Mục đích của việc đặt các trạm cân tải trọng là bắt buộc chủ xe, lái xe khi quá tải phải hạ tải, đảm bảo trọng tải theo giấy phép đăng kiểm, sau khi cân lại lần hai đủ tải mới tiếp tục được phép lưu hành. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc, chứng kiến tại một số trạm cân, cho thấy việc hạ tải gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Những ngày đầu ra quân, đã kiểm tra 717 xe, trong đó vi phạm 160 xe (chiếm 22,3%).
Muốn hạ tải không có chỗ chất hàng!
Theo Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn quốc gia tỉnh Hải Dương, tuy đã phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm tải trọng nhưng mới chỉ yêu cầu được… 2 trường hợp hạ tải là hàng hóa thông thường dễ hạ tải, bảo quản còn chủ yếu là lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính và cho xe tiếp tục lưu thông.
Thực tế cho thấy, lượng hàng hoá được vận tải rất đa dạng, việc hạ tải khó áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa. Đặc biệt, để có một bãi hạ tải cũng khó khăn, chưa kể phải bố trí người trông giữ, bảo quản trong khi lực lượng, kinh phí có hạn.
Không chỉ riêng ở Hải Dương, một số tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc… được cho là có thể bố trí được bãi hạ tải cũng gặp khó khăn. Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, nơi đặt trạm cân phải đủ mặt bằng để dừng xe kiểm soát và hạ tải trong khi trạm cân thì lưu động, rất khó khăn cho lực lượng kiểm soát khi phát hiện xe vi phạm.
San tải, né trạm cân
Theo phản ánh tại một số địa phương, để tránh kiểm soát, một số lái xe đã tìm cách san tải, qua trạm cân lại bốc hàng lên; một số thì né trạm bằng cách đi đường tránh. Lái xe thường “mật báo” cho nhau bằng cách dừng lại tại các quán ăn, cây xăng trong khi lực lượng tuần tra, kiểm soát không thể xách cân đến bất cứ chỗ nào.
Không ít lái xe chia sẻ, biết là chở quá tải trọng tuổi thọ của xe sẽ giảm, nguy hiểm, thiếu an toàn và có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào nhưng vì các nhà xe đua nhau giảm giá cước mà giá xăng dầu lại liên tục tăng, nếu không chở quá tải thì không có lãi.
Vì vậy, hầu hết các xe đều chở quá tải, ít nhất cũng khoảng 30% tải trọng xe; nếu gặp trạm cân, với mức phạt thấp nhất là 4 triệu đồng thì mất cả tháng tiền công nên “né” trạm cân là cách tốt nhất.
Một số CSGT Công an tỉnh Hải Dương cho rằng, việc đầu tư gần 2 tỷ đồng một trạm cân là quá tốn kém mà hiệu quả thực tế chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu kiểm soát xe vi phạm tải trọng nên việc xử phạt sau đó cũng chẳng khác nào “đánh trống bỏ dùi” dù rõ ràng xe quá tải là tác nhân chính làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ của các tuyến đường và cầu. Việc kiểm soát tải trọng cần phải làm từ gốc, làm từ các cảng biển, chân bến bãi và từ các doanh nghiệp vận tải mới thật sự có hiệu quả.
Nhiều địa phương thiếu quyết liệt!
Ngày 1/4 là ngày đồng loạt ra quân của hầu hết các trạm cân trên 63 tỉnh, thành trong cả nước, nhưng thực tế chỉ có 35 tỉnh triển khai được, còn lại chưa triển khai được do… thiếu quyết liệt. Đó là nhận định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường trong buổi thị sát tại trạm cân đặt ở đầu cầu Việt Trì (Phú Thọ).
Ông Nguyễn Xuân Cường |
Được đánh giá là tỉnh triển khai có hiệu quả nhất, Phú Thọ là một trong 10 tỉnh đầu tiên có cân tải trọng lưu động nhưng Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ Lê Quang Hạ cũng phải thừa nhận, việc kiểm soát tải trọng xe hiện hiệu quả chưa cao.
Ông Hạ cho hay, trong đợt kiểm tra tải trọng lưu động tháng 3 vừa qua tại ngã ba Tiên Kiên, thuộc huyện Lâm Thao đã phát hiện 72 xe vi phạm tải trọng chở hàng hóa từ Nam ra Bắc, qua không biết bao nhiêu tỉnh, thành nhưng đến Phú Thọ mới bị phát hiện?!
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, việc kiểm soát tải trọng xe là nhiệm vụ mang tính mục tiêu, buộc các xe phải chở đúng tải trọng nhưng cũng chưa làm triệt để được do khó khăn về bến bãi, mặt bằng hạ tải.
Tuy nhiên, ông Cường cũng không khỏi băn khoăn vì thực tế hiện nay một số tỉnh, thành chưa vào cuộc tích cực. Một khi địa phương, chính quyền quyết tâm, tạo điều kiện cho lực lượng liên ngành kiểm soát tải trọng xe thì công việc này chắc chắn rất hiệu quả…