Câu chuyện phía sau những tấm lòng
Hơn 25 năm tham gia công tác từ thiện, ông Nguyễn Văn Tác (50 tuổi, ngụ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) đã tạo nên những dấu ấn đặc biệt cho hành trình cuộc đời.
Từ một thanh niên chơi bời, bia rượu khiến cha mẹ buồn lòng, ông Tác tự thay đổi bản thân trở thành con người có ích cho xã hội. Ông bắt đầu ăn chay và thành lập đội xe cứu thương từ thiện Trung An để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Ban đầu, do đường sá không thuận lợi, cộng thêm chưa có kinh phí để mua xe chuyên dụng, ông Tác và các anh em trong đội phải chuyển người bệnh bằng xe máy, tắc ráng (vỏ lãi) gây tốn nhiều thời gian. Có trường hợp người bệnh qua đời giữa đường vì không kịp đến bệnh viện.
Ăn chay và làm từ thiện, ông Tác đã thay đổi cuộc đời mình. |
Sau 15 năm gắn bó với đội từ thiện, chiếc xe cứu thương đầu tiên đã vượt qua những chuyến hành trình dài từ Nam ra Bắc, từ Cà Mau ra Hà Nội.
Nhớ lại một kỉ niệm xúc động, ông Tác kể: “Hồi trước, có một bà quê Thái Bình, cũng hoàn cảnh khó khăn phải tới Cần Thơ này làm thuê, làm mướn rồi không may chết ở đây luôn. Người nhà mướn xe để chở xác bả về ngoải nhưng không ai chịu chở. Biết được, chúng tôi mới đưa xác bả về quê hương giùm. Đây ra Thái Bình cũng mất 5 ngày 5 đêm. Ra tới đó bà con bu lại coi đông lắm, tới lúc mình về bà con bắt tay, đứng tiễn mình nhìn cảm động lắm”.
Một số thành viên trong đội xe cứu thương từ thiện Trung An. |
Việc chở xác chết không phải ai cũng làm được, thứ nhất là vì tâm linh, thứ hai là tử thi thường có mùi hôi thúi rất khó chịu. Lúc mới bắt đầu ông Tác cũng sợ, cũng không chịu được mùi hôi nhưng dần rồi quen, cố gắng chịu đựng vì ông nghĩ mình không làm thì ai làm.
Sắp tới, đội từ thiện sẽ đón thêm một xe cứu thương mới để phục vụ việc chuyển bệnh tốt hơn. Gần đây nhất, một câu chuyện đáng tiếc xảy ra đã khiến mọi người rất buồn. Trước nay, cả đội chỉ có một xe cứu thương nhưng mấy đêm trước lại có ca bệnh và ca sinh nở cùng lúc, ca sinh nở vì không kịp đến bệnh viện nên đứa bé đã mất. Không muốn sự việc đau lòng tái diễn, ngay hôm sau với 10 triệu đồng trong tay, ông Tác lập tức đi đặt cọc để mua thêm một chiếc xe cứu thương có giá hơn 700 triệu đồng.
Vì người quên mình
Không chỉ giúp chuyển bệnh, các thành viên của đội từ thiện còn tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu cứu người. Trong đó, riêng ông Tác số lần hiến máu còn nhiều hơn số tuổi của ông với 77 lần hiến máu.
“Hiến máu giúp người qua cơn hoạn nạn, sức khỏe mình đầy đủ thì mình chia bớt cho người ta để người ta cũng có sức khỏe. Quan trọng nhất là hiến tiểu cầu, ở bệnh viện gọi lúc nào là mình phải đi xuống hiến liền lúc đó, giá nào mình cũng đi, nửa đêm cũng đi”, ông Tác nói.
