Tiềm năng bị bỏ quên
Du lịch di sản và ẩm thực là hai khía cạnh quan trọng đối với du lịch văn hóa Việt Nam. Dù vậy, đến nay cả hai mảng du lịch này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Có rất ít các di sản vật thể và di sản thiên nhiên tại nước ta hiện có thể phát triển tốt song song hai nhiệm vụ bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản. Các di sản phi vật thể nổi bật trong văn hóa Việt hiện nay là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; nhã nhạc cung đình Huế; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; ca trù; quan họ Bắc Ninh; hát Xoan ở Phú Thọ; nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh…
Mặc dù những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phi vật thể rất được quan tâm nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, một phần nguồn lực quan trọng trong mảng du lịch này đang dần mai một.
Mặt khác, nhiều năm gần đây, hiện tượng xâm hại vùng di sản ngày càng phổ biến. Tại vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), hàng chục công trình không phép đang bê tông hóa vùng lõi di sản, đe dọa đến tính toàn vẹn của vùng di sản này.
Tại Ninh Bình, doanh nghiệp đã đưa máy móc vào khoan đục từ chân núi Cái Hạ lên tới đỉnh núi, xây dựng khoảng hai nghìn bậc thang bê tông cốt thép. Cùng với đó, các yếu tố khác như hệ thống quản lý, công nghệ bảo tồn lạc hậu, ô nhiễm môi trường… cũng đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của di sản.
Việt Nam là đất nước có hệ thống di sản đồ sộ, nhiều công trình, cảnh quan tự nhiên, yếu tố văn hóa có ảnh hưởng lớn đến hệ thống di sản thế giới. Tuy nhiên, bài toán bền vững đặt ra cho du lịch di sản Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được.
Về ẩm thực, không phải đến hiện nay, những tiềm năng của ẩm thực Việt mới được chú ý. Từ hơn 10 năm trước, trong một lần đến Việt Nam, “cha đẻ của marketing hiện đại” Philip Kotler đã từng gợi ý: “Việt Nam nên là bếp ăn của thế giới”.
Sự phong phú, hấp dẫn của ẩm thực Việt đã bắt đầu được chú ý. Tuy nhiên, theo ông Lê Trần Trường An - Tổng Giám đốc của Tổ chức kỷ lục Việt Nam, ẩm thực Việt phong phú và hấp dẫn nhưng lâu nay phần lớn du khách quốc tế mới chỉ nhắc đến phở hay bún chả; rất nhiều món ngon khác chưa được nhiều người biết đến.
Chưa kể, người làm tour của du lịch Việt cũng đang có nhiều hạn chế về kiến thức ẩm thực, chưa đề cao nhu cầu của du khách trong thực tế, dẫn khách đến các điểm thưởng thức không đạt chuẩn, các đầu bếp chưa có những yêu cầu cơ bản về chứng chỉ hành nghề. Những clip về người bán hàng trong những khu vực chật hẹp, nóng bức, thiếu vệ sinh… bị lan truyền trên cộng đồng mạng cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch ẩm thực Việt Nam.
Để góp phần đưa ẩm thực Việt đến với đông đảo bạn bè quốc tế hơn, nhiều năm liền, Tổ chức xác lập kỷ lục đã công bố top các món ngon hàng đầu Việt Nam, lập các hồ sơ xác lập kỷ lục châu Á về ẩm thực. Nhưng thực tế, không phải địa phương nào cũng quan tâm đến tiềm năng này.
Ông Nguyễn Thường Quân – Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt cũng cho rằng, du lịch ẩm thực Việt mới phát huy khá tốt ở một số địa phương như Hà Nội, Hội An, TP. Hồ Chí Minh. Rất nhiều địa phương khác có nhiều tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn khi muốn phát triển du lịch ẩm thực.
Cụ thể, vùng Tây Bắc rất giàu có về nguyên liệu, từ rau xanh đến gia súc, gia cầm, ốc, cá... nhưng người địa phương chưa tạo được sự khác biệt với những đặc trưng riêng trong các món ăn cho du khách. Các món như cá suối, rau tầm bóp, gà, lợn bản đều có thể có ở bất cứ tỉnh nào ở Tây Bắc.
Xây dựng thương hiệu quốc gia
Mới đây, Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa” vừa được Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng ký quyết định phê duyệt tạo ra cơ sở nền tảng thúc đẩy phát huy giá trị và hiệu quả từ hai lĩnh vực của du lịch văn hóa và cũng là thế mạnh sẵn có của Việt Nam.
Mục tiêu của đề án là định vị thương hiệu du lịch văn hóa dựa trên giá trị đặc sắc về di sản và ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường ưa chuộng, đưa văn hóa ẩm thực Việt trở thành tài sản quốc gia.
Công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch di sản, du lịch ẩm thực bao gồm hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, biên tập, phục dựng và phát triển các giá trị di sản và ẩm thực để hình thành, làm gia tăng giá trị các sản phẩm du lịch. Tổ chức hội thảo chuyên đề du lịch di sản và du lịch ẩm thực; các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về du lịch di sản và du lịch ẩm thực. Tổ chức các đoàn khảo sát phát triển sản phẩm du lịch di sản và du lịch ẩm thực.
Theo Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”, đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa sẽ chiếm 15 đến 20% trong tổng số khoảng 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc mang thương hiệu quốc gia với chất lượng dịch vụ vượt trội, được đầu tư công phu, tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu, khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam hiện có hơn 50 nghìn đầu bếp chuyên nghiệp - lực lượng chủ lực để bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống, đồng thời kết hợp được ẩm thực truyền thống với ẩm thực quốc tế.