Thuận Kiều Plaza nằm ngay trung tâm Chợ Lớn. |
Kỳ vọng cao, thất vọng lớn
Nhưng không như mong đợi, khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á nổ ra khi Thuận Kiều Plaza vừa hoàn thành đã ảnh hưởng phần nào đến lượng khách thuê. Sau hơn 10 năm hoạt động, thương xá này đã rơi vào cảnh ế ẩm. Nhiều dư luận đồn đoán về phong thuỷ, ếm trấn đã phủ lên trên sự vắng vẻ này.
Trong một ngày cuối tháng 3-2014, chúng tôi có mặt ở tòa nhà cao chọc trời này để tìm hiểu thực tế. Tại khu vực kinh doanh vốn sầm uất một thời chỉ lấy lèo tèo vài cửa hàng báng quần áo, giày dép và lưa thưa một vài khách hàng.
Bước vào cửa số 2 tôi được các nhân viên bán các loại máy mát xa nài nỉ dùng thử. Cô nhân viên bán hàng tên Ngọc Hà giới thiệu đủ loại sản phẩm và cho hay sắp hết giờ nhưng tôi chỉ là người thứ 3 trong ngày thử máy.
“Tụi em mỗi ngày phải mời được 5 người dùng thử máy nhưng vắng hoe thế này thì việc thiếu chỉ tiêu là thường xuyên. Hôm qua em chỉ mời được 4 khách hàng dùng máy thử, hôm nay lại thiếu chỉ tiêu nữa” - Hà than thở.
Đi vào khu vực trưng bày mô hình cụm cao ốc, chiếc thang cuốn đã ngưng hoạt động. Từng có nhiều dư luận đồn đoán về các hiện tượng ma quái ở chiếc thang này. Tôi bước lên tầng hai thì hầu hết các dãy ki ốt bán hàng đã đóng cửa từ lâu. Phải chăng do toà nhà quá đồ sộ nhưng ế ẩm kéo dài không cải thiện được nên mới phát sinh nhiều câu chuyện hoang đường?
Kiến trúc mắc sai lầm phong thủy?
Ông Mã Trọng Kim, một người gốc Hoa hiện đang ở đường Hồng Bàng (Quận 6), cách chung cư Thuận Kiều Plaza độ 5 phút đi xe gắn nhớ lại: “Thời điểm mới xây xong, hàng ngày đi ngang qua đây là tôi như bị hút hồn bởi sự choáng ngợp đầy hoa lệ của cụm cao ốc. Đó là niềm ao ước của nhiều người”
Thuận Kiều Plaza (Quận 5, TP.HCM) một trong những cao ốc đầu tiên được xây dựng đón làn gió hợp tác đầu tư, một thời được xem là điểm đến hấp dẫn về nơi ở, kinh doanh. Nằm trên vị trí trung tâm Chợ Lớn năng động, Thuận Kiều Plaza có quy mô khá lớn, tổng diện tích 100.000m2, được chia làm nhiều chức năng như khu thương mại (20.000m2); bãi giữ xe, câu lạc bộ thể thao, giải trí (rộng 20.000m2). Phần còn lại là khu căn hộ được phân bổ đều cho ba cụm cao ốc cao 33 tầng mà mọi người thường hay gọi là ba tòa tháp.
Lúc ấy đã có rất nhiều lời khen thưởng về nhãn quan của nhà đầu tư trong việc lựa chọn vị trí đắc địa. Có người còn tán tụng là Thuận Kiều Plaza nằm trên long mạch, dễ dàng đạt đến sự thịnh vượng.
Nhưng sau một thời gian với hiện tượng dân cư thưa thớt, các cửa hàng kinh doanh ngày càng vắng khách, cao ốc này bị nhiều nhà “phong thủy” mang ra mổ xẻ.
Ông Kim cho biết, có một nhóm “các nhà phong thủy” vào nghiên cứu toàn diện và hoàn thành một tiểu luận chi tiết về Thuận Kiều Plaza để lý giải cho việc ế khách.
Đầu tiên nhóm cho rằng, tòa nhà Thuận Kiều Plaza giống một con tàu có ba ống khói lớn ở trên. Với cách nhìn khác thì lại giống chữ Sơn (núi) theo cách viết tượng hình của chữ Hoa. Nhưng theo cách nào thì nó cũng có những nhược điểm về mặt hình thể. Bởi nếu là con tàu hay núi đều cần đến sự chắc chắn, vững vàng.
Tuyến đường Đỗ Ngọc Thạch đâm xuyên qua tầng một của khối nhà, giống như con tàu lớn cỡ Titanic bị cắt làm đôi. Ngoài ra, những khối nhà vút cao không tương xứng với chân đế. Điều đó cho thấy tham vọng của người chủ tòa nhà muốn xây một công trình bền vững lâu dài, tạo tiếng tăm nhưng không chắc chắn về khả năng kinh tế, hoặc tính pháp lý sở hữu và quá trình xây dựng công trình này đã xảy ra nhiều mâu thuẫn đối kháng. Điều đó khiến cho công trình này khó phát triển.