Không chỉ tích cực cống hiến cho ngành y tế, đội từ thiện xã Trung An còn lăn xả làm các công tác từ thiện khác như bắt cầu, làm đường, cất nhà…
Chia sẻ về công việc của mình, ông Đặng Văn Giỏi (58 tuổi, ngụ xã Trung Hưng) cho biết: “Tui bắt đầu làm từ thiện lúc tui 15 tuổi, tới nay cũng mấy chục năm. Làm từ thiện chung với anh em mình vui lắm nhưng mà có cái giờ mình cũng lớn tuổi rồi nên gặp nhiều trở ngại lắm. Người trẻ leo lên nốc nhà cao còn run, còn mình lớn tuổi leo lên là chới với nhưng mà thấy nhà người ta dột tội nghiệp, mình ráng làm để bà con có nơi ăn chốn ở cho nó đàng quàng. Sức khỏe mình còn, mình giúp được tới đâu mình giúp tới đó”.
Trong lúc cất nhà cho bà con, ông Giỏi té và bị thương ở tay trái. |
Giống như ông Giỏi, anh Bùi Thanh Huỳnh (46 tuổi, ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh) cũng bắt đầu làm từ thiện khi còn trẻ tuổi. Gia đình anh vốn có truyền thống làm từ thiện nên lúc nhỏ anh thường theo cha đi bắt cầu đường cho bà con. Đến khi cha mất anh vẫn tiếp tục công việc ý nghĩa này. Tuy cuộc sống mưu sinh bận rộn, anh Huỳnh vẫn sắp xếp thời gian tham gia với anh em trong đội.
Nhiệm vụ của anh Huỳnh là làm tài xế, khi có người cần chuyển bệnh lúc nào anh đi lúc đó, dù ăn không xong, ngủ không yên nhưng anh vẫn không nản lòng. Dẫu là làm việc tốt, anh Huỳnh cũng không tránh khỏi lời ra tiếng vào của thiên hạ.
“Họ nói tôi làm cầu danh nhưng tôi thấy việc mình làm là đúng, xuất phát từ tâm mình nên ai nói gì nói mình cũng không quan tâm. Có những lần tôi đi chở bệnh nửa đêm về đuối quá, tôi chạy luôn xe cứu thương về nhà ngủ, người ta thấy vậy nói tôi là nó sợ nó bệnh nó không có xe đi nên nó để xe sẵn. Mình nghe vậy nhưng thôi kệ, người ta nói kệ người ta”, anh Huỳnh chia sẻ.
Anh Huỳnh cảm thấy vui vẻ vì những gì mình và mọi người làm được. |
“Cứu người, duy trì cuộc sống mãi mãi”
Đây là thông điệp được ghi phía trên thẻ đăng ký hiến tạng mà những thành viên trong đội xe cứu thương từ thiện Trung Hưng nhận được. Một lần đến bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), đội từ thiện biết được nơi đây có nhận hiến mô, tạng sau khi qua đời. Sau khi nghe sự hướng dẫn của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện, các thành viên đã cùng nhau đăng ký vì mục đích nhân đạo.
“Ngày xưa ông bà mình có quan niệm chết phải giữ nguyên xác cho vẹn toàn, nhưng thời nay khi tìm hiểu sâu hơn, con cháu chúng ta nhận thức được ý nghĩa, lợi ích của việc làm này đối với cuộc đời, xã hội nên chấp nhận hy sinh thân mình. Lúc đầu gia đình không ủng hộ nhưng từ từ tui tâm sự, giải thích thì gia đình cũng đồng thuận, ủng hộ. Hiện vợ tui cũng đã đăng ký hiến tạng luôn rồi”, ông Giỏi cười.
Tiếp lời, anh Huỳnh cho biết bản thân cũng nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình, bà con. Hiện trong xã Thạnh Lộc, anh đã vận động được gần 10 người cùng tham gia việc làm nhân đạo này. Hiểu việc cha làm, con trai anh Huỳnh là Bùi Thanh Vũ (22 tuổi) cũng đã đăng ký hiến tạng.
“Em đăng ký hiến từ năm 2019, em thấy cha với mấy chú làm nên em noi gương thôi. Lúc đó em nghĩ là khi mình mất đi rồi không biết gì nữa nên em không sợ, mình cứu được ai thì cứu”, Vũ nói.
Một người hiến tạng sau khi chết não, có thể cứu được tối đa 6 – 8 người. |