Làm rõ ưu, nhược điểm của từng phương án
Thực hiện yêu cầu của Ban soạn thảo, đại diện Tổ biên tập – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Võ Văn Tuyển đã tập trung phân tích ưu, nhược điểm của hai phương án đối với quy định tăng cường trách nhiệm của cơ quan trình dự án, dự thảo VBQPPL.
Theo phương án 1 thì sẽ chuyển việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh sang cho cơ quan có thẩm quyền trình dự án, dự thảo. Ưu điểm của phương án này là bảo đảm tính liên tục, thống nhất trong suốt quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh từ khi đề xuất, soạn thảo, trình đến giai đoạn chỉnh lý dự thảo, từ đó sẽ tạo thuận lợi cho việc quy định chi tiết và tổ chức thi hành luật, pháp lệnh sau khi được thông qua, bảo đảm cho luật, pháp lệnh có tính khả thi, sớm đi vào cuộc sống.
Đồng thời, phù hợp với nguyên tắc phân công, phân nhiệm và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước đã được Hiến pháp 2013 quy định; tăng tính chủ động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trình dự án luật, pháp lệnh trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm hơn, hiểu rõ luật hơn để sẽ thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực được phân công.
Tuy nhiên, phương án 1 có nhược điểm là tăng công việc cho Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, nhất là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, được giao chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, có khả năng một số dự luật khó được thông qua; phải thay đổi quy trình hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và quy chế làm việc của Chính phủ cho phù hợp với quy định mới về cơ quan chủ trì chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.
Còn phương án 2 là tăng cường trách nhiệm của cơ quan trình trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo. Phương án 2 có ưu điểm là phù hợp với xu hướng tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách hiện nay và trong thời gian tới; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL.
Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ được giao nhiệm vụ trình dự án luật, pháp lệnh có thêm thời gian tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước; không phải thay đổi quy trình làm việc của các cơ quan Quốc hội và quy chế làm việc của Chính phủ.
Nhưng nhược điểm là tạo ra sự cắt khúc trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh; làm giảm tính chủ động và trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.
Có nên “làm thay việc của Quốc hội”
Bàn về hai phương án trên, một số ít thành viên chọn phương án 1 với lý giải rằng cơ quan trình phải chịu trách nhiệm đến cùng đại diện. Tuy nhiên, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam quan niệm, cơ quan thẩm tra của Quốc hội sẽ chịu trách nhiệm chỉnh lý bởi chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội là làm luật. Vị đại diện nhận định, phương án 2 hoàn toàn khả thi, muốn tăng cường chất lượng dự án luật, pháp luật thì không có cách nào khác là phải tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ sự lo ngại rằng phương án 1 thay đổi quy trình làm việc của Quốc hội, Chính phủ là không khả thi, không nên làm. Theo ông, phương án 2 vẫn đang phát huy hiệu quả, chẳng qua có sai sót là do sự phối hợp chưa tốt, chứ không phải vì quy định chưa tốt.
Quốc hội là cơ quan lập pháp phải có trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, cơ quan hành pháp không nên làm thay việc của Quốc hội. “Phương án 2 không hề tạo ra sự cắt khúc, đây chỉ là một nhược điểm nhỏ” – ông Tuấn Anh nói.
Chuyên gia Trần Văn Quảng cũng đồng ý với phương án 2, vừa qua có sai sót là do phối hợp thì tới đây cần tăng cường phối hợp. Ông Quảng đặc biệt lưu ý, trong phương án 2 có quy định cho cơ quan trình xin rút dự án luật, pháp lệnh thì đây là một vấn đề lớn, bởi đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh là xuất phát từ nhu cầu cấp bách của đời sống xã hội, không thể vì nguyên nhân nào đó mà xin rút.
Liên quan đến 2 phương án này, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến chủ trì cuộc họp cho biết sẽ nghiêm túc ghi nhận các ý kiến của thành viên Tổ biên tập, tổng hợp báo cáo Trưởng Ban soạn thảo, làm sâu sắc hơn trong báo cáo Ban soạn thảo về các phương án để có ý kiến chỉ đạo.