Trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD và cá tra đạt 1,2 tỷ USD. Hoa Kỳ và EU là hai thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam.
Đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu các ngành hàng thời gian qua là việc triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU). Đến nay, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 Hiệp định FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 3 Hiệp định và 1 khung khổ kinh tế. Do đó cơ hội mở rộng xuất khẩu đang hiện hữu.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa của các hiệp định này mang lại. Do vậy, để có thể tìm được lời giải cho bài toán này, Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan đầu mối về đàm phán và thực thi FTA đã và đang tăng cường kết nối với bộ ngành, địa phương, hiệp hội và các bên liên quan để tạo hệ sinh thái liên kết nhằm giúp ngành thủy sản tận dụng FTA hiệu quả.
Vừa qua, Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA - Cơ hội cho ngành thủy sản" nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để giúp ngành thủy sản tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA cũng như hiện thực hóa các giải pháp để ngành thủy sản Việt Nam xây dựng tốt hơn hệ sinh thái, đẩy mạnh xuất khẩu.
Tọa đàm cũng hướng đến việc xây dựng một diễn đàn để các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý trao đổi, thảo luận đánh giá và đề xuất những nội dung thiết thực nhằm đóng góp vào quá trình thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ngành thủy sản Việt Nam.
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam thông tin, trong công tác xuất khẩu ngành hàng, hiện nay chúng ta đã xuất khẩu hơn 160 thị trường, trong đó, có 4 khu vực tỷ đô, thị trường lớn này chúng ta có hiệp định thương mại tự do, song phương hoặc đa phương. 9 tháng đầu năm kim ngạch khoảng 7,16 tỷ đô la mỹ, tăng 8,5%.
Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Phương Dung - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết: "Từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về thủy sản, chúng tôi thấy rằng bên cạnh những lợi thế, như là ưu đãi thuế quan cho các doanh nghiệp thủy sản thì các quy định cam kết rất toàn diện rộng và cơ chế thực thi khá chặt chẽ; các FTA cũng tạo ra sức ép cho ngành thủy sản và qua đó cũng tạo ra sự chuyển biến hết sức tích cực đối với hoạt động của ngành thủy sản.
Để tuân thủ các quy định bảo tồn, bảo vệ đa dạng các hệ sinh thái về sử dụng và khai thác hợp lý các nguồn thủy sản; về phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, ngành thủy sản tập trung nâng cao năng lực về quản trị trên toàn chuỗi giá trị.
Chúng tôi cũng nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản Việt Nam, đặc biệt đảm bảo truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm thủy sản khi xuất khẩu sang các thị trường. Bên cạnh đó tham gia vào các thị trường FTA thế hệ mới cũng tạo ra các động lực, đẩy nhanh hiện đại hóa của ngành thủy sản và áp dụng công nghệ tiên tiến.".
Còn theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, để tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA cũng như hiện thực hóa các giải pháp để ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục phát triển cần quan tâm đến 5 vấn đề.
Cụ thể: Thứ nhất là, nguồn nguyên liệu, (nguồn đầu vào) thức ăn cho con giống; chất lượng con giống; Thứ hai là vấn đề đơn hàng, thời gian qua tăng trưởng rất tốt nhưng cũng có lúc khó khăn, đối tác chưa ổn định; Thứ ba là vấn đề về vốn; Thứ tư là các thông tin quy định về thị trường xuất khẩu và cuối cùng là vấn đề về thương hiệu.