Không quá tải, phải… bỏ nghề
Chúng tôi đã theo một xe từ huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) di chuyển đến địa điểm đặt TCLĐ ở km 844+150 trên QL1A thuộc địa phận Thừa Thiên Huế. Khác với mọi khi, trên tuyến này các xe tải, xe container qua lại bình thường nhưng hôm đó do biết có trạm “đang làm” nên trên đường rất ít xe to. Thi thoảng mới thấy một vài xe tải nhẹ hoặc xe không chở hàng nội tỉnh phóng qua.
Sau hơn 1 giờ quan sát, chúng tôi không thể đưa vào ống kinh của mình hình ảnh một chiếc xe quá khổ, quá tải nào nên phải di chuyển ngược vào hướng Đà Nẵng để quan sát. Đúng như dự đoán, cách trạm cân này chưa đầy 1 km, rải rác dọc QL1A rất nhiều xe tải tấp vào hai bên lề mắc võng nằm… “nghỉ”.
Cách đó chừng 4 km, tại cây xăng dầu số 23 thuộc Cty Xăng dầu Thừa Thiên Huế, trước mắt chúng tôi là hàng chục chiếc xe tải nối đuôi nhau đậu chật kín cây xăng và mép QL1A cũng để… “nghỉ” uống nước, hút thuốc và tán chuyện... Chúng tôi liền đưa máy lên bấm thì nhiều tài xế xúm lại tỏ thái độ khó chịu. Nhưng, khi biết chúng tôi là nhà báo, họ không ngần ngại tiếp xúc và bày tỏ.
Ông Trần Văn Huy - một tài xế xe tải chở cà phê từ Đắk Lắk nói: “Chúng tôi biết chở quá tải là vi phạm nhưng Nhà nước cần xem xét cho anh em chạy xe vì nếu buộc chở hàng đúng quy định thì chúng tôi e phải bỏ nghề hết vì giá cước vận chuyển quá thấp, thu không đủ chi”.
Ông Huy tính toán: “Xe tôi được phép chở 8 tấn, nếu chở cà phê từ Đắk Lắk ra Hà Nội thì được chủ trả trọn gói 10 triệu đồng (mỗi tấn giá chung hiện nay là từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng). Trong khi chi phí xăng dầu, ăn uống dọc đường cho 2 người hết 12 triệu đồng, chưa kể các loại phí và qua hầm. Nếu không thêm hàng thì lấy gì để bù phần thâm hụt?”.
Anh Võ Văn Quý - một lái xe từ Thanh Hóa góp thêm: “Lâu nay, chúng tôi đều chở hàng quá tải mới có đồng lãi để khấu hao và lo cho gia đình, nay đặt trạm cân với mức xử phạt cao như vậy chúng tôi chỉ có nước bán xe chứ chạy sao nổi. Nếu đặt TCLĐ thì nên bố trí tỉnh nào cũng có để tạo sự công bằng giữa các đơn vị vận tải chứ tỉnh làm, tỉnh không sẽ sinh ra cạnh tranh về giá không lành mạnh”.
Khi chúng tôi hỏi: Các bác sẽ tiếp tục “nghỉ” đến khi nào Thanh tra “rút” thì mới đề - pa?”, ông Lê Duông - tài xế xe container chở hàng từ Bình Dương ra Bắc không ngần ngại: “Dù có nằm lâu hơn nữa chúng tôi cũng nằm bởi nếu qua trạm giờ này, không những bị “dính” phạt mà có khi còn bị tước luôn bằng”.
Việc các tài xế cho xe “né” trạm là một thực tế xảy ra ở nhiều địa phương nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp “trị” tận gốc, bởi đa số các TCLĐ hiện nay chỉ bố trí làm theo ca chứ chưa có đủ lực lượng để kiểm tra 24/24 giờ.