Kiến trúc bị cho là phong thủy xấu của Thuận Kiều Plaza. |
Một trang web chuyên về phong thuỷ thì cho rằng, Thuận Kiều được xây dựng trên long mạch. Chủ đầu tư đã tính toán phong thủy rất kỹ về cách đặt cửa, hướng nhà, bố trí hồ bơi, bài trí những ngọn đèn xung quanh tòa nhà. Khi những ngọn đèn này thắp sáng, ánh sáng sẽ hút sinh khí của các vùng lân cận, bồi đắp cho Thuận Kiều. Nói cách khác cách bài trí này là hút vượng khí vào Thuận Kiều và các khu vực xung quanh sẽ lụn bại.
Tuy nhiên, khi TP mở con đường cắt ngang tòa tháp A & tháp B đã hóa giải cách bài trí phong thủy này. Các khu vực lân cận không bị mất sinh khí. Con đường nhỏ này đã cắt đứt long mạch Thuận Kiều. Cây cầu vượt mới được xây dựng nằm phía trên không giúp được gì nhiều vì long mạch ở mặt đất chứ không phải trên không
Nhóm nghiên cứu phong thuỷ nhận xét, thiết kế thiết kế của tòa nhà thuận lợi cho giao thông tới mức giống như vỉa hè mở rộng hơn là một khu nhà. Tòa nhà có hàng lang chạy dọc với cửa thông ở hai đầu, gây ảnh hưởng tâm lý khiến người ta bước chân vào một đầu nhà là có thể đi từ đầu này đến đầu kia và muốn ra ngoài, chứ không dừng lại…
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng Thuận Kiều Plaza là một mô hình kiến trúc mắc nhiều sai lầm về phong thủy. Điều chủ yếu làm suy thoái tòa nhà này là tính vô khí, đã gây ra sự trì trệ, ế ẩm ở đây. Tất nhiên, những “nghiên cứu” này chỉ là suy đoán không thể kiểm chứng
Bị “trấn yểm”?
Trên mạng và thậm chí cả thông tin báo chí còn đưa ra những mẫu chuyện rùng rợn trong cao ốc này, chỉ có điều hầu hết là “nghe kể lại”. Một người dân sống gần nơi này đưa phán đoán cấu trúc ba tòa tháp ở Thuận Kiều Plaza cao 33 tầng là theo quan niệm Thiên - Địa - Nhân, thể hiện mong muốn về một cuộc sống sung túc, phát đạt của con người.
Nhưng có người mê tín thì nó lại giống ba cây nhang sơn đỏ hồng. Thuận Kiều Plaza lại nằm gần bệnh viện Chợ Rẫy mà từ bên trên có thể nhìn thấy rõ khu vực nhà tang lễ bên trong bệnh viện chứa những điều xui rủi.
Ông Thanh chạy xe ôm ở khu vực Thuận Kiều Plaza từ trước khi tòa cao ốc được xây dựng cho đến nay nên đã tận chứng kiến những tai nạn lao động gây chết người xảy ra trong khi xây dựng ở công trình này.
Một cô gái bán cơm xinh đẹp ở gần công trình đang chờ đến ngày cưới thì bị vật liệu văng xuống gây tử vong. “Nhiều người lấy sự kiện một anh công an cự cãi với người yêu nên rút súng bắn chết cô gái, rồi tự vẫn ở vỉa hè trước Thuận Kiều Plaza rồi phóng tác. Họ nói rằng sau đó thấy bóng dáng “hai người này” lởn vởn trong tòa nhà và tiếp tục cự cãi, gây ra trận cháy một nhà hàng trong Thuận Kiều Plaza vào năm 2009”.
Một lái xe tên Thanh vạch áo giơ những vết sẹo trên tay, trên lưng kể với người viết: “Nhiều người gọi tôi là Thanh sắt do có nhiều “chiến tích” về việc đánh nhau. Ấy vậy mà tôi nhiều lần ngủ ngoài đường đã hoảng hồn, mất vía khi thấy những bóng trắng lượn lờ trên cao ốc. Sau đó, tôi bị bệnh mấy ngày và phải cúng, khấn vái mới khỏi”.
Một giả thiết khác được nhiều người truyền miệng là Thuận Kiều bị nhà thầu yểm bùa do mâu thuẫn với chủ đầu tư. Người ta nói, ban đêm trong các tòa tháp văng vẳng tiếp khóc và có những bóng trắng lượn lờ.
“Tôi cho rằng nguyên nhân chính khiến Thuận Kiều Plaza ế ẩm là do quyền lợi của người mua căn hộ không được đảm bảo. Có thông tin nói nhà nước chỉ cho phép ở trong cao ốc này một thời gian rồi phải trả lại nhà. Thứ đến là giá cả, nếu thử bán rẻ khoảng 5 triệu đồng/m2 hoặc cho thuê từ 3-5 triệu/tháng/căn hộ thì coi lúc đó “ai” sợ “ai””, ông Thanh lý giải bằng sự trải nghiệm, hiểu biết của mình...
(Còn tiếp)