giải pháp chấn chỉnh vào năm 2017.
Giải ngân vốn nước ngoài còn chậm
Trình bày báo cáo của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính và các bộ, ngành trung ương và địa phương, đến tháng 11 năm 2016 các bộ, ngành và địa phương đã giải ngân vốn nước ngoài trong năm là 36.006.058 tỷ đồng, đạt 74,9% kế hoạch. Trong đó, có đến 9 bộ, ngành trung ương cùng 26 địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch.
Thời gian giải ngân kế hoạch năm 2016 còn rất ngắn, chỉ được phép giải ngân đến ngày 31/1/2017, chính vì thế Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ, ngành trung ương và các địa phương nếu đến ngày 30/11/2016 mà dưới mức 50% kế hoạch vốn được giao phải cắt giảm vốn kế hoạch theo nguyên tắc, tiêu chí mà Thủ tướng đề ra. Tính đến ngày 19/12/2016 đã có 5 bộ, ngành trung ương và 7 địa phương đề xuất cắt giảm vốn kế hoạch nước ngoài trong năm là 2.296,27 tỷ đồng. Còn 4 bộ, ngành trung ương và 20 địa phương chưa có báo cáo đề xuất.
Theo ông Phương, tổng số vốn dự kiến cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài trong năm 2016 là hơn 5,8 nghìn tỷ đồng của 11 bộ, ngành trung ương và 28 địa phương. Ông Phương cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do sự khác biệt trong công tác đấu thầu giữa các thủ tục trong nước và nhà tài trợ; lúng túng trong triển khai một số quy định mới của Luật Xây dựng; giải phóng mặt bằng chậm; năng lực quản lý một số dự án hạn chế; một số dự án vốn đối ứng không đáp ứng được nhu cầu…
Trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí bổ sung vốn nước ngoài, Chính phủ trình UBTVQH bổ sung 7.154,9 tỷ đồng (1.300 tỷ đồng từ kế hoạch vốn nước ngoài chưa phân bổ và 5.854,91 tỷ đồng vốn đề xuất cắt giảm) cho các dự án đúng đối tượng, điều kiện.
Đánh giá tình hình giải ngân vốn nước ngoài, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng: “Qua theo dõi Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, công tác quản lý, sử dụng vốn nước ngoài trong các năm qua còn nổi lên nhiều bất cập, bố trí vốn chưa sát với tình hình thực hiện, công tác điều hành, tổng hợp số liệu, đề xuất cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn còn chậm, chưa chặt chẽ”.
Ông Hải nhận định, tình trạng không giải ngân, đọng vốn chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan là biểu hiện lãng phí, kém hiệu quả trong sử dụng vốn. Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ mới trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến đối với việc phân bổ, điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.
Băn khoăn việc cấp vốn cho hai ngân hàng
Vẫn băn khoăn trước một số vấn đề trong báo cáo của Chính phủ đã nêu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: “Bổ sung vốn cho hai ngân hàng không có trong dự toán thì chi số tiền đó có hợp hiến không? Nếu không có dự toán thì không được chi mà chỉ được ứng”.
Giải trình thắc mắc của Phó Chủ tịch Quốc hội, đại diện Bộ Tài chính - Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, đối với dự án không giải ngân hết phải điều chỉnh giảm để bổ sung vào các dự án có khả năng giải ngân cao hơn và đang thiếu, trên cơ sở tổng mức vốn đầu tư nước ngoài mà Quốc hội giao trước đó. Với trên 44 ngàn tỷ nguồn của các chương trình dự án thì vốn của dự án nào sẽ giải ngân cho dự án đó, ghi thu ghi chi cho từng dự án thì không thể lấy để cấp cho hai ngân hàng chính sách. Nguồn thứ hai của vốn nước ngoài là hỗ trợ bằng tiền trực tiếp cho ngân sách nhà nước của chương trình biến đổi khí hậu và phát triển giáo dục đại học. “Nếu ta sử dụng nguồn vốn của 2 chương trình trên, tối đa cũng chỉ 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến khi thực hiện chương trình biến đổi khí hậu thì Nhà nước phải bố trí ở nguồn khác để trả lại cho chương trình”, ông Hà nói.
Ông Hà cũng cho hay, Bộ Tài chính đồng tình với việc cấp thêm vốn cho 2 ngân hàng để tăng nguồn lực, đặc biệt tăng vốn điều lệ. Trong trường hợp trong năm 2017, tổng thể nguồn vay đáp ứng được cho việc cấp vốn thì có thể sử dụng nguồn của năm 2017, nhưng phải điều chỉnh dự toán của năm 2017.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, dù số tiền chi cho hai ngân hàng chưa có trong dự toán, tuy nhiên nếu được UBTVQH cho phép thì vẫn phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước vì khoản tài trợ nói trên của Ngân hàng Thế giới (WB) không ràng buộc chi cho khoản nào, mà Chính phủ được toàn quyền.
Cho rằng chỉ còn 9 ngày nữa là kết thúc năm trong khi Chính phủ mới trình điều chỉnh vốn nước ngoài là chậm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong điều hành. Theo Chủ tịch Quốc hội, không chỉ năm 2016 mà tình trạng này trong những năm qua chưa khắc phục được tốt, đó là việc giải ngân vốn, phân bổ quản lý sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập, tồn tại hạn chế, như phân bổ vốn chưa sát tình hình, chưa phù hợp, thậm chí có những đơn vị phân bổ nhưng không có nhu cầu sử dụng, hoặc chưa đủ điều kiện phân bổ vẫn phân bổ, giờ phải đi điều chỉnh; rồi tình trạng chậm giải ngân triền miên, năm nào cũng chậm.
Nhắc lại lần thứ 2, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ nguyên nhân, có giải pháp chấn chỉnh và năm 2017 cần hạn chế, khắc phục.