Lập biên bản rồi... cho đi
Theo ghi nhận, ở Thừa Thiên Huế được bố trí hai TCLĐ tại km 844+150 và km 0+400 trên QL1A. Tuy nhiên, việc đặt TCLĐ ở tỉnh này nói riêng, cả nước nói chung hiện mới chỉ giải quyết được phần “ngọn”, còn cái “gốc” để hạn chế xe quá tải là vấn đề không đơn giản do trên thực tế gần 90% xe chở hàng đang lưu thông trên đường đều “cõng” hàng quá tải.
Trao đổi với PLVN về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hoàng - Tổ trưởng Tổ CSGT phụ trách TCLĐ ở km 844+150 cho biết: “Theo quy định thì các xe chở hàng quá tải trọng cầu đường và thiết kế buộc phải hạ tải. Nhưng có nhiều trường hợp chúng tôi chỉ lập biên bản vi phạm và bắt chủ xe ký cam kết lần sau không tái phạm rồi cho đi chứ không thể buộc những xe này phải hạ tải được, do hàng hóa trên xe là hàng đông lạnh, hàng nông sản, nếu hạ tải thì phải có kho, bãi, nhưng hiện tại ở khu vực đặt trạm cân không có điều kiện này.”.
Cũng theo ông Hoàng: “Nếu muốn làm triệt để xe quá tải, ngoài đầu tư kho bãi, về lâu dài cần thiết kế, xây dựng khu vực riêng để đặt trạm cân chứ để trên QL như hiện nay thì thật không an toàn”.
Trả lời phóng viên về biện pháp xử lý các xe trốn trạm, Thiếu tá Hoàng cho hay: “Chúng tôi chỉ thực thi nhiệm vụ tại trạm, còn nếu các xe trốn trạm mà gây mất trật tự an toàn giao thông thì sẽ bị lực lượng CSGT tuần tra xử lý”.
Ông Lê Anh Sơn - Tổ trưởng Thanh tra giao thông (Sở GTVT Thừa Thiên Huế) thì cho biết: “Tổng cục ĐBVN đồng ý cho lấy Trạm thu phí Phú Bài cũ để làm kho, bãi chứa hàng hóa nhưng mặt bằng tại đây quá nhỏ, chỉ chứa khoảng 3 xe là chật nên vấn đề buộc tất cả các xe phải hạ tải là điều không thể”.
Cũng theo ông Sơn, ngoài kho chứa phải bảo đảm, đòi hỏi lực lượng tại trạm cân phải có đầy đủ trang thiết bị như cẩu (vì có nhiều xe chở hàng nặng, cồng kềnh) nhưng hiện tại chưa có các thiết bị này nên nếu phát hiện xe quá tải mà chỉ có tay không cũng chẳng làm được gì.
Thực tế trên cho thấy, để trị được tận gốc xe quá tải nhất thiết phải xây dựng hệ thống kho bãi để buộc các xe hạ tải chứ không thể xử phạt rồi cho đi như hiện nay. Ngoài việc ràng buộc trách nhiệm của chủ hàng, chủ xe như mới được áp dụng hiện nay (trước đây chỉ phạt tài xế), các cơ quan chức năng cần quy trách nhiệm của các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, cảng nếu để xảy ra tình trạng xe quá tải đóng hàng từ đơn vị mình lưu thông trên đường.
Còn như hiện nay thì chẳng khác nào làm cho có, rồi chuyện đâu vẫn hoàn đấy. Hơn nữa, còn dễ nảy sinh tiêu cực, dẫn đến cạnh tranh không công bằng về cước vận chuyển giữa những đơn vị biết “làm luật” và đơn vị không.
Theo số liệu từ Thanh tra giao thông Thừa Thiên Huế, sau gần một tháng đặt trạm cân, lực lượng này đã kiểm tra 239 xe các loại, trong đó có 93 xe vi phạm, cả 93 trường hợp này đều bị tước giấy phép lái xe. Con số này chắc mới chỉ là một phần rất nhỏ so với số xe quá khổ, quá tải hàng ngày vẫn bon bon trên QL1A?.